Thủ tướng: Ngành y tế, nhiều đơn vị chấp nhận thiệt thòi, rủi ro
(Dân trí) - "Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, ngành y tế và nhiều đơn vị chấp nhận thiệt thòi, rủi ro, hy sinh niềm vui sum vầy năm mới để mang lại niềm vui cho người dân", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Chiều 9/2 tức 28 Tết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc tại Bộ Y tế. Theo Thủ tướng, chiều nay là chiều 28 Tết, những ngày cuối cùng của giờ làm việc hành chính tại nước ta trước khi đón Tết Tân sửu, mọi người, mọi nhà bây giờ đều hướng về Tết nhưng ngành y tế thì không như vậy. Ngành y tế nước ta tiếp tục là những chiến sĩ tiên phong gồng mình chống dịch Covid-19 để bảo vệ sức khỏe nhân dân từ Nam chí Bắc, tại 63 tỉnh thành, đặc biệt là tại các ổ dịch lớn như TP HCM, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Gia lai, và nhiều địa phương khác.
Thủ tướng biểu dương những thành tích lớn lao, quyết tâm, ý chí quyết liệt của toàn bộ chiến sĩ áo trắng trên mặt trận bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Năm qua nhân loại chứng kiến sự hoành hành của Covid-19, 105 triệu người mắc bệnh, cướp đi sinh mạng trên 2,3 triệu người trên thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân toàn cầu trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam tính từ tháng 1/2020 đúng ngày Mùng 3 Tết, Thủ tướng đã phát lệnh chống dịch như chống giặc. Trước đó, Chính phủ cũng đã có nhiều động thái chỉ đạo, Bộ Y tế cũng chủ động các biện pháp ứng phó với dịch bệnh.
"Chúng ta đã qua được dịch với gần 2.000 ca nhiễm, 35 ca tử vong, đặc biệt đợt dịch thứ 3 này đã 13 ngày chúng ta đã có 470 ca nhiễm, tốc độ lây nhiễm rất nhanh, nhất là ổ dịch Hải Dương và Quảng Ninh. Chúng ta rất quyết tâm, dồn sức chỉ đạo, tuyên bố phong tỏa TP Chí Linh, Chính phủ cũng ra nghị quyết 05 thực hiện áp dụng chỉ thị 15, 16 ở một số khu vực. Vì vậy, với sự quyết tâm của ngành y tế một lần nữa ổ dịch tại Hải Dương, Quảng Ninh đặc biệt là tại Chí Linh và sân bay Vân Đồn đã được khống chế. Đây cũng là một thành công mới", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, Việt Nam được đánh giá thành công trong kiểm soát dịch bệnh, góp phần trong việc thực hiện mục tiêu kép. Việt Nam cũng là một trong số nước ít ỏi có nền kinh tế tăng trưởng dương ở mức gần 3%, cao nhất thế giới trong năm 2020. Năm nay, chúng ta cũng kiểm soát tốt so với các nước bên cạnh. Vì vậy sản xuất được giữ vững, trong đó có đóng góp rất lớn của ngành y tế, dịch bệnh được ngăn chặn.
"Việt Nam của chúng ta nổi tiếng là kiểm soát tốt Covid-19. Để có thành công ấy, chiến công quan trọng đó có công sức của cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân, các cấp các ngành, đặc biệt có sự đóng góp quan trọng, trực tiếp của ngành y tế trong đó có các chiến sĩ áo trắng tại bệnh viện, cơ sở y tế tuyến đầu và nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc. Toàn ngành y tế đã quyết liệt mau lẹ, thần tốc, đã chỉ đạo hệ thống của mình phối hợp nhịp nhàng để phát động trong nhân dân, các cấp, các ngành thực hiện các biện pháp mà chúng ta nêu ra", Thủ tướng nhấn mạnh.
Các cán bộ y tế đã nêu cao tinh thần trách nghiệm không ngại hy sinh để làm công việc quan trọng là ngăn ngừa và kiểm soát được dịch Covid-19. Việt Nam đã khống chế các ổ dịch nhiều lần xâm nhập ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, và đợt 3 này tiếp tục kiểm soát mạnh mẽ ở TP HCM, Hải Dương, Hà Nội…
Nhắc đến PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, người đã trực tiếp tham gia tại nhiều ổ dịch, Thủ tướng cho biết PGS Dương bao giờ cũng là người về cuối cùng ở các ổ dịch từ Sơn lôi, đến nay là Hải Dương. Ngoài ra, cũng có nhiều cán bộ y tế một năm qua chưa được về nhà, chưa được gặp mặt người thân. Nhiều người gác lại việc riêng chuyên tâm phòng chống dịch Covid-19. Nhiều bạn trẻ, sinh viên các trường đại học, cao đẳng đã đi vào ổ dịch, sẵn sàng chống dịch dù lần đầu tiên xa nhà trong dịp Tết.
Ngành y phải cảnh giác cao hơn các ngành khác
"Tất cả mọi lực lượng đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro về mình. Tất cả hành động đó TP, lãnh đạo Bộ Y tế thực sự cảm động sự hy sinh cao cả đó. Chỉ vài ngày nữa là đến Tết, nhiều cán bộ y tế đón Tết tại bệnh viện, trực chiến tại cơ quan, cơ sở cách ly, kể cả quân đội, lực lượng biên phòng và các lực lượng khác cùng tham gia. Ngành y tế cũng như nhiều đơn vị chấp nhận thiệt thòi, rủi ro, hy sinh niềm vui sum vầy năm mới để mang lại niềm vui cho người dân, người nhà, người thân cũng hy sinh đồng hành. Tất cả những hành động đó để bảo vệ sức khỏe nhân dân", Thủ tướng nói.
Tình hình dịch tại nước phức tạp, tốc độ lây nhiễm cao vì thế Thủ tướng đề nghị toàn ngành huy động tổng lực khống chế dịch, trang bị đầy đủ kịp thời bảo vệ mức cao nhất sự an toàn của nhân viên y tế, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo cho cán bộ y tế, đặc biệt là các bệnh viện từ trung ương đến địa phương.
Thủ tướng kêu gọi ngành y tế và các thầy thuốc trên mọi miền tiếp tục phát huy phẩm chất cao đẹp của người bác sĩ, nhân viên y tế luôn sẵn sàng quyết tâm trách nhiệm, dồn hết sức tâm trí kinh nghiệm của mình để cùng toàn Đảng, toàn dân chiến thắng dịch Covid-19 đang diễn ra khốc liệt trong giai đoạn hiện nay.
Thủ tướng cũng đề nghị toàn ngành y tế tiếp tục đề cao cảnh giác, cảnh giác cao hơn các lực lượng khác, luôn sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh nhất là dịch Covid-19.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết năm 2020, ngành y tế đã triển khai phòng chống dịch thành công. Bài học chống dịch Covid-19 của Việt Nam được nhiều bạn bè quốc tế ghi nhận. Việt Nam là một trong nhiều quốc gia có số mắc và tử vong thấp nhất thế giới trong năm 2020. Đồng thời cũng là một trong 4 nước phân lập thành công virus SARS-CoV-2.
"Chúng ta đang đối phó với đợt dịch thứ 3 nhưng tôi tin chúng ta sẽ sớm chiến thắng. Ngành y tế xin được tiếp thu tất cả ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng", Bộ trưởng Long nói.
Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại đầu cầu TP HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Tổ trưởng Tổ thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đặt tại TP HCM cho biết đến nay TP có 32 ca mắc, chủ yếu 2 bộ phận: bốc xếp hàng hóa tại sân bay và bộ phận giám sát. Qua các trường hợp này có một số trường hợp tại cộng đồng, liên quan F1 với nhóm tại sân bay.
Các hoạt động phòng chống dịch tại TP đang được tập trung rất quyết liệt, đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Tất cả các nguồn lực của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế cũng đã được chỉ đạo tham gia quyết liệt, bố trí lực lượng ứng trực sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của TP trong chống dịch.
TP đang tiếp tục rà soát tất cả các bộ phận liên quan tại sân bay, đảm bảo an toàn cho công tác vận chuyển hành khách trong dịp Tết, khu dân cư, khu cách ly tập trung.
Tổ thường trực cũng kiến nghị các biện pháp đảm bảo an toàn tại khu vui chơi, hội hoa xuân, đảm bảo an toàn giãn cách theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Bộ phận thường trực cũng trực tiếp tiếp làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch của TP tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, năm bắt tình hình để tham mưu cho thành phố.
Chống dịch tại Hải Dương với 4 thần tốc: "khoanh vùng, truy vết, cách ly, xét nghiệm"
Tại đầu cầu Hải Dương, PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tổ trưởng Tổ phòng chống dịch của Bộ Y tế đặt tại Chí Linh cũng cho biết đợt dịch lần này từ ngày 27/1 đến nay, Hải Dương thực sự là tâm dịch của cả nước, đến nay số mắc cộng đồng là 321 ca ở 7/12 huyện, TP của Hải Dương. TP đã truy vết 12.000 F1, con số xét nghiệm chống dịch cũng cực lớn, đã lấy đến 75.000 mẫu bệnh phẩm các loại, lấy mẫu diện rộng trên cộng đồng, phục vụ đắc lực cho việc đánh giá và chống dịch.
Khi dịch xuất hiện, tỉnh đã cực kỳ nỗ lực, trách nhiệm, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân, với biện pháp quyết liệt đúng đắn mau lẹ. Bộ Y tế cũng ngay lập tức huy động lực lượng rất lớn các chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau, các Vụ, Cục, bệnh viện đầu ngành, hỗ trợ trang thiết bị sinh phẩm chẩn đoán để hỗ trợ phần nào cho địa phương. Các đoàn cắm chốt từ ngày 27/1 đến nay đều chưa về.
"Biến chủng SARS-CoV-2 của Anh lân này lây lan mạnh nên để chống dịch thì tốc độ chống dịch là quan trọng nhất, chạy nhanh hơn sự lây lan của dịch mới tháng được dịch. Tại đây, các cán bộ y tế thực hiện 4 thần tốc: thần tốc khoanh vùng, thần tốc truy vết, thần tốc cách ly và thần tốc xét nghiệm, đồng thời bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch trung ương, Bộ Y tế", PGS Dương nói.
Đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên từng khu vực. Ổ dịch nguy hiểm nhất tại Công ty Poyun đã được khóa chặt. 2300 công nhân được cho là là F1 vì trong nhóm này đã phát hiện 175 ca mắc, khu vực này như 1 ổ bom vi trùng, phơi nhiễm cho hơn 2.000 công nhân này. Tất cả đã được đưa đi cách ly tập trung, đang được theo dõi, không còn nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng từ công ty này.
Tuy nhiên chống dịch luôn xuất hiện tình huống mới nảy sinh. Lúc này, Hải Dương cũng như nhiều địa phương khác chú trọng phòng dịch khu công nghiệp lớn như huyện Cẩm Giàng.
Đoàn của Bộ sẽ tiếp tục bám trụ cùng Hải Dương, tiếp tục chống dịch đến cùng.