1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thực hư chuyện ăn rau rút khiến nhức mỏi xương khớp

Rau rút được dùng phổ biến trong mùa hè với tác dụng làm mát gan, giải nhiệt. Bên cạnh đó, loại rau này còn được làm nguyên liệu trong một số bài thuốc Đông y. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, những người bị đau nhức xương khớp nên kiêng loại rau này vì sẽ khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn. Thực hư việc này ra sao?

Theo các chuyên gia, chưa có cơ sở để khẳng định rau rút làm nhức mỏi xương khớp. Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia, chưa có cơ sở để khẳng định rau rút làm nhức mỏi xương khớp. Ảnh minh họa

Không dám ăn vì sợ bị… rút xương (?!)

Từ khi bị thoái hóa xương khớp, anh Vũ Văn Lâm (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã đưa tất cả các món ăn có liên quan đến rau rút vào… danh sách hạn chế không được ăn. Lý giải về điều này, anh Lâm cho biết, trước đây, ông nội và bố anh thường bị đau các khớp xương, nhất là khi thời tiết thay đổi. Không những thế, cứ bữa nào ăn rau rút là bố và ông lại kêu nhức mỏi trong người. Vì vậy, họ truyền lại kinh nghiệm cho anh rằng, nếu bị đau xương khớp thì không nên ăn rau rút vì loại rau này có thể “rút xương”, đúng như cái tên của nó (?!).

Anh Lâm nói: “Tôi cũng không biết chính xác tại sao lại gọi là rau rút và nó có thật sự gây đau nhức xương khớp hay không? Nhưng theo tôi, đã là kinh nghiệm của ông cha để lại thì không hẳn là vô lý vì chính họ đã từng trải. Thế nên, tôi quyết định kiêng loại rau này, mặc dù biết nó là loại rau giúp giải nhiệt trong mùa hè”.

Khác với anh Lâm, chị Nguyễn Thị Hoàn (quê Phủ Lý, Hà Nam) là người thường bị đau lưng và hai khớp gối từ nhiều năm nay. Thế nhưng, chị chưa bao giờ nghe ai nói phải kiêng ăn rau rút cả. Do đó, cứ đến mùa rau rút, chị vẫn hay mua về nấu canh giải nhiệt cho cả nhà. Chị bảo: “Tôi hay dùng rau rút nấu canh với khoai sọ, ăn thấy rất ngon. Loại rau này ăn mát, nấu canh có vị ngọt, thơm thoang thoảng nên chồng và các con tôi đều rất thích. Nếu rau rút gây tái phát đau nhức thì lẽ ra tôi phải thấy đau. Đằng này, tôi hoàn toàn bình thường, không thấy gì cả”.

Đem vấn đề này đến gặp Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội), chúng tôi nhận được câu khẳng định: “Rau rút là loại rau khá lành tính. Chưa hề có tài liệu nào viết rằng rau rút làm đau nhức xương khớp cả. Đây có thể là do dân gian truyền miệng, hay do kinh nghiệm của một số người nhưng chưa được kiểm chứng khoa học”.

Theo Lương y Vũ Quốc Trung, việc nói rau rút gây đau nhức xương khớp cũng không loại trừ khả năng là xuất phát từ chính cái tên của nó. Tức là nhiều người nghĩ rằng ăn rau rút sẽ bị… chuột rút trong xương. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn là quan điểm cá nhân. Việc một số người thấy cơ thể nhức mỏi sau khi ăn rau rút, có thể do cơ địa của họ không thích ứng với loại rau này, gây nên một số tác dụng phụ nhất định.

Loại rau lành, thai phụ cũng ăn được

Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, trong Đông y, rau rút (hay còn gọi là rau nhút) là loại thực vật nổi trên mặt nước, quanh thân có phao xốp màu trắng, lá nhỏ. Khi ăn có vị ngọt, mát, có tác dụng an thần, mát gan, giải nhiệt nên có thể hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ, trị nóng trong, nhuận tràng, hạ sốt… Vào mùa hè, rau rút thường được sử dụng để chế biến các món canh giải nhiệt như: Nấu với cua, nấu khoai sọ, nấu với cá rô, hoặc rau rút phơi khô để đun nước uống thay trà hàng ngày.

Theo Lương y Vũ Quốc Trung, rau rút chứa khá nhiều chất dinh dưỡng nên mọi người có thể yên tâm sử dụng, kể cả phụ nữ mang thai. Thực tế, chưa có một công trình nghiên cứu nào chứng minh những tác động xấu của rau rút đối với thai phụ.

Tuy nhiên, Lương y Vũ Quốc Trung lưu ý, rau rút có tính hàn. Với người yếu mệt, người hay bị lạnh bụng, đang bị tiêu chảy thì nên hạn chế ăn. Ngoài ra, vì rau rút được trồng chủ yếu tại các ao hồ nên cần chú ý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi lẽ, trong điều kiện ô nhiễm môi trường, nguy cơ nhiễm giun sán hoàn toàn có thể xảy ra nếu rau rút được trồng ở những nơi không đảm bảo vệ sinh và không được rửa sạch khi chế biến.

Do đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia, phải sơ chế thật sạch loại rau này trước khi nấu như: Cắt khúc, ngâm nước muối, hoặc rửa trong dụng cụ làm sạch rau quả chuyên biệt. Bên cạnh đó, rau rút phải được nấu chín, tuyệt đối không được ăn sống hoặc trần tái. Hạn chế ăn nộm rau rút vì nguy cơ nhiễm giun sán rất cao. Ngoài ra, nên chọn mua rau rút tại các cửa hàng rau sạch, tránh mua ở những nơi không đảm bảo vệ sinh.

Rau rút được dùng để chữa một số bệnh như:

- Hỗ trợ điều trị bướu cổ: Rau rút 300g, cá rô 200g, gia vị. Cá làm sạch chỉ lấy phần nạc, ướp gia vị. Xương cá giã nhỏ vắt lọc lấy nước, thêm nước cho đủ khoảng 500ml, đem đun sôi, sau đó, thả rau rút và cá nạc vào quấy đều. Dùng ăn nóng với cơm. Ngày một lần, dùng liền 5 ngày.

- Chữa nóng trong: Lấy 300g rau rút, đổ 800ml nước sắc uống thay trà hàng ngày. Đồng thời kết hợp ăn các món nấu từ rau rút, không ăn các chất cay nóng, kích thích.

- Chữa táo bón: Rau rút khô, sắc với 400ml nước còn 200ml, uống thay nước uống trong ngày.

- Chữa chứng mất ngủ: Rau rút 300g, khoai sọ 25g, lá sen 10g, tất cả rửa sạch đem ninh nhừ với nước, cho gia vị vừa đủ, ăn cả bã lẫn nước. Tuần ăn 3-5 lần, nên ăn khi còn ấm, tốt nhất ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ 30 phút.

Theo Mai Thùy

Gia đình & Xã hội