1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Thực phẩm chức năng, nói sao tin vậy?

(Dân trí) - “Có những loại ở nước ngoài người ta gọi là thực phẩm chức năng thì khi đưa vào Việt Nam cơ quan quản lý cũng phải công nhận nó là thực phẩm chức năng thôi!", ông Trần Đáng (ảnh) trả lời báo giới xung quanh vấn đề quản lý thực phẩm chức năng trên thị trường hiện nay.

TPCN có đúng là một loại thuốc bổ hay thuốc chữa bệnh như nhiều cơ sở vẫn quảng cáo không thưa ông?

 

Xu hướng dùng thực phẩm hiện nay của xã hội công nghiệp là sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn. Trong khi đó, các loại thực phẩm này thường bị mất khá nhiều vitamin trong quá trình chế biến. Nếu sử dụng lâu dài loại thực phẩm này có thể dẫn tới hiện tượng thiếu vitamin cho cơ thể. Chính vì vậy, TPCN  chính là loại  đồ ăn, thức uống có tác dụng bổ sung các chất dinh dưỡng mà cơ thể đang hoặc có nguy cơ hoặc bị thiếu hụt.

 

Cũng có trường hợp sau khi dùng TPCN chữa được bệnh, đó là do cơ thể đã được bổ sung đủ chất. Không nên bài xích TPCN mà cần hiểu đúng bản chất và công dụng của sản phẩm này.

 

TPCN có nghĩa là để ăn, uống nhằm bổ sung vitamin cho cơ thể. Vậy tại sao Cục VSATTP lại cấp giấy phép lưu hành cho Khang Mỹ Đơn, dùng để đặt âm đạo?

 

Khi Khang Mỹ Đơn được nhà sản xuất (Cty cổ phần đầu tư và phát triển quốc tế Monjoin Việt Nam) đệ đơn xin cấp phép cho lưu hành. Bộ Y tế đã chuyển về cho Cục Dược, nhưng Cục này không nhận quản lý vì cho rằng,  ở nước sở tại (Trung Quốc) sản phẩm này được cấp phép không phải là thuốc, cũng chẳng thể gọi là mỹ phẩm. Sau đó, Vụ Y học Cổ truyền cũng từ chối. Cuối cùng phải chuyển về Cục VSATTP, rồi được cơ quan quản lý chúng tôi cấp phép ở danh mục Sản phẩm bổ sung sức khoẻ chứ không gọi là TPCN.

 

Ở nước sở tại họ cũng cấp phép tên gọi như thế rồi. Nói chung nhà sản xuất gọi là gì thì chúng ta phải công nhận là cái đó. Ngược lại, sản phẩm của ta khi xuất khẩu ra nước ngoài cũng vậy, họ cũng có trách nhiệm phải công nhận tên, chủng loại mặt hàng của ta!

 

Điều kiện được công nhận và cấp giấy phép lưu hành đối với TPCN trong và ngoài nước thế nào thưa ông?

 

Đối với TPCN ngoại nhập: Khi đưa vào Việt Nam phải có tài liệu báo cáo thừa nhận của nước sở tại. Với những trường hợp nghi ngờ về chất lượng hoặc tính hiệu quả, Cục có quyền kiểm tra lại. Mới đây chúng tôi đã kiểm tra lại công dụng của loại sữa nuôi uống qua xông dành cho người bệnh. Hiệu quả bổ sung dinh dưỡng của nó đã được bệnh viện chứng nhận.

 

Đối với các loại TPCN trong nước: Phải chứng minh chức năng của sản phẩm đó trên lâm sàng hoặc hoặc sản xuất sản phẩm dựa theo đề tài khoa học đã được công nhận. Sản phẩm cũng được công nhận khi nguyên liệu là loại đã được công nhận trong Dược điển Bách khoa. Bên cạnh đó, các loại TPCN sản xuất trong nước, nhưng đã được nghiên cứu và công nhận ở nước ngoài thì cũng được Cục thừa nhận.

 

Riêng trong nước có bao nhiêu cơ sở sản xuất  và bao nhiêu loại TPCN thưa ông?

 

Cục đang quản lý trên 300 cơ sở với hàng nghìn sản phẩm các loại.

 

Như vậy, người tiêu dùng hoàn toàn có thể tin tưởng vào lời quảng cáo về tác dụng chức, chức năng của các loại TPCN đang bán trên thị trường, bởi chúng đã được Cục VSATTP “duyệt” kỹ?

 

Không hẳn như vậy. Chúng tôi công nhận là vẫn còn để tồn tại một số yếu kém trong công tác quản lý TPCN, vô tình tạo điều kiện cho một số cơ sở sản xuất có điều kiện thổi phồng công dụng của sản phẩm cũng như quảng cáo không đúng với công bố hoặc bán sản phẩm với giá quá cao thông qua kiểu bán hàng đa cấp…

 

Nguyên nhân là do không đủ đội ngũ cán bộ thanh tra để có thể thường xuyên kiểm tra sản phẩm sau khi được đưa ra thị trường. Tuy nhiên, lỗi không chỉ từ một phía Cục mà cần xem xét đến trách nhiệm của một số Bộ, Ngành liên quan, như Bộ Văn hoá- Thông tin chẳng hạn…

 

 Về phía Cục, nhằm khắc phục vấn đề này, sắp tới chúng tôi sẽ bổ sung quy định tiền kiểm hậu kiểm đối với TPCN trước và sau khi đưa ra thị trường.

 

Xin cảm ơn ông!

 

P. Thanh (ghi)