Thuốc giải rượu có thực sự là "thần dược"?
(Dân trí) - Tin vào các loại thuốc giải rượu, nhiều người cho rằng cứ nhậu cho say rồi chỉ cần làm vài viên là khỏe. Tuy nhiên liệu cách này có tác dụng, gan sẽ được thải độc?
Chỉ cần gõ cụm từ thuốc giải rượu, Google sẽ cho hơn 21 triệu kết quả. Trong đó có cả các sản phẩm trong nước, nhập khẩu với những công dụng như hỗ trợ giải rượu, thải độc gan, bảo vệ gan… Giá cả cũng rất đa dạng, loại rẻ thì vài chục nghìn, đắt hơn nữa thì vài trăm, thậm chí cả tiền triệu. Nhiều người đã tin rằng cứ nhậu say đi rồi "làm" mấy viên thuốc giải rượu là sẽ qua được.
Theo các chuyên gia, thực chất đây là thực phẩm chức năng, chứa các thành phần như vitamin B1, B6, B12, acid glutamic... Những chất này được cho là góp phần tham gia quá trình chuyển hóa rượu.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có bằng chứng nào chứng minh những "thuốc" này có khả năng bảo vệ hoặc phục hồi tổn thương các cơ quan do rượu hoặc làm mất trạng thái say xỉn. Có một số chất khi uống vào làm chậm quá trình hấp thu ethanol trong dạ dày vào máu nên gây cảm giác chậm say. Thực chất, ethanol vẫn dần dần ngấm vào cơ thể với thời gian dài hơn và tổng lượng ethanol vào máu và chuyển hóa ở gan tạo ra acetaldehyde là không thay đổi.
ThS.BS Nguyễn Văn Thủy - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu điều trị cai nghiện, Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Hà Nội) cho biết rượu vào cơ thể được hấp thụ hoàn toàn 20% ở dạ dày, 80% ở ruột non, sau đó phân tán tại các mô tế bào. Rượu sẽ chủ yếu chuyển hóa qua gan, một số ít còn lại được đào thải qua mồ hôi hay nước tiểu...
Dưới tác dụng của enzym ADH, ethanol chuyển thành acetaldehyde, là chất gây độc cho cơ thể. Sau đó, dưới tác dụng của các enzym, quá trình oxy hóa giúp acetaldehyde biến thành acid acetic. Acid acetic phân hủy thành CO2 và năng lượng.
Vì thế, bắt buộc cần phải có thời gian để quá trình chuyển hóa diễn ra để đào thải lượng cồn trong cơ thể.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng cho biết không có cái gì được gọi là thuốc giải rượu, tất cả chỉ là quảng cáo. Trong y học hiện đại, với ngộ độc rượu thông thường ethanol không có thuốc giải độc nào cả, việc điều trị hoàn toàn là hỗ trợ bệnh nhân giúp họ không tử vong, bù trừ thiếu cái gì thì bù để giải quyết biến chứng. Rất may mắn là ethanol chuyển hóa nhanh nhưng hậu quả vẫn có nếu đến viện muộn.
"Điều quan trọng là cố gắng uống ít, hạn chế uống, đã uống thì phải ăn. Bản thân ethanol gây hạ đường huyết, giảm tạo glucose ở gan. Uống rượu vào tạo cảm giác no giả, nên nhiều người uống mà không ăn, vì thế rất dễ gây hạ đường máu. Tình trạng hạ đường huyết nghiêm trọng có thể dẫn đến tổn thương não, hôn mê, thậm chí dẫn tới tử vong", BS Nguyên cho biết.
Rượu là một chất ảnh hưởng rất nhiều đến các chức năng của cơ thể. Nó có thể ảnh hưởng đến não gây ức chế thần kinh trung ương, gây hôn mê, ảnh hưởng chức năng hô hấp gây ngừng thở, thở yếu), ảnh hưởng chức năng tim mạch, tụt huyết áp, ảnh hưởng đến đường máu chuyển hóa gây hạ đường huyết, hạ thân nhiệt... Nó cũng là một chất làm mất khả năng kiểm soát, thậm chí chỉ uống ít.
Vì thế, bác sĩ khuyên tốt nhất là không nên uống rượu. Nếu bắt buộc phải uống rượu thì chỉ uống khi đã ăn, đặc biệt là ăn đầy đủ, thức ăn dạng lipid, có tác dụng làm chậm hấp thu rượu vào cơ thể.
Người thân cần chú ý theo dõi người say rượu vì nhiều biến chứng có thể xảy ra. Có người bị nhồi máu não do nôn quá nhiều, có người nằm tì đè mãi một vị trí không ai lật dẫn đến tiêu cơ vân, sưng hết một bên.
Nếu người bệnh vẫn tỉnh và nhận biết được thì nên cho ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, lưu ý thực phẩm có đường, tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn, nước canh, nước hoa quả, oresol...
Nếu nói ú ớ, không rõ từ, gọi không biết, không thể ngồi được thì cần đặt nằm nghiêng sang một bên, tốt nhất nghiêng sang bên phải do dạ dày uốn cong, nằm vị trí này giúp dạ dày không bị kích thích nôn ra ngoài. Khi người say thở yếu, ngừng thở, tím tái, chân tay lạnh thì cấp cứu ngay.