Thực hư thử thách đo đột quỵ danh hài Chí Tài thất bại trước khi qua đời
(Dân trí) - 2 ngày trước khi đột ngột qua đời, danh hài Chí Tài chia sẻ trên cá nhân một clip về thử thách nhắm mắt đứng một chân để đo nguy cơ đột quỵ. Nghệ sĩ đã thất bại vì chỉ giữ thăng bằng trong 4-7 giây.
Sau thông tin nghệ sĩ Chí Tài đột ngột qua đời vào ngày 9/12 vì đột quỵ, một clip quảng cáo về thử thách đo nguy cơ đột quỵ mà danh hài thực hiện trước đó 2 ngày nhanh chóng lan truyền trên mạng. Theo đó, cố nghệ sĩ thực hiện thử thách "đứng một chân trong trạng thái nhắm mắt để đo nguy cơ đột quỵ".
Trong clip này, Chí Tài chỉ giữ thăng bằng trong vòng 4-7 giây. "Nếu đứng một chân mà không tới 20 giây là tiềm ẩn nguy cơ bị đột quỵ" là chia sẻ của danh hài.
Thử thách này có thể bắt nguồn từ một nghiên cứu tại Nhật trước đó. Cụ thể, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Stroke vào năm 2014, có sự tham gia của 841 phụ nữ và 546 nam giới, độ tuổi trung bình là 67. Để đo thời gian đứng bằng một chân, những người tham gia đứng mở mắt và nâng một chân lên.
Bài kiểm tra đứng một chân kiểm tra nguy cơ đột quỵ?
Theo nghiên cứu này, khả năng giữ thăng bằng trên một chân phản ánh sức khỏe của não bộ. Cụ thể, việc không thể giữ thăng bằng trên một chân trong 20 giây hoặc lâu hơn có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, tổn thương mạch máu nhỏ trong não và giảm chức năng nhận thức ở những người khỏe mạnh không có triệu chứng.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy khả năng giữ thăng bằng trên một chân là một bài kiểm tra quan trọng đối với sức khỏe của não bộ", tác giả chính của nghiên cứu Yasuharu Tabara, từ Trường Y khoa Đại học Kyoto ở Kyoto, Nhật Bản cho biết.
Tabara cho rằng thời gian đứng bằng một chân là một thước đo đơn giản để đánh giá sự bất ổn định về tư thế và có thể là hậu quả của sự hiện diện của các bất thường ở não. Nó có thể là một bài kiểm tra đơn giản được sử dụng để đo các dấu hiệu ban đầu của bất thường trong não liên quan đến suy giảm nhận thức, bệnh mạch máu não nhỏ và đột quỵ.
Tabara và các đồng nghiệp cũng tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc khó đứng bằng một chân và tuổi tác tăng lên, thời gian đứng bằng một chân ngắn hơn rõ rệt ở bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên.
TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết bệnh lý đột quỵ cũng có thể liên quan đến khả năng giữ thăng bằng. Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn là một trong những dấu hiệu nhận biết một người có nguy cơ bị đột quỵ.
Tuy nhiên theo chuyên gia điều này không phản ánh chắc chắn 100% nguy cơ đột quỵ. Thử thách đứng một chân trong trạng thái nhắm mắt liên quan nhiều đến rối loạn thăng bằng hơn là đột quỵ. Người già, người có bệnh parkinson… khả năng giữ thăng bằng sẽ kém hơn.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ
Khi bệnh nhân bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ.
Các dấu hiệu cụ thể gồm:
- Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người)
- Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói
- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt
- Đột ngột đau đầu dữ dội
- Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn…
Nếu bất cứ ai có biểu hiện bất cứ triệu chứng nào như trên, thậm chí không rõ ràng, ngay lập tức gọi cấp cứu 115, vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất tìm cơ hội điều trị trong giờ vàng để "cứu não".
Dự phòng đột quỵ
Khi đã xảy ra tai biến sẽ khó mà tránh được di chứng dù bệnh nhân đến đến sớm và được xử lý tốt mà chỉ có thể giảm thiểu di chứng. Nhiều trường hợp không điều trị được, để lại di chứng nặng nề, nặng có thể rơi vào trạng thái thực vật, hôn mê sâu, thậm chí dẫn đến tử vong.
Vì thế, vấn đề cần chú trọng ở đây là kiểm soát, dự phòng, quản lý huyết áp, dự phòng không để tai biến xảy ra. Những người có nguy cơ bị tai biến là: tăng huyết áp không được theo dõi và điều trị tốt, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, suy tim nặng, người ít vận động hoặc bị liệt (nguy cơ hình thành huyết khối), người có bệnh lý van tim hoặc theo dõi và dùng thuốc chống đông không đều.....
Chuyên gia khuyến cáo, để phòng bệnh cần cách tránh các yếu tố nguy cơ bằng thói quen sống tích cực: không lạm dụng bia rượu, không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích, chế độ ăn uống điều độ, cân đối các chất, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, giảm muối, giảm mỡ, tập luyện thể dục hàng ngày, tránh tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài.
Ngoài ra, cần kiểm soát và điều trị tốt các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh lý tim mạch...