Thử nghiệm vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết trên người

(Dân trí) - Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm có số ca mắc đứng thứ 3, số ca tử vong đứng thứ nhất trong 28 loại bệnh truyền nhiễm. Với mong muốn tìm ra vắc-xin điều trị hiệu quả loại bệnh này, ngành y tế đang nổ lực tham gia vào quá trình nghiên cứu.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, tính từ đầu năm đến hết tháng 9, trên cả nước có hơn 45.000 trường hợp mắc SXH với 39 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2010 số mắc giảm 46% số tử vong giảm 37%. Những tỉnh có số ca SXH cao là TPHCM, Đồng Nai, Cà Mau, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Tiền Giang… Trong 9 tháng đầu năm 2011, có 4 týp vi-rút lưu hành tại Việt Nam, trong đó nhiều nhất là týp D1 chiếm 53,1% và D2 chiếm 27,6%.

 
Thử nghiệm vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết trên người - 1
Nếu thử nghiệm thành công Việt Nam sẽ sớm được thụ hưởng thành quả khoa học này

Nhìn chung, năm nay SXH đang ở mức thấp hơn năm 2010, Tuy nhiên dịch bệnh phân bố không đều trên phạm vi cả nước bởi số mắc và tử vong tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam (chiếm 91,3% số mắc), chỉ tính riêng tại TPHCM đến ngày 10/10 đã có 7 ca tử vong.

TS Trần Thanh Dương, Cục phó Cục Y tế dự phòng cho biết: “SXH lưu hành ở nước ta thường có những biến động lớn theo chu kỳ. Hàng năm, SXH vẫn là loại bệnh truyền nhiễm có số ca tử vong cao nhất trong các loại bệnh truyền nhiễm. Lịch sử các loại bệnh truyền nhiễm trên thể giới cho thấy muốn ngăn chặn tận gốc dịch bệnh phải có vắc-xin phòng bệnh. Các bệnh do vi-rút mà không có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu sẽ rất khó khăn trong công tác phòng chống”.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã phê duyệt Dự án CYD 14 thử nghiệm lâm sàng vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết trên người do Viện Pasteur làm chủ. Dự án sẽ đánh giá hiệu quả và an toàn của vắc-xin mới ngừa SXH 4 týp trên trẻ em khỏe mạnh từ 2-14 tuổi. CYD 14 đã và đang được triển khai thực hiện tại Mỹ Tho và Long Xuyên hai tỉnh có bệnh SXH lưu hành lớn nhất trên cả nước.

TS Trần Ngọc Hữu chủ nhiệm đề án nghiên cứu cho biết: “Theo kế hoạch đề ra việc thử nghiệm lâm sàng sẽ được thực hiện trên 1.402 người tại Long Xuyên và 934 người tại Mỹ Tho. Thời gian thực hiện đề án sẽ diễn ra từ tháng 9/2011 và sẽ đóng đề án nghiên cứu vào tháng 8 năm 2016”.

Với vai trò là nước trực tiếp tham gia nghiên cứu nếu loại vắc-xin phòng bệnh SXH thành công, người dân nước ta sẽ có cơ hội được thụ hưởng loại vắc-xin có hiệu quả này một cách sớm nhất. Về phía nhà tài trợ đã cam kết cung cấp đủ số lượng vắc-xin theo yêu cầu với giá ưu đãi cho ngành y tế Việt Nam.

Vân Sơn