Thót tim theo dõi "nhật ký" bệnh án dày cộp của thai phụ thường xuyên ngất xỉu
(Dân trí) - Từ thời điểm bắt đầu có thai, thai phụ được bác sĩ thay đổi thuốc tim mạch để không ảnh hưởng đến thai nhi. Sau 3 tháng đầu, cô phải chuyển đến ở trọ sát bệnh viện E để được bác sĩ tim mạch, bác sĩ sản theo dõi sát thai kỳ. Sau tập "nhật ký" bệnh án dày cộp, thai phụ đã mẹ tròn con vuông, bác sĩ, gia đình trút được nỗi lo suốt 9 tháng 10 ngày bệnh nhân mang thai.
Ngày 14/4 đánh dấu ngày đặc biệt, cả bác sĩ, người nhà sản phụ Nguyễn Thị Hiền (35 tuổi, Hải Dương) trút được nỗi lo khi em bé trào đời mẹ tròn con vuông.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Hiền (35 tuổi, ở Hải Dương) bị tim bẩm sinh phức tạp từ nhỏ. Cách đây 6 năm, chị đến khám và điều trị tại Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, tức ngực, môi và đầu chi tím tái.
Bệnh nhân không thể làm việc được, thậm chí nếu cố gắng làm việc bệnh nhân thường xuyên bị ngất xỉu…Bệnh nhân đã từng bị từ chối phẫu thuật do tim bẩm sinh một thất phức tạp.
Các bác sĩ Trung tâm tim mạch vẫn quyết định phẫu thuật giành lại sự sống cho bệnh nhân.
TS.BS Đỗ Anh Tiến – Phó khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực – Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E cho biết, sau ca mổ đầu tiên được thực hiện ngày 27/8/2013, khi bệnh nhân 29 tuổi, bệnh nhân phục hồi tốt. Vì thế, một năm sau, các bác sĩ Trung tâm tim mạch quyết định can thiệp thêm một lần phẫu thuật để giải quyết tình trạng tím tái, mệt mỏi của người bệnh để cô có cơ hội trở lại cuộc sống và lao động bình thường.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiến triển tốt và tiếp tục được theo dõi định kỳ. Trong thời gian này, bệnh nhân đã lập gia đình và có thai.
"Có thai là niềm hạnh phúc của các gia đình. Tuy nhiên, khi mang thai, quả tim hoạt động tăng lên gấp nhiều lần để đảm bảo quá trình hô hấp cũng như trao đổi chất cho sự phát triển của thai nhi. Vì thế, với bệnh nhân này, do quả tim chỉ có 1 tâm thất cho nên tần suất hoạt động nhiều hơn so với các sản phụ bình thường, sẽ khiến sản phụ rơi vào tình trạng mệt mỏi quá sức, tổn hao sức khỏe và có thể đối mặt với nguy cơ tử vong", TS Đỗ Anh Tiến cho biết.
Vì thế, bệnh nhân đã được chỉnh thuốc để không ảnh hưởng đến thai nhi. Các bác sĩ tim mạch, sản khoa phải phổi hợp với nhau để theo dõi, thăm khám định kỳ và tư vấn kịp thời đầy đủ cho bệnh nhân. 6 tháng cuối của thai kỳ, bệnh nhân phải trọ gần Bệnh viện E để tiện cho việc theo dõi thai kỳ.
BS Nguyễn Thùy Nhung, Phó khoa Phụ sản cho biết, trong suốt quá trình mang thai của sản phụ, các bác sĩ tim mạch và sản khoa của Bệnh viện E cùng với gia đình bệnh nhân “nín thở” theo dõi theo từng nhịp đập của tim thai và trái tim sản phụ. Điều đáng mừng, sức khỏe của người mẹ đã rất tốt để thai nhi phát triển đủ 9 tháng 10 ngày, không đối mặt với nguy cơ sinh non.
Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ quyết định mổ cho sản phụ. Theo nhật ký “bệnh án”, 10h20’ sản phụ được đưa vào phòng mổ. 11h45’ 14/4/2019 người mẹ đã nghe thấy tiếng khóc đầu đời của con trong niềm vui vỡ òa của tập thể thầy thuốc, bệnh nhân, người nhà người bệnh.
GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc BV E đánh giá, với việc sản phụ bị tim bẩm sinh sinh con khoẻ mạnh sẽ xóa bỏ hoàn quan điểm: phụ nữ bị bệnh tim thì không nên lấy chồng, nếu lấy chồng thì không nên mang thai, nếu có thai thì không nên sinh.
Bởi ngày nay, với những kỹ thuật phát hiện và điều trị tiên tiến về tim mạch hiện nay cho phép những người bệnh tim bẩm sinh có quyền làm vợ, làm mẹ mà không ảnh hưởng tới tính mạng.
"Tuy nhiên, quá trình mang thai bệnh nhân cần được theo dõi, kiểm soát chặt bởi cả bác sĩ tim mạch, sản khoa để đảm bảo sinh con an toàn, khoẻ mạnh", GS Thành nhấn mạnh.
Hồng Hải