Thuốc bắc có thực sự lành?

(Dân trí) - Thuốc cổ truyền Trung Quốc, còn được gọi là thuốc bắc hay thuốc Đông y được nhiều người cho là tự nhiên, lành và ít tác dụng phụ, nhưng việc quản lý thuốc dùng cho người rất khác nhau giữa các nước. Liệu thuốc bắc có thực sự an toàn như bạn tưởng?

Thuốc bắc có thực sự lành? - 1

Các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy bằng chứng chưa thống nhất về sự hiện diện của các chất độc hại như Asen (As) và thủy ngân (Hg) trong thuốc Đông y Trung Quốc.

Mới đây, một nghiên cứu của TS Etsuko Furuta (Đại học Ochanomizu, Nhật Bản) và GS Nobuaki Sato, (Đại học Tohoku, thành phố Sendai, Nhật Bản) trên tạp chí Toxicological & Environmental Chemistry đã đặt câu hỏi về những vấn đề cần kiểm soát liên quan đến việc sử dụng, nhập khẩu và sản xuất thuốc bắc.

Furuta và Sato đã công bố kết quả phân tích thành phần chất hóa học của 32 loại thuốc bắc, 21 mẫu được mua trên mạng và số còn lại từ các chợ và công ty dược ở Nhật. Các tác giả sử dụng hai phương pháp không hòa tan để kiểm nghiệm các thuốc là Instrumental Neutron Activation Analysis ( INAA ) để kiểm tra nồng độ của mọi yếu tố nguy hại có mặt, và nhiễu xạ tia X (XRD) để xác định cấu trúc hóa học của các nguyên tố nồng độ cao.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy sự hiện diện của asen và thủy ngân trong tất cả các mẫu. Ngoài ra kết quả cho thấy rằng thuốc có tên giống hệt nhau , nhưng nơi sản xuất khác nhau , có nồng độ các yếu tố độc hại khác nhau đáng kể. Những xét nghiệm này cũng cho thấy việc sử dụng đồng thời INAA và XRD cho kết quả chính xác nhất về phân tích định lượng và cấu trúc; XRD đơn thuần không phát hiện được hàm lượng thấp của asen và thủy ngân trong một số mẫu, nhưng không có nó thì không thể xác định được cấu trúc hóa học của các yếu tố có mặt, đây là chìa khóa cho thấy yếu tố an toàn cho người sử dụng, đặt ra nghi vấn về kết quả của những nghiên cứu ít kỹ lưỡng trước đây.

Hầu hết các loại thuốc Đông y Trung Quốc được mua không có bảng thành phần, khiến cho khách hàng khó đánh giá sản phẩm. Tuy nhiên, những sản phẩm có bảng thành phần không phải lúc nào cũng đúng. Việc kiểm tra cho thấy sự có mặt của những chất độc hại không được ghi trên nhãn với nồng độ rất khác nhau hoặc những thành phần khác nhau trong những thuốc có tên giống hệt nhau.

Furuta và Sato chỉ ra rằng nồng độ thủy ngân tăng có thể là do ô nhiễm môi trường, nhưng đây là một chỉ báo nữa cho thấy sự cần thiết phải quản lý chặt chẽ hơn của các loại thuốc Đông y Trung Quốc và việc sử dụng chúng.

Nghiên cứu này cho thấy một bức tranh rất không rõ ràng về độ an toàn trong các loại thuốc Đông y Trung Quốc. Các tác giả đề nghị kiểm soát chặt chẽ hơn việc nhập khẩu, thông tin tốt hơn về cấu trúc hóa học của thuốc, và tham vấn ý kiến bác sĩ kĩ càng hơn trước khi sử dụng thường xuyên. Kết luận của họ là rất rõ ràng: "tránh sử dụng thuốc Đông y Trung Quốc liên tục trong thời gian dài”.

Cẩm Tú

Theo MNT