1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thuốc đặc trị bị các doanh nghiệp sản xuất “né tránh”

(Dân trí) - Trong khi ngành y tế ra sức kêu gọi “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt” thì mặt hàng thuốc đặc trị bị các doanh nghiệp sản xuất trong nước né tránh. Tại các bệnh viện Mắt TPHCM, bệnh viện Ung Bướu, Viện Tim… thuốc chuyên khoa đặc trị của Việt Nam chỉ chiếm 5%.

Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước mới chỉ đầu tư theo kiểu “ăn xổi” với các mặt hàng thuốc chữa bệnh thông thường cả hoạt chất lẫn dạng bào chế. Việc sản xuất chỉ đơn giản là nhập nguyên phụ liệu về bào chế thành chế phẩm, chưa có đầu tư nghiên cứu theo chiều sâu cả về mặt chuyên môn lẫn trang thiết bị.

Thuốc đặc trị bị các doanh nghiệp sản xuất “né tránh” - 1
Hầu hết các loại thuốc sản xuất trong nước là thuốc thông thường

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM trong buổi triển lãm thuốc Việt tổ chức tại hội trường thành phố: “Nhóm thuốc đặc trị đang bị các doanh nghiệp sản xuất trong nước né tránh trong khi các loại thuốc thông thường các doanh nghiệp lại đầu tư theo kiểu “dẫm chân nhau” một hoạt chất đôi khi có rất nhiều số đăng ký”.

Từ việc đầu tư trùng lắp này đã dẫn đến thức tế đáng buồn cho mặt hàng thuốc Việt tại các bệnh viện. Theo thống kê của Sở y tế tiền thuốc chiếm tới 60-70% tổng chi phí của bệnh viện (tỷ lệ lý tưởng là 20-30%) điều đó cho thấy người dân còn chưa tin tưởng vào thuốc trong nước, tâm lý sính thuốc ngoại, thuốc đắt tiền của người còn ăn sâu.

Các bệnh viện ở tuyến thành phố, bệnh viện đa khoa tỷ lệ dùng thuốc Việt còn rất hạn chế thuốc sản xuất trong nước chỉ chiếm 30-40% tổng chi phí tiền thuốc. Tại các bệnh viện chuyên khoa như ung Bướu, Viện Tim, bệnh viện Mắt TPHCM… tỷ lệ này còn đáng buồn hơn vì thuốc sản xuất trong nước chỉ chiếm có 5%.

Bên cạnh các nguyên nhân như thuốc Việt rẻ hơn so với thuốc ngoại, hạn chế danh mục thuốc tại các bệnh viện tuyến dưới, điều này còn cho thấy các doanh nghiệp sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu về thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc mới thậm chí là thuốc độc quyền của các bệnh viện chuyên khoa sâu.

Đâu là thực trạng của thuốc Việt? Đến bào giờ người Việt mới ưu tiên dùng thuốc việt? Giải pháp nào để bình ổn lâu dài cho thị trường thuốc trong nước? Đây còn là những câu hỏi lớn đối với ngành y tế và các doanh nghiệp sản xuất thuốc nếu thực trạng đầu tư “ăn xổi” và “dẫm chân nhau” vẫn còn tiếp diễn.

Vân Sơn