Thử nghiệm thành công mạch máu nhân tạo
(Dân trí) - Các nhà khoa học đã phát triển một loại vật liệu tự tiêu sinh học mới để tạo ra những mạch máu nhân tạo tương thích với mô cơ thể hơn nhiều so với loại đang được sử dụng.
Sau khi thử nghiệm thành công trên chuột, nhóm nghiên cứu tin rằng nó sẽ dẫn đến việc sử dụng mạch máu nhân tạo nhiều hơn trên bệnh nhân.
Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Công nghệ Vienna và Trường Đại học Vienna, Áo đã mô tả cách thức chế tạo và thử nghiệm vật liệu mới trên tạp chí Acta Biomaterialia.
Tắc mạch máu có thể trở nên nguy hiểm rất nhanh chóng - đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hay gặp nhất ở các nước phát triển.
Thường thì sẽ cần thay thế mạch máu bị tắc - ví dụ trong phẫu thuật bắc cầu - bằng mạch máu lấy từ nơi khác của cơ thể hoặc bằng mạch máu nhân tạo.
Mạch máu nhân tạo thường được chế tạo từ những vật liệu tự tiêu sinh học sẽ dần dần kết hợp với các tế bào sống để tạo thành mô mới. Khi vật liệu nhân tạo tan đi, mô mới sẽ thế chỗ.
Tuy nhiên, các vật liệu sinh học hiện có không tương thích lý tưởng với mô cơ thể. Như các nhà nghiên cứu nhận xét “Các phương pháp hiện nay thường tỏ ra hạn chế về sức bền và do đó cần thành của đoạn mạch ghép dày hơn hoặc được gia cố”.
Một vấn đề khác với các vật liệu hiện có là nó có thể khiến mạch máu mới bị tắc, nhất là nếu mạch máu chỉ có đường kính nhỏ.
Các nhà nghiên cứu đã mô tả cách phát triển một loại polymer mới - được chế tạo từ polyurethane nhiệt dẻo - với những đặc tính cơ học được cải thiện hơn nhiều, có thể dùng để chế tạo các mạch máu rất giống với mạch máu tự nhiên.
Mạch máu nhân tạo được tạo ra bằng cách kéo polymer trong trường điện từ để tạo thành những sợi rất nhỏ, sau đó những sợi này được quấn quanh một ống lõi.
Lớp polymer có những lỗ rỗng, cho phép máu ngấm vào và bồi đắp các yếu tố tăng trường cho thành ống, thu hút sự di cư của các tế bào tự nhiên.
Thí nghiệm trên chuột cho thấy sau 6 tháng không có dấu hiệu phình mạch, tắc mạch hoặc viêm. Các tế bào nội mạc đã cư trú ở mạch máu nhân tạo và biến cấu trúc này thành mô tự nhiên của cơ thể.
Các nhà nghiên cứu rất ngạc nhiên khi thấy rằng mô tự nhiên của cơ thể tái tạo nhanh hơn nhiều so với dự đoán, nghĩa là có thể chế tạo lọi mạch máu tự tiêu nhanh hơn. Nhóm đang tim cách cải thiện vật liệu này hơn nữa.
Tuy còn cần các thử nghiệm tiền lâm sàng, song các nhà nghiên cứu lạc quan rằng vật liệu mới sẽ sẵn sàng để sử dụng ở người trong một vài năm tới.
Cẩm Tú
Theo Medicalnewstoday