1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thuốc hay từ quả chua

Các loại quả chua như khế, sấu, me, mơ... không chỉ là nguyên liệu chính của món ô mai hấp dẫn, là gia vị cho bát chua mùa hè mát lành, bổ dưỡng mà chúng còn là thuốc chữa khá nhiều bệnh như chảy máu chân răng, viêm họng, ho...

Quả khế

 

Khế lúc chín hơi ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, tiêu viêm; được dùng chữa ho, viêm họng, sổ mũi, dị ứng, lở sơn, bí tiểu tiện, sốt rét, chảy máu chân răng và để thúc sởi. Ngày dùng 20-40g hoặc hơn, sắc uống.

 

Chữa ho, viêm họng: Quả khế tươi 60-80g, ép lấy nước uống.

 

Chữa tiểu tiện không thông: Khế chua 7 quả, cắt mỗi quả lấy 1/3 ở phía cuống, đổ vào một bát nước, sắc còn nửa bát, uống khi còn ấm. Kết hợp với việc đắp rốn một quả khế và một củ tỏi giã nát.

 

Thuốc thúc sởi, làm sởi chóng mọc và mọc đều: Quả khế thái lát phơi khô, rau dệu, lá nọc sởi, canh châu, mỗi vị 20g, sao vàng hạ thổ. Sắc uống ngày 1 thang.

 

Phòng bệnh cho phụ nữ sau khi sinh: Quả khế, rễ cây cỏ quả giun mỗi vị 20g, vỏ cây hồng bì 30g. Sắc uống thay nước trong ngày.

 

Quả me

 

Me có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, giải cảm nắng, tiêu thực, nhuận tràng, lợi mật, trị đầy hơi, làm sáng mắt.

 

Quả me chín để ăn tươi, làm mứt hoặc pha nước đường uống giúp chữa chảy máu chân răng, đau gan, vàng da, rối loạn tiết mật, viêm dạ dày mạn tính, khó tiêu, hoặc khi có thai hay nôn oẹ, chán ăn, ốm nghén. Ngày dùng 2-6g thịt quả.

 

Nước hãm quả, uống trị sốt rét.

 

Ô mai me có tác dụng chữa ho, làm ấm bụng, kích thích tiêu hóa, cầm nôn. Ngày ngậm nhiều lần.

 

Cách làm: Quả me xanh đem cạo vỏ ngoài, rửa sạch, để ráo nước, giã nát với gừng tươi cho thật nhuyễn, loại bỏ xơ. Thêm đường đủ ngọt. Đun nhỏ lửa, đảo đều cho bay bớt nước. Trộn với bột cam thảo vừa đủ khô, rồi đóng khuôn.

 

Siro me: Quả me chín đem bóc bỏ vỏ ngoài, lấy thịt quả 200g, nghiền nát, bỏ xơ, trộn với 200ml nước; đun nhỏ lửa, khuấy đều cho đến khi gần quánh. Đun 1,5 kg đường kính với 1 lít nước đến khi sôi, vớt bọt nổi ở trên. Lọc nóng, được siro đơn. Trộn dịch me đã nấu với siro đơn theo tỷ lệ 1/2; thêm 0,1% natri benzoat để bảo quản được lâu. Khi dùng, pha một phần siro me với 3-4 phần nước đun sôi để nguội.

 

Quả mơ

 

Quả mơ được chế thành bạch mai hoặc ô mai. Để chế bạch mai, người ta thu hái quả chín, tãi mỏng, dùng muối sát đều, bỏ vào vại sành, muối trong 3 ngày 3 đêm, vớt ra phơi cho tái rồi lại cho vào vại muối thêm 1 ngày 1 đêm nữa, phơi cho thật khô. Muối thấm vào quả mơ kết tinh thành một màng trắng.

 

Để làm ô mai mơ, người ta thu hái những quả thật già, phơi ở nơi mát trong 3 ngày cho héo. Sau đó cho vào nước đun sôi đến khi da quả mơ nhăn lại, rồi đồ và phơi. Làm như vậy 6-7 lần đến khi quả mơ tím đen là được. Ô mai có vị chua, bạch mai có vị chua mặn, có tác dụng giảm ho, sinh tân dịch.

 

Ô mai được dùng làm thuốc giảm ho, trừ đờm, chữa viêm họng, hen suyễn, khó thở, phù thũng, tả lỵ ra máu, nôn mửa; Ngày dùng 4-8g dạng thuốc sắc uống hoặc viên ngậm.

 

Người ta còn dùng ô mai để chữa giun, phối hợp với các vị thuốc khác. Đặc biệt khi giun chui ống mật, ô mai có tác dụng tạo môi trường axit làm cho giun chui khỏi ống mật trở về ruột và bị tống ra.

 

Rượu mơ là thuốc giúp ăn cơm ngon, đỡ khát nước. Có thể pha nước uống giải khát.

 

Bài thuốc có mơ:

 

Chữa đau họng, ho lâu bị mất tiếng: Mơ chín vàng 100 quả, nước quả chanh 1 chén, cam thảo 40 g, mật ong 320g. Tất cả nấu nhừ, bỏ bã rồi cô thành cao mà ngậm.

 

Hoặc: Mơ muối (bỏ hột), thiên môn, mạch môn, bách bộ, vỏ rễ dâu, các vị bằng nhau. Các dược thảo phơi khô, trừ mơ muối, tán nhỏ, luyện với mật ong và nước gừng, làm viên bằng hạt nhãn, mỗi lần dùng một viên ngậm và nuốt dần.

 

Chữa ho lâu ngày, khản tiếng, viêm phế quản và viêm họng: Ô mai 4g, lá tre, tô mộc mỗi vị 8g; cam thảo dây, chua me đất mỗi vị 5g, lá chanh 4g, gừng sống 2g. Sắc uống ngày một thang.

 

Chữa ho nhiệt, khạc ra đờm có máu: Ô mai, hoa hòe sao, dành dành sao, vỏ rễ dâu mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

 

Chữa lỵ: Mơ 20quả, nước 1 bát, sắc còn 6/10, uống vào lúc đói. Hoặc ô mai 10-15 quả, thêm nước vào đun sôi, giữ sôi 15 phút. Dùng uống thay nước trong ngày.

 

Chữa lỵ mạn tính: Ô mai 8g, đẳng sâm 16g; hoàng liên, hoàng bá, đương quy mỗi vị 12g; xuyên tiêu, tế tân, can khương, quế chi mỗi vị 6g. Tán bột, uống mỗi ngày 20g bột chia thành liều nhỏ, hoặc sắc uống ngày một thang.

 

Chữa tiêu chảy cấp tính do nhiễm khuẩn: Ô mai, sa nhân, thảo quả, sắn dây, mỗi vị 12g; bạch biển đậu 20g, cam thảo 6g. Tán bột làm viên, mỗi ngày uống 20g với nước chè đặc.

 

Chữa giun chui ống mật: Ô mai 16g, sử quân tử 12g, hạt cau, mộc hương, chỉ thực mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

 

Chữa chứng tiêu khát (đái tháo đường): Ô mai (bỏ hột) 80g, sao qua tán nhỏ, mỗi lần dùng 8g với đậu xị (đậu đen đồ ủ lên men) 20g. Sắc uống hoặc nấu ăn vào lúc đói.

 

Chữa sốt rét cơn: Ô mai (bỏ hột) 4 quả, thường sơn (đồ với giấm, phơi khô tán nhỏ) 8g. Giã nhỏ làm viên, uống với rượu vào sáng sớm, trước khi lên cơn.

 

Chữa sốt rét mạn tính có lách to: Ô mai 8g, miết giáp 16g; bạch truật, hoàng kỳ mỗi vị 12g; thảo quả, binh lang, xuyên khung, bạch thược, thanh bì, cam thảo, hậu phác, gừng mỗi vị 8g. Tán bột, ngày uống 40g bột chia nhiều lần, hoặc sắc uống ngày một thang.

 

Quả sấu

 

Quả sấu có tác dụng kiện vị, tiêu thực, sinh tân dịch, chỉ khát, chỉ ho, tiêu đờm. Nó được dùng chữa bệnh nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng, ho, nôn do thai nghén, say rượu, nổi mẩn, sưng, lở ngứa. Mỗi lần dùng 4-6g cùi quả sấu, sắc nước, hãm với nước sôi, hoặc giầm với muối, đường rồi ăn; có thể phơi khô quả chế thành ô mai.

 

Quả sấu xanh tươi dùng nấu canh chua, có tác dụng làm ăn ngon và tăng cường tiêu hóa. Sấu hấp với đường dùng làm nước giải khát. Quả sấu chín để ăn, hoặc làm mứt sấu, tương sấu.

 

Chữa phụ nữ bị nôn do thai nghén: Quả sấu nấu với cá diếc hoặc thịt vịt rồi ăn.

 

Chữa ho: Cùi quả sấu 4-6g, ngâm với ít muối, hoặc sắc nước, rồi thêm đường uống. Ngày 2-3 lần như vậy. Hoa sấu hấp với mật ong là thuốc chữa ho cho trẻ em.

 

Theo Sức Khỏe & Đời Sống