Thực hư chuyện 75% mật ong nhiễm thuốc trừ sâu
(Dân trí) - Mật ong là một thức ăn tuyệt vời. Quá nhiều tài liệu y học và chứng nghiệm thực tế cho thấy những tác dụng dinh dưỡng, phòng ngừa và điều trị bệnh của mật ong. Nhưng cách đây hai ngày, tạp chí khoa học Science công bố một nghiên cứu nghiêm túc về mật ong, với kết luận là đến ba phần tư mật ong trên toàn thế giới bị nhiễm thuốc trừ sâu…Thực hư vấn đề như thế nào ? Giải pháp xử lý ra sao?
Mật ong có giá trị dinh dưỡng cao
Thành phần cụ thể của mật ong phụ thuộc vào mùa hoa và loại ong. Thông thường 100 gam mật ong có chứa: Nước (17.2 %) Carbohydrat (82.4%) gồm fructose (38,5%), glucose (31,0%), maltose (7,1%), sucrose (1,3%) và các carbs hỗn hợp khác; Chất chống oxy hóa như catalase chrysin, pinobanksin, pinocembrin; Chất khoáng , vitamin ở dạng vết.. Khi chuyển hóa cho 304 kcalo năng lượng.
Xưa nay, con người đã dùng mật ong để làm: (1) thức ăn nước uống, bồi dưỡng cơ thể hằng ngày; (2) thuốc kháng khuẩn chữa viêm da, tưa miệng, viêm họng; (3) chữa lành viêm loét dạ dày; (4) chăm sóc bảo vệ da, chống lão hóa; (4) tăng cường miễn dịch; (5) chống ung thư….
Các yếu tố ảnh hưởng chất lượng mật ong
Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng mật ong như loại hoa được ong sử dụng, quá trình chế biến, điều kiện bảo quản, nhiệt độ sưởi ấm v.v….
* Loại hoa
Theo Trung tâm Nghiên cứu Mật ong, Đại học Waikato, New Zealand, kết luận chưa có bằng chứng về loại hoa nào cho mật ong tốt nhất; nhưng mật ong từ nguồn nhiều loại hoa thường tốt hơn. Do đó, nhiều công ty thường chế biến pha trộn mật ong với hy vọng tăng lợi ích cho khách hàng.
* Lưu trữ, bảo quản
Mật ong khi lưu trữ quá lâu có thể xỉn màu, giảm chất lượng, thậm chí có có thể lên men nếu hàm lượng nước quá cao. Do đó, nên dùng mật ong mới thu hoạch có màu sắc trong sáng.
* Độ tinh lọc
Điều ít người lưu ý là hầu hết tác dụng, lợi ích của mật ong phụ thuộc vào sự hiện diện của phấn hoa trong mật. Nếu không có phấn hoa, như trường hợp người nuôi cho ong ăn đường mía, mật ong chỉ là một dung dịch đường glucose và fructose, và sẽ không không tốt như khi ta uống nước đường. Do đó, nên sử dụng mật ong có phấn hoa hơn là tinh lọc, ngoại trừ người dị ứng với phấn hoa.
Và những nguy cơ có thể từ mật ong
* Sâu răng, thừa cân béo phì…
Mật ong có đến 80% là các chất đường ngọt, do đó dùng quá nhiều mật ong đồng nghĩa với dùng quá nhiều đường, và sẽ có những hệ lụy như khi ăn quá nhiều carbohydrate…
* Nhiễm độc chất tự nhiên
Grayanotoxin là một chất độc thần kinh tự nhiên được tìm thấy trong phấn hoa của cây dương cầm (rhododendrons), con ong, không bị tác dụng của chất độc này, khi hút phấn hoa cây dương cầm sẽ sản sinh loại mật ong có chất graynotoxin độc hại. Theo Wikipedia, triệu chứng bao gồm nước bọt, mồ hôi, nôn mửa, chóng mặt, và huyết áp thấp. Tình trạng này hiếm khi gây tử vong và thường giảm trong vòng 24 giờ.
* Nhiễm thuốc trừ sâu
Hiện nay, với việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, trên cây trồng, mật ong cũng có thể bị ô nhiễm qua nhiều cách như: (1) con ong bị nhiễm độc trực tiếp thuốc, chất độc; (2) ong hút mật và phấn hoa đã bị ô nhiễm với thuốc trừ sâu; (3) một phần thuốc trừ sâu tích lũy trong nước ong uống nước và bị ô nhiễm.
Năm 2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo Barack Obama rằng, nếu không kiểm soát việc dùng thuốc trừ sâu thì tình trạng mật ong nhiễm độc sẽ gia tăng nghiêm trọng.
Mới đây, các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ phát hiện neonicotinoids hiện diện ở 86% các mẫu mật Bắc Mỹ, 57% ở Nam Mỹ. Trên toàn cầu, chỉ hơn 1/3 số mẫu có nồng độ đã làm tổn thương ong. Không có mẫu nào có nồng độ nguy hiểm cho sức khoẻ con người. Đặc biệt, 45% mẫu mật có hơn 2 loại và có 10% có đến 4-5 loại thuốc trừ sâu neonicotinoids.
* Dư lượng kháng sinh
Hiện nay, nhiều trại nuôi ong lấy mật thường dùng thuốc kháng sinh để phòng trị bệnh cho chúng, khiến mật ong thu được cũng bị ô nhiễm kháng sinh. Trong giai đoạn 2002-2004, châu Âu đã cấm nhập khẩu mật ong Trung Quốc vì dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép.
Thay lời kết
Mật ong là một món ăn, vị thuốc (thực phẩm chức năng) quý giá từ ngàn xưa đã quá nhiều người biết, quen sử dụng. Hiện nay, sản xuất mật ong đã là một lãnh vực quan trọng trong nông nghiệp nước nhà.
Vấn đề còn lại là làm sao để mật ong đạt tiêu chí an toàn thực phẩm. Việc phát triển, mở rộng trang trại như hiện nay đã cho thấy những điểm yếu, nguy cơ “chết người”, đặc biệt là nhiễm độc thuốc trừ sâu công nghiệp.
Theo tôi có hai giải pháp khả thi: (1) một là kiểm soát nghiêm ngặt việc dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh nông nghiệp và (2) hai là phát triển nền nông nghiệp hữu cơ (organic fảming), nông nghiệp không phân bón hóa học, không thuốc hóa chất trừ sâu. Mật ong “hữu cơ” từ các nông trại hữu cơ này chắc chắn an toàn và sẽ được ưa chuộng !
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM