Thức ăn thiếu an toàn bao vây trường học
Cổng nhiều trường học tại khu vực Hà Nội xuất hiện các hàng, quán ăn vặt, với đủ loại hàng hóa từ trong nước sản xuất, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và cả những hàng không nhãn mác, không xuất xứ... Đây chính là mối nguy cơ đe dọa sức khỏe học sinh.
Quà vặt loại gì cũng có!
Dạo một vòng qua các trường tiểu học Thanh Lương, Lương Yên, Tô Hoàng, Dịch Vọng A, Tân Mai, Nghĩa Tân, Trung Hòa,... hầu hết các hàng quà vặt vỉa hè hoạt động mạnh vào đầu giờ sáng, buổi trưa, đầu giờ chiều và cuối giờ chiều. Trung bình trước mỗi cổng trường hoặc hai bên cổng trường có từ 4 - 6 hàng quà vặt vỉa hè.
Từ các loại thực phẩm ăn nhanh như: Bánh mì hotdog, bánh hamburger, sandwich, nem khoai, nem chua, khoai tây chiên, kim chi, trà sữa trân châu, phomai que đến các loại quà rẻ tiền, loại gì cũng có thể tìm thấy tại các quán vỉa hè trước cổng trường học. Với những học sinh thích bánh có thể lựa chọn bánh quy phết kem 1.000đ/2 chiếc hoặc nhiều loại ômai Việt Nam, Trung Quốc sản xuất. Khảo sát trước cổng Trường Tiểu học Lương Yên, gần đây trẻ em thích loại thịt hổ, kẹo và ômai Trung Quốc.
Theo chủ hàng quà tên Phương, kinh doanh gần Trường Tiểu học Lương Yên: “Nhiều học sinh thích thịt hổ vì nó dai như thịt bò khô, kẹo sỏi ăn vừa thơm lại tạo cảm giác sảng khoái, trứng khủng long vừa ăn vừa có thể chơi được... nên được học sinh lựa chọn”. Hầu hết các mặt hàng này đều do Trung Quốc sản xuất với hình thức bên ngoài bắt mắt, màu sắc sặc sỡ.
Gần đây, nhan nhản trước cổng Trường học Tiểu học Trương Định, Trưng Trắc có loại đồ uống các vị trái cây dưới dạng xịt hấp dẫn. Trên bao bì chỉ có ghi “Trái cây uống chất lỏng” với thành phần nước tinh khiết, đường thực phẩm...
Tuyệt nhiên không thấy cơ sở sản xuất và khuyến cáo cho người tiêu dùng. Tuy nhiên với dung tích 25ml với giá 2.000đ/chai thì bất kỳ ai cũng có thể đặt dấu chấm hỏi cho chất lượng sản phẩm.
Trao đổi với chị Hương, chủ cửa hàng bán quà vặt trước cổng Trường Tiểu học Trương Định - được biết: Đây là mặt hàng mới, vị thơm trái cây được trẻ con yêu thích. Có ngày chị và các hàng vỉa hè bán được hàng chục chai.
Còn rất nhiều loại quà chỉ có tiếng Trung Quốc, tiếng Thái Lan vẫn thu hút được học sinh quan tâm như trứng khủng long, thịt hổ. Tả về món ăn khoái khẩu thịt hổ, cô bé Thùy Linh – học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Ngũ Hiệp - nhanh nhảu: “Thịt hổ ngon lắm cơ cô ạ, lúc đầu ăn có vị ngọt mặn, nhai kỹ thấy cay cay dai như thịt bò nhưng lại rẻ hơn thịt bò khô nhiều lần. Mỗi bạn thích ăn một món khác nhau. Nhiều bạn cháu lại thích nước uống trái cây dạng xịt nhiều hương vị”.
Giá rẻ như... bèo
Nắm bắt được tâm lý học sinh ít tiền, vì vậy các nhà cung cấp thường đưa ra những sản phẩm phù hợp với “túi tiền của học sinh”. Chỉ từ 1.000 - 5.000 đồng là các cháu có thể lựa chọn được món quà vặt ưa thích. Kể cả món ăn khoái khẩu là thịt hổ cũng chỉ có giá 3.000 - 5.000đ/gói (tùy to hay bé), nem chua rán: 3.000đ/chiếc, trà sữa cốc nhỏ: 5.000 - 6.000đ/cốc, kẹo C: 1.000đ/gói, kẹo sỏi: 3.000đ/gói, nước uống trái cây dạng xịt: 2.000đ/chai,...
Với số tiền như vậy, chắc nhiều bậc cha mẹ học sinh không khỏi đặt câu hỏi: Chất lượng thức ăn mà trẻ mua liệu có đảm bảo? Theo một chủ cửa hàng bán quà vặt trước cổng Trường Tiểu học Tô Hoàng bật mí: “Hầu hết người bán quà vặt đều lên chợ Đồng Xuân mua buôn theo lố về chia lẻ bán cho học sinh kiếm tiền lời. Mặt hàng được nhiều chủ hàng lựa chọn là mẫu mã đẹp bắt mắt, giá rẻ”.
Lý giải về giá rẻ, chủ hàng này cho biết thêm: Học sinh không có tiền, một đứa mua có thể cho vài đứa, vì vậy phải rẻ.
Một trong những phụ huynh, bà Đỗ Thanh Huyền (ngõ Đỗ Thuận, Tô Hoàng, Hà Nội) cho biết: “Bố mẹ cháu nhiều khi bận quá, thường cho con tiền ăn sáng. Có buổi chiều đón cháu ở cổng trường, tôi thấy cháu và nhiều bạn khác túm năm tụm ba trước sạp hàng vặt vỉa hè. Mỗi đứa một gói mặt hớn hở. Khi hỏi cháu, tôi mới biết bố mẹ hay cho tiền quà sáng, cháu nhịn để ăn quà vặt buổi trưa hoặc chiều”.
Một số phụ huynh vì chiều con mà bỏ qua vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng quà trước cổng trường. Chị Đỗ Thoa (Trần Phú, Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự: “Nhiều khi thấy con cứ đòi mua với lý do bạn có, mẹ cho con tiền mua ăn thử. Thấy con ăn cứ tấm tắc khen ngon nên tôi thường bỏ qua vấn đề chất lượng. Nghĩ lại cũng thấy đáng lo khi hàng quán bao vây cổng trường học như hiện nay”.
Trong lúc nhiều trường đã thiết lập bộ phận căng-tin trong trường học cung cấp hàng ăn đảm bảo chất lượng, có chứng nhận của cơ sở y tế, nhưng tình trạng hàng quán vỉa hè tiếp cận học sinh vẫn không giảm. Điều này cho thấy nhu cầu ăn quà của học sinh tăng cao, nhưng chất lượng thức ăn khu vực ngoài cổng trường vẫn đáng báo động.