Thừa Thiên Huế: Nhiều bệnh viện "đói" thuốc điều trị
(Dân trí) - Những ngày gần đây, nhiều bệnh viện tuyến huyện ở tỉnh TT. Huế rơi vào tình trạng thiếu thuốc ngày càng dài, nhiều nơi đã phải dùng đến thuốc dự phòng cho phòng chống lụt bão. Nguyên do là vì những thay đổi mới trong quy định phân cấp đấu thầu, cung ứng thuốc...
Thiếu thuốc ở bệnh viện Phú Lộc
Tại bệnh viện (BV) Phú Lộc, gần một tuần nay, hàng trăm bệnh nhân lẫn các y, bác sĩ tại đây đang lâm vào tình cảnh trớ trêu. Bệnh viện “đói” thuốc buộc nhiều đối tượng thuộc diện BHYT, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi phải "gồng mình" mua thuốc bên ngoài để điều trị bệnh.
Chị Lê Thị Hằng ở xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) là một trong nhiều trường hợp điển hình có con trai mới lên 3 tuổi bị viêm đường ruột đang điều trị tại Khoa Nhi, BV Phú Lộc. Chị Hằng bộc bạch: “Sau khi chẩn đoán, cháu được bác sĩ yêu cầu nhập viện điều trị gấp vì bệnh tình quá nặng. Nhưng 5 ngày nay, cháu lại không được cấp thuốc mà gia đình phải tự mua bên ngoài theo kê đơn của bác sĩ, bình quân mỗi ngày từ 50.000 - 100.000 đồng”.
Qua tìm hiểu được biết, BV Phú Lộc hiện có 80 giường nhưng từ cuối tháng 4/2008 đến nay, số bệnh nhân phải nhập viện điều trị luôn vượt quá con số 200 giường, tăng gấp 3 lần so với ngày bình thường. Ông Nguyễn Văn Hường, Giám đốc TTYT huyện Phú Lộc cho biết: hiện nay không chỉ các đối tượng có BHYT, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi mà cả bệnh nhân thông thường thuộc diện chịu viện phí cũng bị thiếu thuốc.
Nguyên nhân thiếu thuốc là do công tác dự toán yếu kém của bộ phận dược ở bệnh viện. Một nguyên nhân khác là do số thuốc đấu thầu (mỗi năm một lần) theo yêu cầu của bệnh viện đã không được nhà thầu đáp ứng đầy đủ. Bệnh viện huyện chỉ mua được 1,4 tỷ đồng so với gần 3 tỷ đồng các loại thuốc đã đăng ký đấu thấu năm 2008 với Sở Y tế Thừa Thiên-Huế.
Theo quy định hiện hành của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, nguồn thuốc mua bổ sung ngoài các gói thầu đã thực hiện không được vượt quá 50 triệu đồng đối với bệnh viện tuyến huyện. Bệnh viện Phú Lộc hiện đã mua “vượt khung” 75 triệu đồng nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Bệnh viện dù có tiền vẫn không thể mua được thuốc một khi giá đã “vượt khung” và chưa kịp đấu thầu bổ sung.
Được biết, Bệnh viện Phú Lộc đã làm thủ tục xin đấu thầu thuốc bổ sung gửi Sở Y tế gần 1 tháng nay nhưng nhanh nhất phải đến giữa tháng 6, nguồn dược phẩm, vật tư y tế bổ sung mới có thể về đến bệnh viện huyện và các trạm y tế. Theo ông Hường, với lượng bệnh nhân tăng đột biến như hiện nay, khoảng 600 trường hợp khám chữa bệnh mỗi ngày, các cơ sở y tế từ tuyến huyện đến xã hàng ngày phải tiêu tốn trên dưới 11 triệu đồng tiền thuốc, nên các nguồn thuốc bổ sung tạm thời ở Phú Lộc cũng chỉ đủ dùng cầm chừng đến hết tháng 5/2008.
Đi tìm lời giải!
Ông Lê Viết Bắc, Phó Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên -Huế cho biết: một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc thiếu thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện là do công tác dự toán lên kế hoạch sử dụng thuốc ở cấp cơ sở chưa sát với thực tế, kết hợp với giá cả thị trường thuốc ngày càng thay đổi, một số thuốc nhà thầu không cung cấp theo giá cũ, vượt giá thành so với kế hoạch nên nhiều gói thầu không được trúng thầu.
Trong quá trình đấu thầu cung ứng thuốc lần này tại các bệnh viện đã có bước thay đổi từ đấu thầu "trọn gói" sang đấu thầu "từng mặt hàng" thuốc nhằm giảm xuống tối đa giá thành thuốc y dược. Khiến đợt đấu thầu vào ngày 11/1/2008 vừa qua, đã có hơn 30% mặt hàng thuốc các loại trong tổng trong gói thầu thuốc trị giá hơn 25 tỷ đồng không trúng thầu.
Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc trên, Sở Y tế tiếp tục mở đợt đấu thầu bổ sung vào ngày 27/5/2008 sắp đến, với tổng số tiền thuốc hơn 6,7 tỷ đồng và sẽ có thuốc kịp thời bổ sung vào giữa tháng 6/2008 tới. Tuy nhiên trong quá trình đấu thầu, thời gian lên kế hoạch cung ứng thuốc, chờ phê duyệt kế hoạch thuốc trong năm và thời gian mời thầu hơi dài. Một đợt tổ chức đấu thầu sau khi hoàn thiện các thủ tục mất bình quân hơn 3 tháng, đây là một vấn đề còn tồn tại chưa tìm ra "lời giải".
Ông Bắc cho biết thêm, riêng đối với các bệnh nhân nằm trong diện mua BHYT, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi phải mua thuốc ngoài trong đợt này, Sở Y tế sẽ làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh để thanh toán tiền cho tất cả các hoá đơn tiền thuốc của bệnh nhân trong quá trình điều trị.
Việc thay đổi quy định trong phân cấp đấu thầu, cung ứng thuốc ở Sở đã dẫn đến không ít khó khăn trong việc điều trị ở một số bệnh viện. Thiệt thòi lớn nhất vẫn đang thuộc về bệnh nhân, đặc biệt là các đối tượng thuộc diện BHYT, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi./.
Anh Sơn