Thực phẩm chứa iod bệnh nhân điều trị iod phóng xạ cần biết

Hà An

(Dân trí) - Khi thực hiện liệu pháp iod phóng xạ, nếu trong cơ thể bạn có quá nhiều iod thì tuyến giáp có thể sẽ sử dụng lượng iod này thay vì sử dụng iod phóng xạ khiến cho quá trình điều trị kém hiệu quả.

Chế độ ăn hạn chế iod là chế độ ăn có hàm lượng iod dưới 50mcg mỗi ngày. Tuân theo chế độ ăn hạn chế iod trước khi thực hiện liệu pháp iod phóng xạ giúp cho quá trình điều trị hiệu quả nhất. 

Bác sĩ điều trị sẽ thông báo cho người bệnh biết thời điểm cần bắt đầu và kết thúc tuân thủ chế độ ăn ít iod. Hầu hết bệnh nhân thực hiện chế độ ăn này khoảng 1-2 tuần trước liều iod phóng xạ đầu tiên và dừng lại sau khi liệu pháp iod phóng xạ kết thúc.

Chế độ ăn hạn chế iod không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày, do đó chỉ có thể sử dụng trong thời gian ngắn. Không tự ý thực hiện chế độ ăn này trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

Thực phẩm chứa iod bệnh nhân điều trị iod phóng xạ cần biết - 1

Trong chế độ ăn hạn chế iod, người bệnh cần tránh tiêu thụ đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành.

Thực phẩm, đồ uống và những sản phẩm chứa iod

Trước khi ăn hay uống bất kỳ sản phẩm nào, bạn hãy đọc danh sách thành phần dinh dưỡng có trên nhãn sản phẩm để kiểm tra xem sản phẩm có chứa iod hay không. Những sản phẩm dưới đây có chứa iod hoặc bổ sung iod, do đó không ăn hay sử dụng:

- Muối iod.

- Hỗn hợp gia vị chứa muối iod.

- Bột canh, bột nêm có chứa muối iod.

- Rong biển (ví dụ như tảo bẹ, rong biển khô nori, tảo bẹ kombu, rong biển lá, hạt nêm rong biển).

- Bất kỳ thực phẩm nào chứa những chất sau trong thành phần:

+ Các muối iodat.

+ Các muối iodua.

+ Algin.

+ Các muối alginat.

+ Carrageenan.

+ Agar-Agar (bột rau câu).

Bánh mỳ mua ngoài tiệm và tất cả các sản phẩm bánh có chứa muối iodat phụ gia. Hãy đọc danh sách thành phần có trên nhãn sản phẩm để kiểm tra xem sản phẩm có chứa "canxi iodat" hay "kali iodat" không.

- Sữa (trừ trường hợp chỉ tiêu thụ dưới 30ml mỗi ngày) và sản phẩm từ sữa (ví dụ phô mai, sữa chua, kem).

- Lòng đỏ trứng.

- Hầu hết các loại hải sản.

- Các vitamin và thực phẩm chức bổ sung dinh dưỡng có chứa iod. Nếu bạn không chắc một loại vitamin hay thực phẩm bổ sung có chứa iod hay không thì đừng sử dụng chúng.

- Thực phẩm, thuốc hoặc viên con nhộng chứa phẩm màu thực phẩm Red Dye #3.

- Đồ ăn ở nhà hàng và thực phẩm đã qua chế biến (ví dụ như đồ ăn nhanh, bữa ăn đông lạnh và bữa ăn làm sẵn, đồ uống có đường).

- Các sản phẩm từ đậu nành, ví dụ như tương đậu nành, maggi đậu nành, đậu phụ tàu hũ.

- Dung dịch sát khuẩn (chất lỏng dùng để diệt vi trùng và vi khuẩn), ví dụ như dung dịch sát khuẩn chứa iod (Betadine®) bạn dùng để sát khuẩn vết cứa, vết xước và vết bỏng nhỏ.

- Những thuốc có chất Red Dye #3 trong thành phần.

- Sản phẩm bổ sung chất dinh dưỡng dạng lỏng và sản phẩm bổ sung protein mua ở cửa hàng. 

Nếu bạn đang được nuôi dưỡng qua ống thông, hãy hỏi chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng hoặc bác sĩ điều trị để biết phải làm gì.