1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thử nghiệm vắc xin chống tái phát ung thư da

(Dân trí) - Kết quả ban đầu từ thử nghiệm lâm sàng “đầu tiên trên người” tại trường Y Đại học Washington cho thấy vắc xin u hắc tố cá nhân hóa có thể tạo ra đáp ứng miễn dịch mạnh chống lại các đột biến gây khối u.

Vắc xin được tùy biến để nhắm vào những protein đặc trưng
cho tế bào ung thư của bệnh nhân.
Vắc xin được tùy biến để nhắm vào những protein đặc trưng cho tế bào ung thư của bệnh nhân.

Trước đây cũng đã có những nỗ lực nhằm phát triển loại vắc xin này, nhưng chúng tác dụng bằng cách nhằm vào những protein biểu hiện với mức cao trong một số ung thư - vấn đề với phương pháp này là những protein đó cũng có mặt ở tế bào khỏe mạnh. Do đó, rất khó tạo ra đáp ứng miễn dịch mạnh bằng phương pháp này.

Để tạo ra vắc xin mới, trước hết bộ gen của khối u cũng như của các mô khỏe mạnh ở bệnh nhân được giải trình tự, nhờ đó xác định được những protein đột biến - gọi là các tân kháng nguyên - chỉ có duy nhất ở khối u.

Sau đó, các thuật toán máy tính và xét nghiệm cận lâm sàng được sử dụng để dự kiến những tân kháng nguyên nào có nhiều khả năng nhất sẽ gây đáp ứng miễn dịch mạnh, có thể sử dụng trong vắc xin.

"Có thể hình dung mỗi tân kháng nguyên như một lá cờ trên tế bào ung thư," PGS Beatriz Carreno, tác giả chính của nghiên cứu giải thích.,"Khối u hắc tố (ung thư da) của mỗi bệnh nhân có hàng trăm lá cờ khác nhau. Trong quá trình xác minh những tân kháng nguyên vắc xin dự tuyển, chúng tôi có thể xác định được những lá cờ trên tế bào ung thư của bệnh nhân. Sau đó chúng tôi chế tạo những vắc xin tùy biến cho một nhóm lá cờ đã chọn trên khối u của bệnh nhân”.

3 bệnh nhân bị u hắc tố giai đoạn muộn đã được sử dụng vắc xin. Những bệnh nhân này trước đây đã mổ cắt khối u, nhưng tế bào ung thư đã di căn đến hạch lympho, thường dự báo ung thư sẽ tái phát. Sau khi tiêm vắc xin, bệnh nhân được lấy mẫu máu hằng tuần trong 4 tháng. Các nhà nghiên cứu thấy rằng các bệnh nhân đều tăng số lượng và sự đa dạng của tế bào T chống lại khối u.

Theo các nhà nghiên cứu, việc vắc xin kích thích sự nhân lên của tế bào T cho thấy phương pháp này có thể hoạt hóa một loạt tế bào T nhằm vào những đột biến trong ung thư phổi, ung thư bàng quang hoặc ung thư đại trực tràng, là những ung thư có tỷ lệ đột biến cao tương tự ung thư da.

Do thành công được báo cáo cho đến nay, thử nghiệm vắc xin giai đoạn 1 đã được FDA phê chuẩn sẽ nhận 6 bệnh nhân. Nếu thử nghiệm trên những bệnh nhân này xác nhận vắc xin là có hiệu quả, thì một ngày nào đó những vắc xin này có thể được dùng để kích thích đáp ứng miễn dịch tấn công ung thư sau phẫu thuật. Đáp ứng miễn dịch có thể truy lùng và tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại, ngăn không để bệnh tái phát.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng còn quá sớm để nói liệu vắc xin có hiệu quả về lâu dài hay không, vì nghiên cứu được thiết kế để đánh giá độ an toàn và đáp ứng miễn dịch. Tuy nhiên, không bệnh nhân nào trong thử nghiệm bị tác dụng phụ từ vắc xin cá nhân của mình.

Cẩm Tú

Theo Medicalnewstoday