Thực phẩm chức năng và mỹ phẩm giả ngày càng quy mô và tinh vi

(Dân trí) - Chợ Đồng Xuân mỗi năm nộp thuế chỉ có 75 tỉ đồng nhưng có doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng và mỹ phẩm có năm nộp thuế lên đến 500 tỉ đồng, chứng tỏ quy mô của ngành thực phẩm chức năng rất lớn.

Đó là ý kiến của đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP Hà Nội tại buổi tọa đàm về công tác phòng chống hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế (chuyên đề thực phẩm chức năng và mỹ phẩm) được tổ chức ngày 26/6 tại Quảng Nam.

Thực phẩm chức năng và mỹ phẩm giả ngày càng quy mô và tinh vi
Tọa đàm về công tác phòng chống hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... diễn ra ngày 26/6 tại (Hội An, Quảng Nam)

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng gian hàng giả (BCĐ 389 quốc gia), năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng thuộc BCĐ 389 các tỉnh, thành phố đã phát hiện xử lý 2.113 vụ việc vi phạm. Trong đó, vi phạm sở hữu trí tuệ 287 vụ, hàng giả 877 vụ, hàng kém chất lượng 949 vụ, nộp ngân sách Nhà nước trên 236 tỉ đồng và khởi tố 75 vụ án hình sự với 109 đối tượng.

Điển hình một số vụ: Ngày 8/11/2014, Cục Cảnh sát kinh tế phối hợp với Công an TP Hà Nội bắt giữ Nguyễn Anh Văn, thu 150 hộp thuốc Lumbrotine, 80 hộp thuốc ZinC-Kid giả. Đối tượng khai từ tháng 4/2014 đến khi bị bắt đã sản suất và tiêu thụ hơn 3.000 hộp thuốc Lumbrotine và ZinC-Kid giả.

Thực phẩm chức năng và mỹ phẩm giả ngày càng quy mô và tinh vi
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2015, đơn vị đã xử phạt gần 1,5 tỉ đồng đối với các hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng

Ngày 3/10/2014, Đội QLTT số 3 và 4 phối hợp với Phòng PC49 Công an TP Hà Nội kiểm tra công ty TNHH TM Quốc tế Bách Phương kinh doanh mỹ phẩm tại địa chỉ số 1, ngõ 678 La Thành (Ba Đình, Hà Nội), đã phát hiện công ty này sản xuất mỹ phẩm có thành phần chất cấm (chì) vượt quá giới hạn cho phép, kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, bao bì...

Công ty này đã bị UBND TP Hà Nội phạt 140 triệu đồng, buộc nộp lại số thu bất hợp pháp 180 triệu đồng, buộc tiêu hủy 2.342 sản phẩm, 64kg nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm trị giá 300 triệu đồng.

Mới đây nhất, ngày 8/6 vừa qua, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP Hà Nội đã phát hiện kho hàng của Công ty VQTech (trụ sở ở khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội), cơ quan điều tra thu giữ khoảng 20 tấn thực phẩm chức năng nghi giả, kém chất lượng, có thành phần không đúng như doanh nghiệp công bố, chủ yếu là sản phẩm thực phẩm chức năng sữa ong chúa Costar, 100% Royal Jelly 1.450mg, Omega 3…cùng nhiều tem nhãn nguyên liệu và máy tính phục vụ sản xuất.

Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 6 tháng đầu năm 2015, đơn vị đã xử phạt gần 1,5 tỉ đồng đối với các hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thu hồi 5 giấy xác nhận công bố sản phẩm, 6 giấy xác nhận nội dung quảng cáo.

Trong đó, từ đầu năm 2015 đến nay, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng đã thu hồi 99 sản phẩm và thu hồi 188 số tiếp nhận phiếu công bố đã cấp...

Sản phẩm thực phẩm chức năng bị cơ quan chức năng TP Hà Nội bắt giữ ngày 8/6 (Ảnh: T.N)
Sản phẩm thực phẩm chức năng bị cơ quan chức năng TP Hà Nội bắt giữ ngày 8/6 (Ảnh: T.N)

Theo Đại tá Giang Văn Chiến, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an), qua thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này, đơn vị thường thấy phần lớn các đối tượng thường đặt sản phẩm và nhãn mác từ Trung Quốc, sau đó nhập khẩu vào nội địa qua các lối mòn, lối mở ở các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh...

Đại tá Giang Văn Chiến thông tin, trong quá trình vận chuyển hàng từ biên giới về, các đối tượng thường xé lẻ sản phẩm đi riêng, nhãn mác đi riêng nên khi cơ quan chức năng bắt được rất khó xử lý. Khi vào nội địa, các đối tượng tập kết hàng tại kho ở nơi hẻo lánh, ít người qua lại nhằm che mắt. Khi tìm được khách hàng tiêu thụ, bọn chúng mới dán nhãn mác hoàn thiện sản phẩm.

“Trong các vụ việc mà lực lượng cảnh sát kinh tế đã bắt giữ, có đối tượng còn tinh vi đặt cả loại tem chống giả hệt sản phẩm chính hãng để dán lên sản phẩm nhằm lừa dối người tiêu dùng, thu lợi bất chính”, Đại tá Giang Văn Chiến cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, trong thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng nói chung và trong lĩnh vực y tế nói riêng có chiều hướng gia tăng, có tổ chức và với hình thức tinh vi hơn, đã và đang tác động, ảnh hưởng xấu tới môi trường sản xuất kinh doanh, môi trường cạnh tranh và vi phạm quyền, lợi ích của người tiêu dùng; đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến vấn đề an ninh sức khỏe của nhân dân.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho rằng, việc tăng cường trao đổi thông tin và phối hơp triển khai công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại có vai trò hết sức quan trọng. Sự phối hợp gần đây nhất giữa Bộ Y tế, Văn phòng Thường trực 389 quốc gia và Công an Q.7 (TPHCM) đã triển khai phá đường dây buôn lậu thực phẩm chức năng và mỹ phẩm giả có quy mô lớn.

“Thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.... trong thời gian qua cho thấy không thể một Bộ hay một ngành, cá nhân hay doanh nghiệp có thể triển khai hiệu quả nếu không có sự tham gia và phối hợp của toàn xã hội, đặc biệt là người dân và bản thân doanh nghiệp”, Thứ trưởng Bộ y tế Phạm Lê Tuấn phát biểu.

Công Bính