Thử nghiệm việc tiêm vắc xin ung thư cổ tử cung
(Dân trí) - TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, vào tháng 9 tới sẽ tiến hành tiêm thử nghiệm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung tại tỉnh Hòa Bình. Dự kiến, cuối năm nay có thể triển khai rộng rãi việc tiêm vắc xin HPV tại Việt Nam.
TS Hiển cho hay, chương trình tiêm vắc xin ung thư cổ tử cung được phối hợp bởi Viện vệ sinh dịch tễ TƯ, Bộ Y tế và Tổ chức phi lợi nhuận về y tế toàn cầu (PATH). Hiện tại, Bộ Y tế đang xem xét việc đăng ký và cấp phép cho vắc xin Gardasil phòng virus HPV (yếu tố chủ yếu dẫn đến ung thư cổ tử cung) của hãng Merck Sharp và Dohme. Hãng này đã cam kết tặng hàng nghìn liều vắc xin cho Việt Nam thông qua dự án của PATH. Được biết, loại vắc xin này đã được cấp phép tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo Tổ chức Phi Lợi nhuận về Y tế Toàn cầu, vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung có thể sử dụng cho các bé gái từ 9 tuổi trở lên, với ba liều vắc xin tiêm trong 6 tháng. Đây là loại vắc xin rất có hiệu quả trong việc dự phòng ung thư cổ tử cung do vi rút Human Papiloma Vi rút (vi rút HPV) gây ra, đặc biệt tiêm cho trẻ em gái trước tuổi có quan hệ tình dục và với 3 mũi vắc xin khả năng phòng ngừa ung thư cổ tử cung đạt tới 98%. Không chỉ giúp phụ nữ không chỉ phòng được ung thư cổ tử cung mà còn các bệnh khác như loạn sản tử cung… Vắc xin này có hiệu lực ít nhất trong năm năm và có thể kéo dài lâu hơn.
Theo TS Hiển, loại vắc xin này hầu như không có tác dụng phụ nên cũng được dùng khá phổ biến ở phụ nữ ở tất cả các lứa tuổi. Thậm chí khi mang thai vẫn có thể tiêm loại vắc xin này mà không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Khi triển khai tại Việt Nam, loại vắc xin này sẽ được tiêm cho những bé gái tuổi từ 11- 14 tuổi.
Được biết, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh ung thư cổ tử cung cao trên thế giới và cũng là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở nữ sau ung thư vú. Cụ thể, tỉ lệ mắc mới bệnh này theo tuổi là 20/100.000 với tỉ lệ tử vong là 11/100.000 phụ nữ.
Hà Linh