1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thực phẩm chức năng - Cần một chính sách phù hợp

(Dân trí) - "Để người dân hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng TPCN, trước hết cần phải có một chính sách phù hợp để có thể quản lý, khuyến khích được loại hàng hóa đặc thù này" là nội dung chính của buổi tọa đàm trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay.

Tọa đàm trực tuyến: Thực phẩm chức năng- những vấn đề cần sáng tỏ


 
Dưới đây là toàn bộ nội dung tọa đàm trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay:
 
BTV: Thưa các vị khách mời, vậy qua đoạn phóng sự vừa rồi chúng ta đã hiểu một phần nào về bản chất thực sự của thực phẩm chức năng. Vậy thực phẩm chức năng không phải là thuốc, có đúng thế không, Thưa ông Phong?
 

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế

Ông Nguyễn Thanh Phong: Đúng là có sự hiểu chưa đầy đủ về thực phẩm chức năng, nên trong công chúng còn có nhiều người hiểu sai về thực phẩm chức năng. Theo định nghĩa đã được luật hóa trong Luật An toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh.

 
BTV: Thưa ông Trần Đáng, trên thế giới hiện nay TPCN đang là một trong những ngành Kinh tế-Y tế phát triển rất nhanh. Vậy, ở Việt Nam tình hình phát triển đó như thế nào? và lý do tại sao?
 
Ông Trần Đáng: Có thể nói, trong 25 năm qua, thực phẩm chức năng phát triển mạnh mẽ trên thế giới, trở thành kinh tế mũi nhọn, như ở Mỹ. Trước đây, hàng năm, ông Bill Clinton (cựu Tổng thống Mỹ) đều phải họp với các nhà bán hàng đa cấp thực phẩm chức năng vì đã mang đến 25-30% lợi nhuận cho nước Mỹ. Đặc biệt, các nước cũng luật hóa về thực phẩm chức năng rất sớm như Nhật Bản năm 1991, Mỹ năm 1994, Australia năm 1998 và nhiều nước khác…
 

Hiện người tiêu dùng thực phẩm chức năng rất phổ biến. Ví dụ, tại Mỹ, cứ trong 100 thì có 72 người sử dụng thực phẩm chức năng, ở Nhật, cứ 1 người dân chi 126 USD cho thực phẩm chức năng hàng năm… Ở nước ta, cũng rất phát triển đặc biệt trong 10 năm qua. Từ năm 2000 có khoảng trên 60 cơ sở sản xuất kinh doanh với trên 400 loại sản phẩm, nhưng đến năm 2011, có 1.600 cơ sở sản xuất với 3.700 sản phẩm các loại….

 
Qua kết quả điều tra của Cục ATVSTP, ở Hà Nội, cứ trong 100 người lớn có 56 người sử dụng thực phẩm chức năng, ở TPHCM, cứ 100 người lớn thì có 48 người sử dụng. Ở VN, dần dần, nguồn thực phẩm chức năng phát triển, trở thành1 ngành kinh tế - ngành kinh tế sức khỏe.
 
BTV: Thưa ông Hoàng, đã có cảnh báo không phải ai cũng dùng được thực phẩm chức năng. Có nghĩa là nó có chỉ định như dùng thuốc nhưng bản chất của nó như ông Phong vừa giải thích không phải là thuốc? Vậy sự mâu thuẫn ở đây đã rõ ràng? Ông có thể giải thích mâu thuẫn này được không?
 
Ông Nguyễn Xuân Hoàng: Thực phẩm chức năng về mặt khoa học là an toàn, bởi vì đây là hoạt chất tự nhiên nên tính an toàn được đặt lên hàng đầu, còn thuốc thì tính hiệu quả được đặt lên hàng đầu. Vì an toàn nên ai cũng sử dụng được thực phẩm chức năng từ người già đến người trẻ, người có bệnh hay không có bệnh. Tại một số bệnh viện, nếu bệnh nhân có nhu cầu hay để tăng hiệu quả quá trình điều trị thì bác sỹ có thể kê thêm một số thực phẩm chức năng.
 
BTV: Nhưng thực phẩm chức năng có thể sử dụng phổ biến nhưng một số trường hợp sử dụng thực phẩm chức năng gây dị ứng cho người sử dụng?
 
Ông Nguyễn Xuân Hoàng: Ngay đến những loại thực phẩm bình thường tôm cua, ốc, ếch... cũng có một tỷ lệ rất nhỏ khiến người bị dị ứng khi sử dụng. Đấy là hiện tượng bình thường và đối với thực phẩm chức năng thì đây cũng là một loại thực phẩm nên cũng có thể gây ra dị như những loại thực phẩm khác.
 
BTV: Vì thực phẩm chức năng không có quy định bắt buộc phải kiểm định như thuốc nên chất lượng hiện nay rất khó kiểm soát. Như vậy chắc chắn hiện nay trên thị trường đã và đang trôi nổi một số chế phẩm thực phẩm chức năng kém chất lượng? Có đúng không, thưa ông Trần Đáng.

Ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam

Ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam

 
Ông Trần Đáng: Điều này đúng một phần, vì thực phẩm chức năng không phải thuốc nhưng có tiêu chuẩn, quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Trước khi tung ra thị trường thì dù là sản phẩm trong nước hay nhập khẩu cũng phải công bố tiêu chuẩn tại Cục ATTP, về chất lượng, về tính an toàn, về hiệu quả, sau đó mới được Cục ATTP thẩm định, cấp giấy chứng nhận, thực phẩm mới được lưu hành.
 
Nhưng trên thị trường có một số sản phẩm làm giả, không đảm bảo chất lượng, kém hiệu quả, vì ngành này phát triển như vũ bão. Trong năm qua, chúng tôi đã phát hiện, xử lý 3 cơ sở vi phạm trong gần 1.700 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng. Theo tôi, tỷ lệ hàng giả trong nhiều ngành còn lớn hơn rất nhiều. Trong cơ chế thị trường, nhiều người vì lợi nhuận mà làm hàng giả, làm hàng kém chất lượng.
 
BTV: Vấn đề hậu kiểm hiện nay được đặt ra với thực phẩm chức năng đã tiến hành đến đâu thưa ông Phong?
 
Ông Nguyễn Thanh Phong: Trước khi trả lời, tôi xin trao đổi thêm, như ông Đáng nói ngành nào, lĩnh vực nào và sản phẩm nào, đặc biệt đối với lĩnh vực đang thu hút thị trường, dễ dẫn đến gian lận thương mại. Ở đây, không phải cứ công bố thế nào là được đưa ra thị trường như thế. Trước khi đưa ra thị trường, ngoài làm thủ tục công bố, chứng minh tác dụng, tính an toàn, hiệu quả… thì sản phẩm đó phải mang đi kiểm nghiệm tất cả các tiêu chí cơ bản đã công bố và khẳng định rằng, kết quả đó được kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm đã được chứng nhận, kết quả phù hợp với nội dùng công bố. Khi đó, sản phẩm mới được phép lưu hành.

Về hậu kiểm, bản thân doanh nghiệp định kỳ phải gửi mẫu sản xuất tới phòng kiểm nghiệm để kiểm nghiệm chỉ tiêu công bố và lưu lại kết quả kiểm nghiệm đó. Nếu không đảm bảo, doanh nghiệp phải thu hồi, điều chỉnh.

 
Về phía cơ quan quản lý, hàng tháng có kế hoạch hậu kiểm từng nội dung cụ thể, có thể tổ chức đoàn thanh tra đến lấy mẫu bất kỳ, lấy mẫu sản phẩm lưu hành trên thị trường để kiểm nghiệm... Nếu phát hiện ra chất lượng sản phẩm đang lưu hành không đảm bảo như công bố, sẽ xử lý theo pháp luật.

Chúng ta có từng tiêu chí và chuyên đề hậu kiểm hàng tháng, đặc biệt từ năm 2009 đến nay.

 
BTV: Về giá bán, nếu chúng ta coi là TPCN là thuốc thì lập tức Bộ Y tế sẽ quản lý theo giá thuốc. Nhưng đây là thực phẩm và thực phẩm thì không do Bộ Y tế quản lý giá. Không thể đòi hỏi Bộ Y tế quản lý giá thực phẩm chức năng, một lãnh đạo Bộ Y tế từng nói như vậy. Vậy ai sẽ quản lý giá của thực phẩm chức năng? Vì hiện nay nhiều thực phẩm chức năng có mức giá mà theo bạn đọc phản ánh thì là mức giá trên trời. Có sản phẩm hỗ trợ chữa trị bệnh nhưng đắt gấp nhiều lần giá thuốc chữa bệnh đó?
 
Ông Nguyễn Xuân Hoàng: Ví dụ chị mặc một chiếc áo sản xuất hàng loạt thì giá rẻ, nhưng chị mặc áo làm từ cotton thì đắt hơn một chút, nếu làm từ tơ tằm thiên nhiên thì đắt hơn nữa.
 
Nguyên liệu của ngành công nghiệp dược phụ thuộc 80% vào công nghiệp dầu mỏ, nhưng thực phẩm chức năng từ chiết xuất hoạt chất thiên nhiên, cây cỏ, khoáng chất… và thường cái gì từ thiên nhiên cũng đắt hơn, giống như câu chuyện về chiếc áo ở trên. Nói nó đắt hay không đắt chỉ là về bản chất, thực phẩm chức năng giúp người dùng có ý thức phòng ngừa bệnh tật, nếu rẻ quá thì như người ta vẫn thường nói “của rẻ là của ôi” nên đôi khi người dùng lại không coi trọng sử dụng.
 
Ông Nguyễn Thanh Phong: Theo tôi, mọi sự so sánh đều khập khiễng, tôi nhất trí đánh giá của lãnh đạo Bộ Y tế là nếu coi thực phẩm chức năng là thuốc thì việc quản lý giá có quyền giao Bộ Y tế quản, nhưng nếu đây là một loại thực phẩm thì Bộ Y tế không thể quản lý. Hơn nữa, nếu liên quan về giá thì chúng ta có cả bộ bộ máy như Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính. Nhưng theo tôi thì nên để thị trường tự quyết định giá thực phẩm chức năng bởi nếu không có tác dụng thì cho người ta cũng không dùng; thứ hai phải tuyên truyền cho người dùng nếu có nhu cầu thực sự thì nên mua để sử dụng.
 
Ông Trần Đáng: Có 3 yếu tố khiến giá thực phẩm chức năng còn cao. Thứ nhất là mức thuế đối với nhập khẩu nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm chức năng (30%), thứ hai các nhà kinh doanh cũng muốn lấy lợi nhuận cao, thứ ba bản thân thực phẩm chức năng có hiệu quả, được sản xuất theo những công nghệ có khi còn hiện đại hơn một số dây chuyền sản xuất thuốc hiện nay như công nghệ nano, làm hóa lỏng nitơ để chiết xuất ra các hợp chất tự nhiên… Để hạ giá thì trước tiên phải hạ mức thuế, thứ hai là đề nghị các nhà kinh doanh lấy mức lãi ít hơn và thứ ba là cải tiến công nghệ, tăng cường sản xuất trong nước.
 
BTV: Qua con số mà ông Nguyễn Thanh Phong vừa cung cấp, có thể thấy đây đang là thời điểm nở rộ của thực phẩm chức năng. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là chất lượng? Thưa ông Hoàng, ông có thể nói qua một chút về quy trình nghiên cứu cũng như sản xuất thực phẩm chức năng của Việt Nam?
 
Ông Nguyễn Xuân Hoàng: Trước hết, muốn sản xuất thực phẩm chức năng phải có nguyên liệu, vì nó là sản phẩm thiên nhiên nên hoạt tính không bền, nguồn nguyên liệu nhập lậu thì không kiểm soát được.
 
Thứ hai, khâu nghiên cứu, bào chế cũng mất rất nhiều thời gian, sau đó phải thử tác dụng, đánh giá. Cuối cùng, phải công bố tại Cục ATTP, được công nhận thì doanh nghiệp mới được sản xuất.
 
Doanh nghiệp phải tự kiểm soát trước khi cơ quan quản lý vào cuộc thì chất lượng sản phẩm mới đáp ứng được mong muốn của người tiêu dùng.
 
BTV: Như vậy chúng ta có thể sản xuất được thực phẩm chức năng với chất lượng không kém ngoại nhập, nhưng người tiêu dùng vẫn tìm đến hàng ngoại, tại sao thưa ông Đáng?
 
Ông Trần Đáng: Ngành thực phẩm trong nước đúng là đang gặp khó khăn. Chúng ta có nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú nhưng biến thành sản phẩm chất lượng cao thì hạn chế, mà thành công hay thất bại là do công nghệ. Ví dụ, các nhà máy sản xuất của chúng ta đều có thể sản xuất thực phẩm chức năng, nhưng so với công nghệ thế giới thì không thấm vào đâu, như công nghệ nano chẳng hạn.
 
Thứ ba, vấn đề mẫu mã, sản xuất ra chưa phù hợp, không thu hút được khách hàng.
 
Nếu nhà nước có chính sách đầu tư cho ngành thực phẩm chức năng, tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ về thực phẩm chức năng với vai trò như một “vaccine” phòng các bệnh không truyền nhiễm, thì ngành này sẽ phát triển.
 
Ông Nguyễn Thanh Phong: Đây là một lĩnh vực rộng, có sự tham gia của nhiều ngành nhiều cấp. Tôi cho rằng ý kiến của PGS Trần Đáng đã đáp ứng đầy đủ được câu hỏi.
 
BTV: Qua câu trả lời của ông Hoàng, ông Đáng, tôi hiểu rằng, chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất thực phẩm chức năng bằng chính những nguyên liệu, nhân lực trong nước. Vậy, có thể trông chờ vào việc sản xuất để xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho một bộ phận người lao động không?
 
Ông Nguyễn Xuân Hoàng: Ở Việt Nam, tiềm năng thực phẩm chức năng như ông Đáng vừa nói là rất lớn, nguyên liệu dồi dào, thứ 2 có nền nông nghiệp phát triển, nhân dân cần cù, đồng thời các nhà khoa học chịu khó, nhưng chúng ta chưa có chiến lược tổng thể quy hoạch ngành này. Chúng ta mới coi thực phẩm chức năng như một hiện tượng, chưa phải một ngành kinh tế. Như bạn biết, trong 10 xu hướng của thế giới hiện nay, người ta đi về xu hướng về sức khỏe, hoạt chất thiên nhiên vì không độc hại tới môi trường, đồng thời cũng góp phần bảo tồn nguồn gen tự nhiên.

Ở Việt Nam chưa có ngành nào thực sự quan tâm tới phát triển công nghiệp thực phẩm chức năng. Chúng tôi cũng biết một số doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài nhưng phải đưa sang gia công tại Mỹ, vì nhà buôn ở đó mới chỉ quen hàng Việt Nam ở dạng nguyên liệu.

Chúng ta sẽ phải dần khẳng định cho thế giới biết Việt Nam có những công nghệ cao. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu công nghệ nano trong sản xuất thực phẩm chức năng và nghiên cứu một số công nghệ chiết xuất được hoạt chất tự nhiên nhưng vẫn đảm bảo hoạt tính bền vững.

 
Ông Trần Đáng: Chúng ta phải nói rằng Việt Nam có nguồn nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng rất phong phú, nhiều loại cây cỏ. nhiều loại xuất sang nước ngoài được ưa chuộng như dầu gấc, các loại trà thảo mộc. Chúng tôi thấy, với một nguồn như thế, nếu có chính sách đầu tư, khuyến khích sản xuất thì chắc chắn chúng ta sẽ trở thành nền kinh tế sức khỏe rất phát triển. Kinh tế thế giới dù có suy, có giảm, nhưng kinh tế sức khỏe không bao giờ suy giảm.

Công nghệ sức khỏe ngày càng phát triển. Có thể nói rằng, nếu chúng ta đầu tư phát triển ngành thực phẩm thì có thể phát triển thành ngành kinh tế.

 
BTV: Như đã nói, chúng ta có lợi thế về nguồn nguyên liệu thực phẩm chức năng dồi dào nhưng vậy đã có một chiến lược thúc đẩy phát triển thực phẩm chức năng ở Việt Nam chưa, thưa ông Phong?
 
Ông Nguyễn Thanh Phong: Chúng ta có lợi thế về nguyên liệu, nguồn lao động nhưng thua thiệt về công nghệ so với các nước nên sản phẩm của họ hiệu quả cao hơn. Về chế biến thực phẩm chức năng, thế mạnh chúng ta là nguyên liệu, y học cổ truyền nhưng về công nghệ nếu chúng ta không đầu tư, đặc biệt là ưu đãi vốn, thuế, công nghệ, đất… thì rất khó phát triển được ngành này. Nếu nhà nước xác định đây là một ngành kinh tế thì sẽ có ưu đãi về vốn, thuế, đất, công nghệ nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự chủ động đầu tư để thực phẩm chức năng phát triển thành một ngành kinh tế thực sự.
 
BTV: Tôi còn muốn đề cập đến quảng cáo. Quảng cáo đang được tận dụng để thổi sự thật về thực phẩm chức năng, quảng cáo thực phẩm chức năng như thứ thuốc tiên chữa bách bệnh, thậm chí là “phép màu” giúp cho người phụ nữ trở nên cực kì xinh đẹp chỉ sau vài tháng sử dụng. Ở đây cũng có ông Hoàng Ngọc Trường - Giám đốc nhãn hàng Picoman, xin hỏi là hiện tượng quảng cáo tràn lan về thực phẩm chức năng như vậy do đâu?
 
Ông Hoàng Ngọc Trường: Hiện trong xã hội vẫn còn tồn tại những câu chuyện truyền miệng, đồn đại, có những công ty, nhãn hàng lợi dụng sự cả tin của người tiêu dùng để phóng đại về tác dụng của thực phẩm chức năng. Nhưng tôi cho rằng, với người tiêu dùng thông minh, sự quản lý ngày càng được tăng cường, thì các quảng cáo quá đà sẽ bớt đi.
 
Tôi muốn khuyên người tiêu dùng hãy thông thái hơn, tìm đến những sản phẩm chất lượng, những công ty có uy tín; nên tìm hiểu thông tin trên những kênh thông tin chính thống. Ví dụ với các sản phẩm của chúng tôi, như nước uống bảo vệ sức khỏe, chúng tôi truyền thông theo hướng chúng ta phải sống có trách nhiệm với mình, gia đình và cộng đồng.
 
BTV: Thưa ông Nguyễn Thanh Phong, làm sao để quản lý chặt hơn thậm chí là có chế tài xử lý quảng cáo thổi phồng sự thật về thực phẩm chức năng?
 
Ông Nguyễn Thanh Phong: Trước hết, về quản lý quảng cáo lĩnh vực y tế, trong đó có thực phẩm chức năng, hiện có quy định nhà sản xuất trước khi quảng cáo phải gửi hồ sơ, dự kiến nội dung đến cơ quan quản lý để thẩm định. Trong 10 ngày làm việc, cơ quan quản lý phải trả lời đồng ý hay không hoặc yêu cầu sửa gì.

Như chúng ta biết, thông thường, ai cũng muốn nói sản phẩm của mình tốt nhất, tốt hơn người khác, nhưng có đúng thế hay không, đúng tới mức độ nào thì phải có cơ quan quản lý thẩm định. Theo quy định, các đơn vị phát hành quảng cáo chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được cơ quan thẩm định.

 
Như tôi biết, hiện nay, việc phát hành quảng cáo đang có vấn đề. Chúng tôi có nhiều công văn, thậm chí lãnh đạo Bộ Y tế gửi một số Tổng giám đốc, Ban Tuyên giáo, kể cả Cục quản lý phát thanh truyền hình, Bộ TTTT đề nghị đài này, nhà in này, đã phát hành quảng cáo không đúng, đề nghị xử lý.
 
Tuy nhiên, hiện nay chúng ta có khoảng gần 800 đầu báo và khoảng 6.200 nhà in, xuất bản, nên việc phát hành tờ rơi rất khó quản lý. Chúng tôi đề nghị các cơ quan phát hành quảng cáo phối hợp chặt với ngành y tế, chỉ in ấn, phát hành đúng những nội dung đã được cơ quan y tế thẩm định. Vì với hàng hóa dịch vụ thông thường, nếu nghe quảng cáo sai, có thể người sử dụng chỉ mất tiền, riêng với dịch vụ y tế, trong đó có thực phẩm chức năng, nếu sử dụng sai, ngoài mất tiền còn bị ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí tính mạng. Mà các quảng cáo sai này, nếu không giám sát chặt chẽ, vô hình chung khi sử dụng hàng hóa, không thấy đúng như quảng cáo, thì người tiêu dùng quay lưng lại, ảnh hưởng tới nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.

 

BTV: Hiện nay Bộ VHTTDL đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quảng cáo, theo hướng quảng cáo trong lĩnh vực y tế không cần thẩm định nội dung, ông bình luận về vấn đề này như thế nào?

 
Ông Nguyễn Thanh Phong: Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có 3 văn bản gửi lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ VHTTDL và Văn phòng Chính phủ đề nghị đưa nội dung thẩm định các quảng cáo trong lĩnh vực y tế trong Luật Quảng cáo; trong khi đó nội dung này được đưa vào các luật chuyên ngành của ngành y tế. Nếu không đưa nội dung này vào dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo thì sẽ trái với luật.

Chúng ta có những bài học rất lớn như quảng cáo đông y gây chết người, hay quảng cáo thiết bị y tế đã xảy ra hiện tượng vòng đeo tay chữa huyết áp, tim mạch.

 
BTV: Nhưng liệu có xảy ra tiêu cực trong việc thẩm định những nội dung các quảng cáo y tế?
 
Ông Nguyễn Thanh Phong: Chúng ta quản lý xã hội bằng pháp luật, vấn đề nào nhà nước giao nhiệm vụ thì cũng kèm theo trách nhiệm, quy định cụ thể trong thời gian bao lâu phải hoàn thành, đấy là nguyên tắc chứ không phải thích thì làm. Thứ hai nguyên tắc đơn vị nào để xảy ra tình trạng như vậy thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
 
Ông Trần Đáng: Vấn đề bức xúc hiện nay là nội dung quảng cáo nói chung chứ không chỉ thực phẩm chức năng. Ở có 3 yếu tố, thứ nhất quyết vấn đề cho đúng, là phải phù hợp tình hình thực tiễn; thứ hai tổ chức thực hiện đúng. Ví dụ, cấp giấy phép quảng cáo đúng nhưng cơ quan thực hiện lại làm sai hay cho đăng những quảng cáo chưa được phép. Thứ ba là xử lý, chúng ta thiếu nhân lực, không đủ thanh tra chuyên ngành thì không thể biết được tất cả các quảng cáo đúng hay sai. Chúng ta không thể lấy thanh tra của các chuyên ngành khác như thú y, hay nông nghiệp để thanh tra về an toàn thực phẩm.
 
Nghị định 79 trước đây có quy định 1 vạn dân có 1 thanh tra chuyên ngành về thực phẩm nhưng thực tế chúng ta vẫn chưa thực hiện được, thanh tra chuyên ngành thực phẩm vẫn còn thiếu nhiều và nếu chưa khắc phục được điều này thì công tác quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam, trong đó thực phẩm chức năng, chắc chắn còn gặp khó khăn.
 
Ông Nguyễn Thanh Phong: Về nguyên tắc, chúng ta xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng theo Nghị định 45 của Chính phủ năm 2005 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
 
Từ năm 2005 đến nay, đã có nhiều hành vi vi phạm mới phát sinh, nên phải sửa đổi, bổ sung Nghị định này.
 
Thứ hai, mức xử phạt xây dựng từ năm 2005 về trước nên không tính được có những hành vi cần phải phạt cao hơn, tính răn đe không cao.
 
Thứ ba, tôi cho rằng phải áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, như thu hồi giấy phép. Tôi nghĩ các lực lượng thanh tra ở địa phương sẽ xử lý phù hợp với mức độ vi phạm.
 
Chính phủ đang giao Bộ Y tế xây dựng dự thảo Nghị định mới, theo hướng tăng mức xử phạt, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung. Theo quy định của pháp luật, mức phạt tiền trong lĩnh vực thực phẩm có thể gấp 7 lần giá trị hàng hóa, quy định này nếu được áp dụng có thể đạt hiệu quả tốt.
 
Quảng cáo không đúng nguy hiểm ở chỗ khi chúng ta phát hiện ra thì ảnh hưởng đã lan tỏa, nên tôi cho rằng khâu hậu kiểm hiệu quả không cao, phải ngăn chặn từ dầu. Nhiều tờ rơi khi phát hành không có các nội dung bắt buộc theo Luật Xuất bản, chứng tỏ sự phối hợp giữa cơ quan quản lý sản phẩm và cơ quan quản lý phương tiện quảng cáo là chưa thực sự đồng bộ.
 
Hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực y tế khác với hàng hóa, dịch vụ thông thường. Người tiêu dùng sử dụng hàng hóa thông thường bị lừa thì chỉ bị mất tiền, nhưng trong ngành y thì còn bị ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe. Vì vậy, công tác quản lý trong lĩnh vực y tế phải hết sức chặt chẽ.
 

BTV: Hiện nay, người tiêu dùng đang hoang mang trước tình trạng một số cá nhân trong hệ thống bán hàng đa cấp thổi phồng tác dụng sản phẩm lên để trục lợi. Một số cá nhân, thậm chí có cả công ty lợi dụng sự cả tin của người tiêu dùng để lừa đảo. Vậy, xin hỏi Lê Văn Lộc - Giám đốc điều hành công ty Kinh doanh theo mạng World Net xin có đôi lời – làm thế nào để tránh không bị rơi vào bẫy lừa đảo và bị một số cá nhân xấu trục lợi, làm ảnh hưởng uy tín?

 

Ông Lê Văn Lộc: Kinh doanh đa cấp có mặt tại Việt Nam chính thức từ 2005, được cấp giấy phép theo Nghị định 110. Trước thời điểm đó, năm 1999, 2000, kinh doanh đa cấp đã vào Việt Nam, thông qua 10 năm kinh doanh đa cấp, các xu hướng chính của các tập đoàn trên thế giới cũng như tại Việt Nam về sản xuất, kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng. Về mô hình kinh doanh đa cấp trên thế giới, sự phát minh ra mô hình này là một bước tiến quan trọng của kinh tế thế giới. Tại Việt Nam, mô hình kinh doanh này đã thay đổi nhận thức của rất nhiều người về thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, trong nền kinh tế thị trường, có nhiều công ty vì kinh doanh chỉ chạy theo lợi nhuận, không có những định hướng phát triển cụ thể rõ ràng dẫn đến tình trạng các nhà phân phối của công ty đó cũng trục lợi cho cá nhân,  gây tai tiếng cho kinh doanh đa cấp.

 

Là những nhà tiêu dùng hoặc là những nhà phân phối khi tham gia bất kỳ vào một công ty nào, cần có một số biện pháp như sau:

 

1/ Bản thân các nhà phân phối, người tiêu dùng phải tìm hiểu thông tin cụ thể, công ty đó có được cấp phép hoạt động đa cấp không?

 

2/ Về mặt sản phẩm, phải có giấy phép của Cục ATTP, Bộ Y tế.

 

3/ Bản thân công ty phải quản lý hệ thống nhà phân phối thành viên khâu tư vấn hết sức cụ thể, khoa học.

 

Riêng chúng tôi cũng có chế tài như các nhà phân phối phải thông qua các khóa đào tạo của chuyên gia về dinh dưỡng học và công ty cấp chứng chỉ. Bên cạnh đó, công ty còn có đường dây nóng dành cho các khách hàng khi tìm hiểu và dùng sản phẩm của công ty để được tư vấn của các bác sĩ và phản hồi trực tiếp khiếu nại về nhà phân phối, về các thành viên tư vấn thổi phồng sản phẩm để trục lợi.

 

Như chúng ta biết, thời gian vừa qua, Hiệp hội thực phẩm chức năng, Hiệp hội kinh doanh đa cấp ra đời. Tôi hy vọng, trong những năm tới, bức tranh kinh doanh đa cấp tại Việt Nam sẽ sáng tỏ hơn, cụ thể hơn, bước đi khoa học hơn.

 

BTV: Gần đây có hiện tượng nhà nhà kinh doanh đa cấp, người người kinh doanh đa cấp về thực phẩm chức năng, vậy giá cả các loại thực phẩm chức năng có bị đẩy lên cao khi đến tay người tiêu dùng không thưa ông?

 

Ông Lê Văn Lộc: Đây là câu hỏi gây rất nhiều hoang mang trong kinh doanh đa cấp suốt thời gian qua. Chính những người kinh doanh là những người truyền thông đưa sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng. Nếu kinh doanh truyền thống tốn chi phí rất lớn cho quảng cáo, truyền thông sản phẩm thì thực phẩm chức năng không tốn không tốn chi phí này. Và lợi nhuận chi trả cho các nhà phân phối thực phẩm chức năng là chi phí quảng cáo, truyền thông.

 

Mỗi công ty kinh doanh đa cấp có chính sách trả thưởng khác nhau, nhưng nếu nói do phải trả lợi nhuận cao cho các nhà  phân phối thì phải đẩy chi phí giá thành lên thì hoàn toàn không có.

 

BTV: Nhưng giá thành thực phẩm chức năng đôi lúc vẫn cứ đội lên?

 

Ông Lê Văn Lộc: Tôi xin khẳng định chắc chắc là không, vì trong quá trình xin cấp phép tại Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng theo hình thức kinh doanh đa cấp phải có một buổi chứng minh từ nguyên liệu, sản phẩm, kinh doanh như thế nào trước khi được cơ quan quản lý cấp phép.

 

Độc giả Trần Thanh Tú (Bình Dương): Tôi hay đọc báo chí và sau khi đọc các bài phân tích thì đến giờ tôi vẫn chưa hiểu là bác sĩ có được quyền kê đơn và hướng dẫn dùng thực phẩm chức năng hay không? Vì nếu dùng không đúng thì thực phẩm chức năng có thể gây hại cho người dùng?

 

Ông Nguyễn Thanh Phong: Tôi đã phát biểu ở một số cuộc hội thảo, diễn đàn là trong điều kiện hiện nay, với thực phẩm chức năng, nếu dùng chưa đúng, hiểu chưa đúng, phải có sự tư vấn của các chuyên gia, thậm chí của bác sĩ. Các cụ có “câu cơm ba bát, thuốc ba thang” để hướng dẫn người bệnh, cho nên sự hướng dẫn của các cán bộ chuyên môn là quan trọng.

 

Tôi cho rằng, vấn đề là ở chỗ, chúng ta chưa hiểu đúng về quy định kê đơn của Bộ Y tế. Quy trình kê đơn thuốc là dành cho thuốc, bác sĩ không thể kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc. Còn chuyện tư vấn là một chuyện khác.

 

Ông Trần Đáng: Tôi đi nhiều tỉnh thì Giám đốc Sở Y tế đều quy định cấm kê đơn thực phẩm chức năng. Tôi thấy quy định này tại điểm c khoản 3 điều 6 Quy chế về kê đơn thuốc cho điều trị ngoại trú là không phù hợp thực tiễn. Theo lời dạy đầu tiên cho sinh viên trường y, đơn thuốc là lời dặn dò của thầy thuốc với bệnh nhân, về loại thuốc, về cách sử dụng thuốc, về vận động, ăn uống…, ví dụ bị bệnh gout thì phải hạn chế sử dụng một số thực phẩm. Chúng tôi kiến nghị hủy bỏ mục này vì không phù hợp với thông lệ quốc tế.

 

Một ví dụ khác là các bệnh viện vẫn thường xuyên kê đơn thực phẩm chức năng. Một bệnh viện mắt ở Hà Nội trong những năm qua điều trị cho 10 nghìn bệnh nhân và đều kê 2 loại thực phẩm chức năng, có hiệu quả tốt.

 

Ông Nguyễn Thanh Phong: Chúng tôi ghi nhận ý kiến tại buổi tọa đàm và sẽ trao đổi với đơn vị quản lý đầu mối của Bộ Y tế trong lĩnh vực này. Nguyên tắc là nếu văn bản không phù hợp thì phải sửa đổi, bổ sung và đó là chuyện bình thường.

 

Ông Nguyễn Xuân Hoàng: Một thực tế trước kia, vitamin và khoáng chất được coi là thuốc, trong đơn bác sĩ thường kê calxi,  vitamin…, nhưng nay phần lớn đã là thực phẩm chức năng. Theo chuyên môn của tôi thì điểm không hợp lý nằm ở chỗ đó.

 

Bạn Khánh Ngọc (Hoàn Kiếm, Hà Nội): Tôi xem quảng cáo và thực sự bị thuyết phục bởi sản phẩm làm đẹp da và tóc, trị hết nám. Tôi dành tiền và dùng sản phẩm này gần 8 tháng nhưng không thấy có dấu hiệu khá lên. Tôi thực sự muốn biết các sản phẩm này có được cơ quan nào của Việt Nam kiểm chứng, làm thí ngiệm lâm sàng không? Tránh tình trạng người tiêu dùng như tôi mất tiền mà không thu được kết quả như ý muốn.

 

Ông Nguyễn Xuân Hoàng: Đối với thuốc thì trước khi công bố ra thị trường thì phải tiến hành thử nghiệm lâm sàng nhưng thực phẩm chức năng không phải là thuốc nên không phải làm như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn các nhà sản xuất thực phẩm chức năng nên kiểm tra lâm sàng các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Còn đối với khả năng chữa bệnh, thực phẩm chức năng không phải là thuốc mà chỉ hỗ trợ phần nào thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, vì vậy, không nên trông mong quá cao.

 

BTV: Như vậy, về thực phẩm chức năng, có thể nói ngắn gọn, chúng ta phải hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng. Nhưng trước hết các nhà quản lí phải soạn thảo một cơ chế, chính sách phù hợp để có thể quản lý, khuyến khích được loại hàng hóa y tế đặc thù này. Cơ chế quản lý tốt từ khâu truyền thông, quảng cáo đến sản xuất và lưu thông, để người tiêu dùng nhận thức đúng và có cái nhìn đúng về chế phẩm này. Và luôn hi vọng thực phẩm chức năng được sản xuất trong nước sẽ đến được tay người tiêu dùng với giá cả hợp lí và người tiêu dùng biết sử dụng một cách thông minh để không còn những trường hợp ngộ nhận đáng tiếc về thực phẩm chức năng xảy ra nữa.

 

Xin cảm ơn sự theo dõi của quý vị và các bạn. Cảm ơn sự tham gia của các vị khách mời.

 Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm