Thiếu thuốc điều trị ung thư cho bệnh nhi

Tại BV Ung Bướu TPHCM, nhiều loại thuốc điều trị ung thư cho trẻ bị thiếu hụt từ nhiều tháng nay. Bệnh nhân phải tự mua bên ngoài với giá cao gấp nhiều lần.

 

Bệnh nhi nghèo đang chờ điều trị ung thư máu tại BV Ung Bướu TP.HCM

Bệnh nhi nghèo đang chờ điều trị ung thư máu tại BV Ung Bướu TP.HCM

 

Thuốc giá rẻ “khan hiếm”

 

Cách đây một tuần, BV Ung Bướu rơi vào tình trạng thiếu thuốc chích Endoxan dùng điều trị bệnh ung thư phần mềm (cơ, gân, dây chằng), ung thư hạch. Giá mỗi lọ thuốc Endoxan 200mg khoảng 150.000 - 200.000đ/lọ, nhưng khi thiếu thuốc, người bệnh phải mua bên ngoài với giá 260.000đ/lọ.

 

Mỗi tuần, Khoa Ung bướu nhi, BV Ung Bướu TP.HCM có từ 70 - 80 ca hóa trị. Thế nhưng, ba tháng nay, BV thiếu thuốc chích Cytosar, Alexan (cùng hoạt chất cytarabine) bơm tủy sống, dùng điều trị cho bệnh nhi ung thư máu. Trong một liệu trình điều trị thì mỗi trẻ phải dùng đến 16 ngày, mỗi ngày một lọ, với giá khoảng 100.000đ/lọ. Tương tự, thuốc Procarbazin 50mg/viên dù có trong danh mục bảo hiểm y tế thanh toán nhưng BV Ung Bướu cũng bị "cháy hàng" nhiều ngày qua. Loại thuốc này dùng điều trị bệnh ung thư hạch (loại không có Hodgkin). Trong khi, giá thuốc Procarbazin tại nhà thuốc BV chỉ có giá khoảng vài ngàn đồng nhưng người bệnh ra ngoài mua đến 180.000đ/viên. Theo phác đồ điều trị, mỗi ngày trẻ phải uống từ một-hai viên trong suốt 15 ngày.

 

Một bác sĩ BV Ung Bướu cho biết, giá thuốc của BV luôn bán cho người bệnh gần bằng với giá nhập kho; trong khi nhu cầu người bệnh không nhiều, nếu dự trữ nhiều, khi hết hạn dùng phải tiêu hủy. Thuốc thiếu hụt chủ yếu là thuốc giá rẻ, sản xuất ít có lãi và khi gần hết thuốc, các hãng dược chỉ báo trước vài ngày cho BV. Ngược lại, với thuốc điều trị đắt tiền có giá vài triệu đồng/lọ, dùng với tần suất cao thì hiếm khi nghe các công ty báo hết hàng. "Các công ty dược cần phải có đạo đức kinh doanh, nếu được lợi nhuận cao từ mặt hàng thuốc đắt tiền phải quan tâm đến cả các thuốc ít lợi nhuận hơn" - vị bác sĩ này nói.

 

Bộ Y tế cần có giải pháp cụ thể

 

BS Ngô Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Ung bướu nhi, BV Ung Bướu TP.HCM giải thích, BV cũng có quỹ sổ vàng dùng hỗ trợ cho bệnh nhân những lúc khó khăn, thế nhưng với giá thuốc ngoài thị trường quá cao như vậy, BV không thể gánh nổi. Đôi lúc ngay cả bên ngoài thị trường cũng thiếu hụt nguồn thuốc điều trị. Hiện nay, các thuốc bị thiếu hụt chủ yếu là thuốc vốn có giá rẻ.

 

Hơn nữa, số lượng bệnh nhi ung thư sử dụng các loại thuốc này rất ít, nhà nhập khẩu không lợi nhuận nhiều nên "thờ ơ", dẫn đến thiếu thuốc, trong khi tại Việt Nam vẫn chưa sản xuất được các loại thuốc này. Theo BS Thanh Thủy, để giải quyết hậu quả thiếu thuốc, trong phác đồ điều trị, bác sĩ sẽ bỏ loại thuốc đang bị thiếu, thời gian điều trị bị rút ngắn lại.

 

Tuy nhiên, việc thiếu một loại thuốc trong phác đồ điều trị sẽ ảnh hưởng khá lớn, vì các loại thuốc này sẽ bổ sung, tương tác cho nhau để diệt tế bào ung thư. Mặt khác, chỉ với những phác đồ có từ bốn loại thuốc trở lên mới có thể bỏ đi loại thuốc thiếu hụt. Hoặc bác sĩ sẽ thay đổi phác đồ điều trị, tuy nhiên, phác đồ mới này thường không ưu việt bằng phác đồ hiện tại, tác dụng phụ của thuốc nhiều hơn.

 

BS Thanh Thủy khuyến cáo, nguy hiểm trong việc thiếu thuốc còn dẫn đến tình trạng kháng thuốc, vì có những bệnh nhi với cơ địa dễ kháng thuốc, chỉ sau vài đợt hóa trị, các tế bào ung thư gần như bị tiêu diệt sẽ bùng phát hạch trở lại.

 

Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM khẳng định, tất cả các loại thuốc điều trị ung thư đưa vào danh mục BHYT đều được các BV tại TP.HCM trúng thầu. Nếu BV nào thiếu thuốc thì có thể mượn thuốc từ các BV khác cũng trúng thầu loại thuốc đó. Còn trong trường hợp các BV đều thiếu thuốc thì có thể do nhu cầu sử dụng của người bệnh tăng bất thường dẫn đến hết thuốc dự trữ. Trong trường hợp này, người bệnh có thể mua bên ngoài thị trường, BHYT sẽ chi trả lại dựa trên hóa đơn mua thuốc, tuy nhiên, nếu mua ở các tiệm thuốc tây không có hóa đơn thì BHYT sẽ không chi trả.

 

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, vì thế, các bác sĩ đề nghị Bộ Y tế nên có chiến lược trong việc dự trữ các thuốc đặc trị bệnh ung thư, tránh tình trạng thiếu thuốc diễn ra, đặc biệt là với các loại thuốc có giá rẻ.

 

Theo Văn Thanh

Phụ nữ online