1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thực phẩm nhiễm chì: Đặc biệt có hại với trẻ em

(Dân trí) - Theo quy định của Bộ Y tế, giới hạn chì tối đa trong các loại quả là <= 0,1 mg/kg, ngũ cốc đậu đỗ <=0,2mg/kg.... Nếu vượt quá hàm lượng này đều gây ảnh hưởng nhiều tới sức khoẻ người dùng.

“Ăn phải thực phẩm nhiễm chì vượt quá hàm lượng cho phép, người sử dụng có nguy cơ bị ngộ độc chì, nhất là với trẻ em. Ngộ độc chì có thể gây ảnh hưởng xấu đến nhiều bộ phận trong cơ thể như suy thận, gây phù não, phá huỷ tế bào não… Sự gây độc của chì cho cơ thể rất nặng nề, lâu dài và hay tái phát do thời gian bán hủy để thải chì ra khỏi cơ thể là rất lâu. Để chì thải hết khỏi thận là 7 năm, trong xương là 32 năm với điều kiện cơ thể không phải tiếp tục nhận chì từ nguồn thực phẩm nhiễm chì”, bà Lê Thị Hồng Hảo, Phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATVSTP QG cảnh báo.
 
Nếu ở người lớn, trên 94% lượng chì vào cơ thể sẽ được tích tụ trong xương thì ở trẻ em, chỉ khoảng 64% tổng lượng chì sẽ tích tụ trong xương (do xương kém đậm đặc), còn lại sẽ tích tụ ở máu, não, thận. Theo đó, biểu hiện ngộ độc chì ở trẻ em có thể bắt đầu từ rối loạn tiêu hóa, nôn, tiêu chảy. Trẻ biếng ăn, hay đau bụng từng cơn dữ dội, kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. Nếu hàm lượng chì tích tụ ở máu cao sẽ gây giảm hồng cầu khiến trẻ mệt mỏi, da xanh xao. Còn chì tích tụ ở trên thận sẽ làm giảm lưu lượng máu đến thận, hậu quả gây tiểu đạm, tiểu máu và dần gây suy thận.

Đặc biệt khi nồng độ chì trong cơ thể cao sẽ gây ảnh hưởng đến não bộ của trẻ. Chì có thể gây phù não và phá hủy tế bào não khiến trẻ có biểu hiện kích thích, diễn tiến đến co giật, đi vào hôn mê và tử vong. Với di chứng phù não, phá huỷ tế bào não do ngộ độc chì, dù có được cứu sống thì người bệnh cũng chịu di chứng thần kinh nặng nề không thể hồi phục, khiến trẻ chậm nhận thức, bại não, liệt….

Trong trường hợp thường xuyên tiếp xúc với chì, hàm lượng chì trong cơ thể sẽ tích tụ mỗi ngày một nhiều gây ngộ độc mạn. Lúc này người bệnh có biểu hiện đau tê ở đầu ngón chân, tay; bắp thịt mỏi yếu; nhức đầu, đau bụng, tăng huyết áp, thiếu máu, giảm trí nhớ, với phụ nữ có thể bị sẩy thai…

Về việc sản phẩm thực phẩm nhiễm chì, theo TS Nguyễn Duy Lâm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và kiểm tra chất lượng nông sản thực phẩm (Viện Cơ địa nông nghiệp và sau thu hoạch), bình thường, người ta không đưa chì vào trong quá trình chế biến vì nó không có hiệu quả bảo quản hoặc diệt nấm và trong các loại thuốc này cũng không chứa chì. Theo ông Lâm, thường thực phẩm nhiễm chì là do môi trường ô nhiễm hoặc do dụng cụ chế biến thực phẩm nhiễm chì.

Riêng với các loại hoa quả khô, xí muội xuất xứ từ Trung Quốc nhiễm chì mà một số nước trên thế giới cảnh báo và cấm tiêu thụ, theo ông Lâm, khả năng các loại quả khô này có hàm lượng chỉ cao là do trong quá trình sản xuất trước thu hoạch. Do các loại cây trồng này được trồng ở những nơi có nguồn đất, nguồn nước… bị nhiễm độc. Đặc biệt, hầu hết trong phân bón đều có chì ở các mức độ khác nhau, vì vậy nếu dùng các loại phân bón, nước có hàm lượng chì cao sẽ khiến sản phẩm bị nhiễm độc. Vì thế, việc sử dụng phân bón an toàn, nguồn nước an toàn rất quan trọng để cho ra các sản phẩm thực phẩm an toàn.  
 

TPHCM: Kiểm tra hàm lượng chì trong thực phẩm khô

 

Thực phẩm nhiễm chì: Đặc biệt có hại với trẻ em - 1

Các mẫu quả khô được lấy về để xét nghiệm

Trước thông tin về các loại mứt, xí muội, quả khô ngoại Trung Quốc có khả năng nhiễm độc chì, chiều 13/10, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã mở đợt thanh tra đột xuất các cơ sở kinh doanh xí muội, mứt, quả khô.

 

Tại chợ đầu mối Bình Tây, Đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra 27 sạp hàng kinh doanh thực phẩm mứt, xí muội, quả khô. Đoàn đã giữ 6 mẫu ngẫu nhiên gồm các loại xí muội, mứt, táo khô từ ba quầy sạp để đem về xét nghiệm, kiểm tra các chỉ tiêu về vi sinh, hóa lý, phẩm màu, kim loại nặng (trong đó có hàm lượng chì) và sẽ công bố kết quả xét nghiệm trong vòng 2 tuần.

 

Đoàn đã phát hiện một quầy bán hàng, phân phối mứt, xí muội, quả khô nhập khẩu với số lượng rất lớn nhưng không rõ nguồn gốc, không có nhãn phụ theo đúng quy định và chủ sạp cũng không xuất trình được bất kỳ tờ hóa đơn, chứng từ nào.

 

Bà Nguyễn Thị  Huỳnh Mai, Thanh tra Sở Y tế cho biết: “Thanh tra Sở Y tế TPHCM sẽ tiếp tục thanh tra các mặt hàng mứt, xí muội, quả khô tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất trên địa bàn thành phố và sẽ xử lý mạnh tay đối với các đơn vị vi phạm”.

Hồng Hải - Ngọc Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm