Thức uống khoái khẩu khiến gan tích mỡ nhanh gấp đôi

Minh Nhật

(Dân trí) - Các loại nước này dù không có chất béo nhưng lại chứa một "thủ phạm" có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa.

Các loại đường fructose và sucrose trong nước giải khát là những nguyên nhân chính làm tăng lượng mỡ trong cơ thể.Các nhà nghiên cứu từ Đại học Zurich ở Thụy Sĩ đã bố trí thí nghiệm cho 94 tình nguyện viên uống 200 ml đồ uống có các loại đường khác nhau (fructose, sucrose và glucose) ba lần một ngày trong bảy tuần.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, đường fructose và sucrose trong đồ uống có đường có thể làm tăng đáng kể khả năng tổng hợp chất béo ở gan.

Thức uống khoái khẩu khiến gan tích mỡ nhanh gấp đôi - 1

Nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này, nhóm tác giả phát hiện rằng, tỷ lệ tổng hợp mỡ gan của các đối tượng trong nhóm fructose và sucrose tăng gấp đôi so với nhóm đối chứng không uống đồ uống có đường. Trong khi đó, nhóm glucose không thay đổi đáng kể. 

Các nhà nghiên cứu đi đến kết luận: "Uống đồ uống có đường fructose và sucrose trong thời gian dài có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng trao đổi chất, đặc biệt là quá trình tổng hợp chất béo ở gan".Hiện nay, giới khoa học cho rằng, những đồ uống có đường này là thủ phạm gây béo phì và đường fructose nguy hiểm hơn các loại đường khác, đặc biệt trong việc đẩy nhanh quá trình tổng hợp mỡ gan. Từ đó, khiến chất béo tích tụ trong gan nhiều hơn và cũng dẫn đến tình trạng kháng insulin. Điều này có tác động tiêu cực đến quá trình trao đổi chất của cơ thể.Về mặt lâm sàng, người ta thấy rằng với sự gia tăng tiêu thụ đồ uống có đường trên toàn cầu, tỷ lệ mắc bệnh béo phì, gan nhiễm mỡ, tiểu đường, tim mạch và hàng loạt bệnh liên quan đến chuyển hóa cũng tăng lên nhanh chóng.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người uống 1-2 phần đồ uống có hàm lượng fructose cao mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng 26%, hội chứng chuyển hóa tăng 20% và tăng axit uric máu lên 85 lần so với những người uống ít hơn một lần mỗi tháng.

Lạm dụng đồ uống có đường sẽ khiến bạn không thể giảm cân, vì hầu hết đồ uống đều sử dụng đường fructose và sucrose, những loại đường này chính là thủ phạm tích tụ mỡ trong cơ thể, đặc biệt là mỡ trong gan.Theo dữ liệu thống kê, 1- 30% bệnh nhân gan nhiễm mỡ không do rượu sẽ bước sang giai đoạn viêm gan nhiễm mỡ không do rượu. Và trong nhóm này, 1- 20% sẽ phát triển thành xơ gan, đây là bước cuối cùng trước khi tiến đến ung thư gan. 
Chế độ ăn cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ.

Chế độ dinh dưỡng giúp đảo ngược gan nhiễm mỡ

Khi được chẩn đoán gan nhiễm mỡ, bạn cần được bác sĩ khám để kiểm tra thêm những yếu tố hay bệnh lý liên quan như: mỡ máu, chức năng gan, huyết áp, đái tháo đường, từ đó điều trị đúng mức và có chế độ ăn hợp lý.

Các loại thực phẩm như cơm, bún, mì, phở, bánh mì nên ăn ít thì tốt hơn là ăn thừa vì sẽ làm dư năng lượng, càng làm tăng mỡ trong cơ thể và trong gan.

Trong giai đoạn "gan còn khỏe" thì vẫn ăn chất đạm bình thường là khoảng 50g thịt, 100g cá hay một miếng đậu hũ trong một bữa ăn. Tuy nhiên, khi chức năng gan đã kém thì lượng đạm ăn vào phải giảm đi, giảm ít hay nhiều tùy thuộc vào mức độ suy gan.

Cần hạn chế tối đa chất béo no (béo bão hòa) từ mỡ, da, óc, nội tạng (tim, gan, cật), thức ăn chiên xào nhiều béo, nên ăn ít nhất 2 lần mỡ cá hay cá mỡ mỗi tuần (cần nhớ mỡ cá cũng giàu năng lượng, chỉ nên ăn một ít mỗi lần), dùng dầu thực vật để chiên xào (trừ dầu dừa và dầu cọ không nên dùng nhiều và thường xuyên). Mỗi ngày cần ăn khoảng 300g rau củ (khoảng 1 chén mỗi bữa, không tính nước) và 200g trái cây các loại để cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất.