“Thời gian vàng” giúp nạn nhân bị bỏng hạn chế tai biến
Theo các chuyên gia, việc sơ cứu ban đầu đúng cách khi bị bỏng rất quan trọng, có thể coi là “thời gian vàng” giúp nạn nhân hạn chế những tai biến.
Nhanh chóng làm mát vùng da bị bỏng
Mới đây vụ nổ biến áp trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông (Hà Nội) đã khiến 1 người chết, 4 người bị thương vẫn được cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc gia. Nguyên nhân được xác định sau đó là do máy biến áp tràn dầu gây cháy.
Theo BS Nguyễn Thống, Khoa Bỏng (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội), bỏng có thể do nhiều tác nhân. Các loại bỏng thường gặp bao gồm bỏng phóng xạ, bỏng do nhiệt, bỏng do điện và bỏng do hóa chất. Khi tai nạn bỏng xảy ra, việc cấp cứu thành thạo có thể tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm cho nạn nhân. Có nhiều ca bỏng nặng, rộng nhưng được cứu sống và để lại di chứng không đáng kể nhờ có sự cấp cứu ban đầu tốt. Tùy từng trường hợp bỏng mà có cách xử lý sơ cứu khác nhau.
Trường hợp nổ trạm biến áp ở Hà Đông các nạn nhân bị bỏng nhiệt chứ không phải bỏng điện. Cách tốt nhất sơ cứu ban đầu là nhanh chóng cách ly nạn nhân khỏi nguồn gây bỏng rồi dùng nước mát, sạch đổ lên vết thương. Điều này sẽ có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau phù nề, viêm nhiễm và mức độ sâu vết thương. Nếu không làm mát vết bỏng, nhiệt độ sẽ truyền qua da vào sâu các tổ chức bên trong khiến tổn thương càng trầm trọng, nguy cơ hoại tử cao. Việc sử dụng nước sạch để làm mát vùng bỏng chỉ có giá trị trong khoảng 30 phút đầu sau khi bị bỏng nên cần nhanh chóng ngâm vùng cơ thể bị bỏng vào nước mát. Trong trường hợp không thể ngâm cơ thể vào nước mát được, có thể dùng cách dội nước mát hoặc đắp khăn mát lên vùng bị bỏng khoảng 15 - 20 phút. Sau khi sơ cứu, nạn nhân cần được đưa đến bệnh viện sớm nhất để bác sĩ xử lý vì việc chẩn đoán và điều trị bỏng khá phức tạp.
Đối với bỏng do điện giật, việc sơ cứu hồi sức cho nạn nhân tại chỗ hết sức cần thiết. Sau khi tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện, không vận chuyển nạn nhân đi ngay khi bị bỏng. Cần thiết nhất là hô hấp nhân tạo cho nạn nhân tại chỗ cho đến khi nạn nhân thở lại mới vận chuyển đến cơ sở y tế.
Với bỏng nước không được cởi bỏ quần áo vì có thể dẫn tới việc lột da vùng bị bỏng, mà ngâm ngay phần cơ thể bị bỏng vào nước mát sạch, tuyệt đối không dùng nước đá. Sau đó băng nhẹ vết bỏng bằng gạc đã vô trùng và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không bôi bất kỳ loại thuốc hay chất gì lên vết bỏng.
BS Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, để xử lý đúng khi bị bỏng điều quan trọng cần phải đánh giá mức độ bị bỏng ra sao. Bỏng có 3 mức độ:
- Bỏng độ 1, là loại bỏng ít nghiêm trọng nhất, nó chỉ liên quan hay tổn thương tới lớp da ngoài cùng (thượng bì). Nó có thể gây đỏ, phù nề, đau.
- Bỏng độ 2, nghiêm trọng hơn có thể gây da đỏ, trắng hoặc nhem nhúa, phù nề, bọng nước. Nếu tổn thương bỏng độ 2 có đường kính không lớn hơn 7,6cm thì sơ cứu như bỏng nhẹ. Nếu tổn thương bỏng lớn hơn hoặc tổn thương ở bàn tay, bàn chân, mặt, háng, mông hoặc khớp lớn thì sơ cứu như bỏng nặng và đi cần chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
- Bỏng độ 3, liên quan tới tất cả các lớp da và tổ chức mỡ dưới da, cơ và thậm chí xương có thể bị ảnh hưởng. Các vùng bỏng có thể bị cháy đen hoặc có màu trắng. Người bị bỏng có thể gặp khó thở, ngộ độc khí.
Đối với bỏng nhẹ, làm mát tổn thương bỏng bằng nước mát hoặc dùng gạc lạnh làm mát vết bỏng. Tháo nhẫn hoặc bất cứ thứ gì thắt chặn khỏi vùng tổn thương bỏng thật nhanh và nhẹ nhàng trước khi vùng tổn thương bỏng phù nề. Không làm vỡ các bọng nước nhỏ, nếu bọng nước vỡ phải làm sạch nhẹ nhàng vùng tổn thương bằng xà bông và nước, bôi thuốc mỡ kháng sinh và che phủ tổn thương bằng một miếng băng gạc không dính.
Với bỏng nặng cần gọi cấp cứu ngay. Khi chờ đợi cấp cứu cần đưa nạn nhân ra khỏi nguồn nhiệt một cách an toàn. Che phủ tổn thương bỏng bằng cách phủ một khăn tắm ẩm, mát lên vùng tổn thương bỏng để bảo vệ cho tới khi có sự hỗ trợ. Không sử dụng nước đá hoặc ngâm nạn nhân trong nước lạnh. Điều này có thể gây hạ thân nhiệt hoặc làm tổn thưởng thêm các vùng nhạy cảm.
Sơ cứu sai lầm hậu quả nặng nề
Tai nạn bỏng có thể đe dọa đến tính mạng do mất nước, mất điện giải, sốc bỏng, nhiễm khuẩn vết thương, nhiễm khuẩn máu... Việc sơ cứu ban đầu rất quan trọng nhưng sơ cứu không đúng cách lại có thể khiến bệnh nặng thêm. Với trẻ nhỏ càng nặng nề hơn so với người lớn, do cơ thể trẻ đang trong giai đoạn phát triển. Những di chứng thường gặp sau bỏng là rối loạn sắc tố, ngứa, viêm da, sẹo xấu, gây co kéo cơ xương khớp, thậm chí để lại thương tật vĩnh viễn.
BS Lương Quốc Chính cho biết, nhiều người nghĩ rằng, khi bị bỏng nếu sử dụng nước đá lạnh sẽ nhanh chóng làm giảm tổn thương của vết bỏng. Tuy nhiên, chính tác dụng lạnh của các loại nước lạnh hoặc nước đá này sẽ càng khiến cho tổn thương bỏng nặng nề hơn. Bình thường cơ thể ở nhiệt độ 37oC, khi bị bỏng cơ thể đã bị mất nhiệt, cộng thêm với bị chườm đá lạnh sẽ khiến sự mất nhiệt tăng thêm. Thêm vào đó nạn nhân có thể bị bỏng lạnh lẫn vào bỏng nóng làm nặng thêm tình trạng bỏng.
Để xử trí khi bị bỏng, nhiều người cũng hay áp dụng bôi kem đánh răng lên vết bỏng, vì cho rằng kem đánh răng sẽ giúp giảm nhiệt. Thậm chí có một số người vội tự ý thực hiện cách rắc vôi bột chữa bỏng. Các chuyên gia cho hay, kem đánh răng hay vôi bột đều là các hóa chất chứa kiềm, khi gặp môi trường thuận lợi như các vết thương bỏng càng dễ xâm nhập gây biến chứng. Ngoài việc bỏng nhiệt, bệnh nhân còn có khả năng bị thêm bỏng kiềm. Với việc áp dụng biện pháp như dùng mỡ trăn, dầu cá, lòng trắng trứng, nước mắm… cũng cần thận trọng. Điều này rất dễ làm nạn nhân bị nhiễm khuẩn, bỏng sâu và sốc bỏng.
“Hiện nay, nhiều người chữa bỏng bằng các thuốc tạo màng nhưng đã có những trường hợp nhập viện vì tai biến do dùng thuốc không đúng. Cách này chỉ có hiệu quả với điều kiện bỏng nhẹ và phải thực hiện đúng vệ sinh, loại bỏ các tổ chức hoại tử trước khi dùng thuốc. Nếu không, tổn thương sẽ nặng thêm. Ngoài ra, một số thuốc bôi dạng tuýp được quảng cáo làm mất sẹo nhưng chỉ có tác dụng phần nào chứ không thể làm mất sẹo, kể cả loại đắt tiền”.
BS Nguyễn Thống
Theo Phương Thuận
Gia đình & Xã hội