Thứ trưởng Bộ Y tế nêu yêu cầu "cấp bách hơn bao giờ hết" của ngành y
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, chủ trương "bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết" mang nhiều ý nghĩa. Đến nay, y tế tư nhân tại Việt Nam mới đạt 8,6% tỷ trọng giường bệnh.
Phát biểu trong buổi đón chứng nhận quốc tế AACI (về chất lượng, an toàn người bệnh) của 2 bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam, diễn ra ngày 28/11 ở TPHCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, chủ trương "bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trên hết và trước hết" mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Trong đó, chủ trương trên thể hiện quan điểm khuyến khích phát triển y tế khu vực tư nhân bình đẳng với khu vực công.
Nghị quyết số 20 ban hành ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng xác định, mục tiêu đến năm 2025 y tế tư nhân tại Việt Nam chiếm tỷ trọng 10% giường bệnh (hiện nay mới đạt 8,6%), đến năm 2030 đạt 15%.
Đến năm 2050, quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở phấn đấu đạt 25% số giường bệnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Nghị quyết số 20 cũng khẳng định tạo môi trường bình đẳng cả về hỗ trợ, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật giữa các cơ sở khám chữa bệnh công và tư; không phân biệt công - tư trong cung cấp dịch vụ y tế.
Thứ trưởng nhấn mạnh, trước sự phát triển mạnh mẽ và không ngừng của khoa học, công nghệ, yêu cầu hiện đại hóa hoạt động y tế càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Việc 2 bệnh viện ở TPHCM đạt được chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế AACI là thành tựu có ý nghĩa quan trọng đối với ngành Y tế Việt Nam.
Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế chia sẻ, với những tiến bộ đáng kể trong công tác chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là việc áp dụng hiệu quả các kỹ thuật cao cùng chi phí hợp lý, nước ta đang là điểm đến của nhiều người nước ngoài có nhu cầu khám, chữa bệnh.
Việt Nam cũng đang đẩy mạnh phát triển du lịch y tế. Việc 2 bệnh viện ở TPHCM tiên phong triển khai để áp dụng chuẩn AACI của Hoa Kỳ trong công tác khám chữa bệnh cho thấy sự nỗ lực không ngừng, sự chuyên nghiệp và khả năng của cơ sở y tế Việt Nam để đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu.
Trong mục tiêu TPHCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, ông Khuê đề nghị các bệnh viện tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.
Ngoài ra, cần phát triển cơ sở hạ tầng y tế đồng bộ, hiện đại; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong y tế, chuyển đổi số y tế…
AACI (American Accreditation Commission International) có trụ sở chính ở Hoa Kỳ, là một trong những tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định chất lượng chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới. AACI lần đầu tiên ban hành Bộ tiêu chuẩn chứng nhận vào năm 2014, đã được Hiệp hội quốc tế về Chất lượng Chăm sóc sức khỏe công nhận.
Để đạt được chứng nhận quốc tế về chất lượng và an toàn người bệnh của AACI, Bệnh viện Gia An 115 và Bệnh viện CIH đã phải đáp ứng bộ tiêu chuẩn nghiêm ngặt gồm 3 Module, 30 chương với tổng cộng hơn 140 tiêu chuẩn khác nhau. Trong đó, đặc biệt tập trung vào các khía cạnh như chất lượng điều trị, chăm sóc và an toàn người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn, hướng dẫn lâm sàng, quản lý rủi ro, quản trị nguồn lực và đào tạo liên tục cho nhân viên y tế…Đây cũng là 2 bệnh viện đầu tiên của Việt Nam đạt chứng nhận này.