Thịt trắng hay thịt đỏ tuyệt hơn?
Thịt trắng và thịt đỏ, loại nào tốt hơn vẫn còn là ẩn số gây tranh cãi. Thực hư vấn đề này ra sao?
Điểm cộng” của thịt
Thịt đỏ là các loại thịt như thịt bê, thịt bò, thịt cừu, thịt trâu, thịt lợn, thịt ngựa. Lợi thế của thịt đỏ là có chứa nhiều vitamin B12 (giúp sản sinh DNA, nuôi dưỡng các tế bào thần kinh và hồng cầu), niacin và vitamin B6. Thịt bò và thịt lợn dồi dào hàm lượng protein, sắt và kẽm. Đơn cử như thịt bò có chứa hàm lượng kẽm nhiều gấp 11 lần so với cá ngừ và gấp 3 lần lượng sắt so với cải bó xôi. Thịt đỏ còn chứa những axit béo có lợi cho sức khỏe như omega 3, omega 6. Ngoài ra, thịt đỏ có hàm lượng chất sắt cao, một thành phần mà các thiếu nữ hay phụ nữ ở độ tuổi sinh sản thường hay thiếu.
Thịt trắng gồm các loại thịt như cá, thịt gà, vịt, ngan, ngỗng... Thịt trắng cũng có sự “hội tụ” của nhiều loại vi chất có lợi cho sức khỏe. Thịt trắng đặc biệt có chứa nhiều protein dễ được cơ thể hấp thụ, nhất là protein trong cá. Thịt trắng không nhiều năng lượng nhưng lại dồi dào chất béo không bão hòa, là chất béo có lợi cho sức khỏe. Vì thế thịt trắng là sự lựa chọn hoàn hảo cho những người đang thực hiện chế độ ăn uống giảm cân, giảm cholesterol và những người muốn áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh.
Thịt đỏ yếu thế hơn thịt trắng
Thịt trắng ít cholesterol hơn thịt đỏ: Một nghiên cứu kiểm tra sự thay đổi của hàm lượng cholesterol trong máu sau khi sử dụng thịt đỏ và thịt trắng được thực hiện bởi các chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe Chicago - Hoa Kỳ với sự tham gia của 200 nam nữ. Họ được yêu cầu bổ sung vào chế độ ăn uống trong vòng 5 - 7 ngày/ một tuần với lượng thịt như sau: nhóm thứ nhất tăng cường 170 gam thịt bò, thịt bê hoặc thịt lợn mỗi ngày. Còn nhóm thứ hai bổ sung vào chế độ ăn uống 179 gam thịt gà hoặc cá mỗi ngày. Kết quả, hàm lượng cholesterol xấu trong máu của nhóm thứ nhất giảm 1,7% trong khi con số này ở nhóm thứ 2 là 2,9%.
Trên thực tế, người ăn nhiều thịt đỏ dễ bị “lôi cuốn” vào những món ăn chế biến không lành mạnh, kiểu nướng, chiên, rán... Chất béo bão hòa trong thịt đỏ có mối liên quan đến chứng ung thư vú và ruột. Ngoài ra, một dạng sắt trong thịt đỏ có thể tạo thành hợp chất phá hủy tế bào dẫn đến ung thư...
Cân bằng là cách tốt nhất
Nên ăn thịt trắng hay thịt đỏ? Câu trả lời sẽ là nên ăn cả hai loại thịt vì mỗi loại đều có những ưu thế riêng giúp cơ thể được bổ sung và tận thu đa dạng những loại dưỡng chất. Tuy vậy, bạn nên biết cách cân bằng, không “phân biệt đối xử” với riêng một loại thịt nào. Không nên ăn thịt đỏ có nhiều mỡ, còn với thịt trắng nên bỏ da khi ăn sẽ hạn chế được những tác hại không mong muốn. Nếu trong chế độ ăn uống của bạn chỉ có sự tham gia của một lượng thịt đỏ vừa phải sẽ cũng cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể mà không có rủi ro ảnh hưởng sức khỏe hay bất kỳ tiêu cực nào khác. Cũng cần lưu ý đến cách chế biến lành mạnh, không nên ăn tái, ăn sống, ăn gỏi. Hạn chế tối đa tần suất thưởng thức những món thịt nướng vì nguy cơ ung thư rất cao, hạn chế chế biến thịt theo kiểu chiên, rán, thêm dầu mỡ...
Theo Hà Đan
Sức khỏe & An toàn thực phẩm