Thời điểm nên thay các đồ dùng dễ nhiễm khuẩn
(Dân trí) - Hầu hết chúng ta chưa bao giờ nghĩ xem mình dùng chiếc thớt, chiếc thìa, đôi giày và thậm chí là lược chải đầu này bao lâu rồi. Mặc dù trông chúng rất sạch sẽ và vẫn dùng tốt nhưng chúng có thể ẩn chứa những vi khuẩn gây hại cho cơ thể.
Với sự hỗ trợ của các chuyên gia khoa học, chúng ta sẽ kiểm tra xem mình có thể làm sạch các đồ dùng trong nhà theo cách nào?
Các loại nấm mốc thường phát triển rất mạnh trong các loại giày vải, đặc biệt khi chúng thường xuyên ở trong điều kiện ấm áp, tối tăm như dưới gầm cầu thang, tủ quần áo….
Một nghiên cứu gần đây cho thấy lượng nấm mốc trong các đôi giày cũ cao gấp 100 lần so với trong nhà vệ sinh.
Những đôi giày chạy nhiễm khuẩn sẽ gây bệnh cho chân. Vì thế nên giặt giày mỗi tháng 1 lần với nước lạnh, xà phòng và phơi khô tự nhiên.
Thời điểm nên thay mới: 1 lần/năm hoặc đi được 1.600km.
Thìa gỗ
Theo chuyên gia về siêu vi của bệnh viện Barts và London John Oxford, gỗ là chất liệu xốp, có nhiều lỗ nhỏ li ti hơn so với nhựa hay kim loại và vì thế nó càng dễ trở thành nơi trú ẩn an toàn cho vi trùng và nấm mống hơn.
Đặc biệt, khi các vi khuẩn “thịnh hành” trong bếp như E.coli (thường tìm thấy trong thịt sống hay ở những trẻ có thói quen vệ sinh kém) nhiễm vào thìa gỗ thì có thể dẫn tới ngộ độc thực phẩm.
Đừng cho thìa gỗ vào trong máy rửa bát vì nó có thể bị gãy và lây lan vi khuẩn cho các đồ dùng khác. Thay vào đó, hãy ngâm nó trong nước kháng khuẩn khoảng nửa tiếng và rồi rửa với nước sôi.
Thời điểm nên thay mới: Sau 5 năm nhưng có thể sớm hơn nếu nó bị gãy hoặc bất kỳ phần nào của đồ vật bị xơ, mềm hay mủn ra. Vì đó chính là nơi lý tưởng cho những ổ vi khuẩn đáng sợ sinh sôi.
Bàn chải đánh răng
Nghiên cứu cho thấy có một loạt các bệnh nghiêm trọng, từ bệnh tim, đột quỵ, viêm khớp và các viêm nhiễm mãn tính khác liên quan với những bàn chải đánh răng “không hợp vệ sinh”.
Một nghiên cứu của ĐH Manchester cho thấy trung bình, 1 chiếc bàn chải có chứa tới 10 triệu khuẩn, bao gồm một tỉ lệ lớn là các khuẩn gây hại nghiêm trọng như khuẩn tụ cầu vàng (staphylococci), liên cầu khuẩn (streptococcus), E.coli và nấm candida.
Bạn không thể thấy các quần thể vi khuẩn này nhưng bạn có thể thấy lông bàn chải bị gãy, bẹp dúm vẹo vọ - một địa điểm lý tưởng để vi khuẩn trú ẩn.
Thời điểm nên thay mới: Mỗi 3 tháng
Lược chải đầu
Mỗi nang lược có chứa khoảng 50.000 vi khuẩn. Lược cũng là nơi “sưu tập” các loại tóc cũng như “hút” các loại bụi bẩn và chất nhờn.
“Cơ thể chúng ta cũng có rất nhiều vi khuẩn trên da và có thể lây từ người này sang người khác. Vì vậy các bệnh như chốc lở hay viêm da cũng thường phát triển các vết rộp hay viêm nhiễm ở mặt, cổ và tay có thể lan từ người này sang người khác qua lược chải. Lược cần được giặt bằng nước nóng, nước xà phòng mỗi tuần và phơi khô.
Thời điểm nên thay mới: Mỗi 4 năm nhưng cần thay sớm hơn nếu các lông chải bị cứng, có thể gây tổn thương da đầu.
Thớt nhựa
Một chiếc thớt nhựa tại nhà trung bình chứa lượng vi khuẩn nhiều hơn ghế nhà tắm gấp 50 lần.
Để làm sạch, cần xịt chất kháng khuẩn, rửa thớt với nước sôi. Có thớt dùng thái thịt sống và thớt thái thịt chín, rau quả riêng để ngăn ngừa khuẩn E.coli lan sang các món sa lá hay hoa quả.
Nếu thớt bắt đầu có nhiều vết cắt thì đó là lúc cần phải thay mới vì các vết cắt trên thớt chính là nơi trú ẩn lý tưởng của vi khuẩn.
Thời điểm nên thay mới: Mỗi 3 năm.
Nhân Hà
Theo Dailymail