Thức ăn đường phố tiềm tàng nguy cơ gây bệnh
(Dân trí) - Trong những năm qua, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta đang đứng trước nhiều thách thức. Ngộ độc cấp tính gây chết người đã xảy ra ở các bữa ăn gia đình và tập thể. Cùng với tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá, dịch vụ thức ăn đường phố cũng phát triển nhưng đi kèm với nhiều tiềm ẩn dễ gây bệnh.
Bên cạnh việc tiện lợi, thức ăn đường phố hiện nay cũng xuất hiện nhiều nguy cơ tiềm ẩn, gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm. Nguyên nhân là do người chế biến thiếu kiến thức và thực hành về vệ sinh an toàn thực phẩm, thiếu hạ tầng cơ sở và các điều kiện vệ sinh môi trường.
Đây là vấn đề đang được các nhà quản lý và khoa học y tế quan tâm, và đang là mối lo ngại cho người tiêu dùng về tính an toàn của thức ăn và nguy hiểm nhất là thức ăn không đảm bảo vệ sinh do bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh.
Trước điều trên, người bán thức ăn đường phố cần phải có kiến thức cơ bản về an toàn thực phẩm nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Mạng lưới các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm quốc tế (International Food Safety Authorities Network, INFOSAN) khuyến cáo 5 bước để cải thiện độ an toàn thực phẩm đường phố bao gồm:
Bộ phận thức ăn đường phố đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp thức ăn có sẵn, giá rẻ cho dân chúng đô thị, đặc biệt ở các nước phát triển; Nhiễm bẩn thức ăn đường phố do tác nhân gây bệnh hóa chất hoặc vi sinh vật được ghi nhận là một yếu tố góp phần đáng kể vào bệnh qua thực phẩm; Tình trạng vệ sinh môi trường yếu kém, trang thiết bị không thích hợp, và chế biến không đúng là yếu tố nguy cơ chính liên quan với thức ăn đường phố; Hiểu biết của người bán về những nguyên tắc và biện pháp cơ bản là cần thiết để đảm bảo thực phẩm an toàn; Bán với giá cả phù hợp nhất nhằm làm giảm nguy cơ cho sức khỏe do thức ăn đường phố.
Năm chìa khóa trên để làm cho thực phẩm an toàn hơn, là cơ sở để huấn luyện cho người bán thức ăn đường phố ở tất cả các quốc gia.
Tính đến ngày 30/6/2018 toàn quốc đã ghi nhận 52 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) với 1.300 người mắc, 1047 người đi viện và 11 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ giảm 30 vụ, số mắc giảm 903 người, số đi viện giảm 1047 người, số tử vong giảm 06 người.
Riêng tại tỉnh Thừa Thiên Huế, từ ngày 1/1/2018 đến nay, ghi nhận chỉ có 1 vụ NĐTP với 4 người mắc, 4 người đi viện và không có tử vong, nguyên nhân do vi sinh (Vibrio Parahaemolyticus). So với cùng kỳ năm 2017, số vụ giảm 4 vụ, số người mắc giảm 52 người, số đi viện giảm 52 người.
Kiểm tra an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế đã luôn luôn chú trọng công tác đảm bảo ATTP đối với loại hình thức ăn đường phố để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra. Tính đến nay, số cơ sở quản lý theo phân cấp các tuyến đều đã được quản lý chặt chẽ, kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoặc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm như sau:
Ở tuyến tỉnh: Số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm là 168, đã cấp giấy chứng nhận 154 cơ sở, đạt tỷ lệ 91,66%; Số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là 261, trong đó số cơ sở đã cấp giấy chứng nhận là 264, đạt 94,25%; Số cơ sở kinh doanh bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn (thuộc diện cấp giấy) là 8 cơ sở, đã cấp giấy 8 cơ sở, đạt 100%.
Đoàn của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất mè xửng
Trong các loại hình ký cam kết: 111 đã ký /104 cơ sở, đạt 93,69%. Bếp ăn bán trú Trường học: 71 đã ký/ 75 cơ sở, đạt 94,367%. Bếp ăn tập thể KCN, Công ty: 34 đã ký /36 cơ sở, đạt 94,44%.
Về tuyến huyện/thị/thành phố, số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là 906 cơ sở, đã cấp giấy chứng nhận 755 cơ sở, đạt 83,33% .Loại hình ký cam kết: 328 cơ sở, đã ký 310, đạt 94,51%.
Riêng tuyến xã/phường, số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố: 4008 cơ sở, đã ký cam kết: 3638, đạt 90,77%.
Đại Dương