Thực phẩm bẩn vây trường học

Quanh các trường học, nhất là các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thủ đô thường có nhiều hàng bán đồ ăn sẵn. Dù các đồ ăn này không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), song việc dẹp bỏ các loại đồ ăn trôi nổi này còn khá nan giải.

Một hàng ăn rong trước cổng Trường THCS Khương Trung.

Một hàng ăn rong trước cổng Trường THCS Khương Trung.

  

Nguy hiểm rình rập trẻ

 

Chỉ tính riêng trước cổng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn A cũng có tới gần 20 cửa hàng bán đồ ăn sẵn nằm san sát trên phố Nguyễn Quý Đức (quận Thanh Xuân, HN). Đồ ăn có đủ loại, từ xôi, nước đến các đồ chế tại chỗ: Xúc xích, thịt xiên nướng, rán... Vào các giờ tan tầm, khu vực cổng trường lộn xộn không kém chợ thu nhỏ.

 

Thực trạng trên cũng tương tự quanh trường tiểu học và THCS Định Công (quận Hoàng Mai).

 

Chỉ nhìn bằng mắt thường cũng dễ thấy những đồ ăn này không đảm bảo VSATTP: Thức ăn được chế biến tại chỗ, bất chấp bụi bẩn ngoài trời, người chế biến không có dụng cụ vệ sinh..., thậm chí việc chế biến, bày bán được thực hiện ngay sát cống, rãnh nước thải hay nơi tập kết rác (cổng trường Đặng Trần Côn A, trường tiểu học và THCS Kim Giang...).

 

Theo Chi cục VSATTP Hà Nội, qua kiểm tra tại các cổng trường tiểu học, THCS ở 5 quận đã cho kết quả: 100% mặt hàng đồ ăn kinh doanh trên xe đạp, xe đẩy hoặc quang gánh đều không bảo đảm VSATTP, đa số chế biến từ nguyên liệu nguồn gốc không rõ ràng, không đủ nước sạch khi chế biến, điều kiện vệ sinh cơ sở và vệ sinh cá nhân. Dù vậy, các loại đồ ăn này lại luôn hút thực khách “nhí”.

 

Khó xử lý (?!)

 

Nhận thức được sự độc hại của các đồ ăn bán rong tại các trường học, song việc kiểm tra, xử lý các chủ hàng này lại không hề đơn giản, nhất là với địa bàn có nhiều trường học như Hà Nội.

 

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế), cho biết, tới đây, các cơ sở sản xuất và kinh doanh thức ăn cho trẻ nhỏ sẽ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn nhằm hạn chế các mối nguy đối với thực phẩm. Ngoài ra, các cơ sở này còn phải bảo đảm chất lượng dinh dưỡng, đáp ứng đủ số lượng và hàm lượng vitamin, chất khoáng, vi chất... để cung cấp đầy đủ các dưỡng chất phù hợp cho trẻ.

 

Đại diện Chi cục VSATTP Hà Nội đã kiến nghị: Để hạn chế nguy cơ mất VSATTP từ hàng rong gây ra, thời gian tới, chi cục sẽ tham mưu Sở Y tế xây dựng kế hoạch liên ngành tăng cường bảo đảm ATTP tại các cơ sở giáo dục. Đồng thời, phối hợp với phụ huynh chỉ bảo và giám sát các em không được sử dụng đồ ăn bán lưu động, hàng quán không bảo đảm.

 

Trên thực tế, việc xử lý các đối tượng bán hàng rong quanh khu vực cổng trường hiện mới chỉ dừng lại ở lỗi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và gây mất trật tự công cộng, nhưng cũng chỉ mang tính răn đe, nên các chủ hàng thường vẫn lén lút, hoặc công khai bày bán.

 

Theo Nguyễn Vũ

Lao động