1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhi: chỉ thiếu thuốc hiếm

(Dân trí) - Thực tế, tình trạng “đứt thuốc” chữa trị cho bệnh nhi ung xảy ra vài tháng nay tại BV Ung Bướu TPHCM chỉ xảy ra ở nhóm thuốc hiếm và nếu không tìm ra thuốc, các bác sĩ đều có phác đồ thay thế để đảm bảo quá trình điều trị cho bệnh nhi.

 Mua thuốc cũng phải “hên xui”

 

Chị Bích Nga quê ở Kom Tum tay xách nách mang vào BV Ung Bướu chữa bệnh cho con bị ung thư máu gần 1 năm nay. Trong toa thuốc bác sĩ cho cần thuốc Idarubicin 100mg nhưng quầy thuốc của bệnh viện không có chị phải tìm mua ở ngoài. Nghe xe ôm mách nước chợ thuốc ở đường Tô Hiến Thành thuốc gì cũng có chị vội sang tìm thì chỉ nhận được cái lắc đầu của tất cả các dược sĩ bán thuốc trong chợ. Chị Nga sang nhà thuốc bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Truyền máu Huyết học vẫn không có, chị bắt xe ôm đi lanh quanh khắp thành phố, hễ có nhà thuốc nào lớn là ghé vào hỏi mua dù hi vọng rất mỏng manh.

 

May mắn hơn chị Nga, chị Huyền mẹ cháu Minh Duy (10 tuổi) bị ung thư máu, tìm mãi cũng mua được Alexan 500mg với giá “cắt cổ” 800.000 đồng. Bình thường, giá Alexan 100mg ngoài các quầy thuốc là 200.000 đồng trong khi giá niêm yết ở bệnh viện Ung Bướu chỉ 62.000 đồng/1 lọ. Chị Huyền chia sẻ “mỗi tuần cháu vô thuốc 3 lần mỗi lần cần 70mg, mua loại 500mg chỉ dùng khoảng 140mg số còn lại đem bỏ vì thuốc dùng lâu không được, nhưng có thuốc là may rồi không phải lúc nào cũng có để mà mua đâu”.

 

Bị động nguồn thuốc gây trở ngại cho việc điều trị ung thư cho bệnh nhi

Bị động nguồn thuốc gây trở ngại cho việc điều trị ung thư cho bệnh nhi

 

Tuy nhiên cũng có trường hợp không phải tự mua ngoài như bệnh Trần Quốc Toản (11 tuổi) bị bướu ác ở tim, chung thất mang phổi, điều trị 7 tháng nay tại BV Ung Bướu. Chị Lệ Xuân, mẹ em Toản nói từ khi Toản nhập viện đến giờ chị chưa ra ngoài mua thuốc lần nào, thuốc điều trị đều có trong bệnh viện. Nếu có thì chỉ mua thuốc nhẹ tiền khoảng vài chục ngàn, không phải thuốc trị ung thư. Toản có bảo hiểm y tế nên gia đình chỉ đóng viện phí.

 

Chỉ xảy ra ở nhóm “thuốc hiếm”

 

Ngày 25/12, trao đổi với phóng viên Dân trí, dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung, Trưởng Khoa Dược BV Ung Bướu cho biết, những trường hợp thiếu thuốc trên là trường hợp đặc biệt rơi vào nhóm “thuốc hiếm”. Đây là những thuốc có nhu cầu rất ít nằm trong danh sách thuốc hiếm của Sở Y tế.

 

Tình trạng “đứt thuốc” ở xảy ra vài tháng nay, nguyên nhân là do phía công ty dược không cung ứng kịp thuốc cho bệnh viện. Hiện có hai loại là Alexan, Cytosar (Arycytine 100mg, 500mg) và Purinethol (Mercaptopurin 50mg) điều trị bạch cầu cấp là đang gây khó khăn cho bệnh viện. Riêng thuốc Endoxan 200mg, 500 mg là loại thuốc điều trị cơ bản trong nhiều phát đồ đã được bổ sung từ ngày 13/12.  Bệnh viện đã liên hệ với công ty dược ngoài thầu hỗ trợ tìm thuốc để phục vụ cho bệnh nhân.

 

Bác sĩ Ngô Thị Thanh Thủy, Trưởng Khoa ung bướu nhi cho biết, có những loại thuốc hiếm ngay từ đầu đấu thầu đã không không có công ty nào tham gia thầu. Ví dụ như thuốc Procarbazine có trong phát đồ điều trị bệnh Lymphom Hodgkin (ung thư hạch) chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong bệnh ung thư cho trẻ em. Một năm tại Khoa chỉ có khoảng 15 ca trong 600 - 700 ca ung thư nên số lượng dùng thuốc không đáng kể, có thể bỏ loại thuốc này vì tìm cũng không có, hoặc tìm có thì giá thuốc đắt hơn rất nhiều lần.

 

Ngay cả Mĩ, nước sản xuất ra rất nhiều loại thuốc thì những loại thuốc hiếm vẫn thiếu chứ không riêng gì Việt Nam.

 

Bác sĩ Thủy cũng cho biết thêm, một phát đồ điều trị có nhiều loại thuốc, mỗi loại thuốc chỉ là một phần trong phát đồ, nếu thiếu một loại thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến quá trình điều trị. Nếu ảnh hưởng, sẽ dùng phát đồ khác phù hợp để thay thế.

 

Các phát đồ điều trị ung thư tại Khoa nhi ung bướu hiện nay đều theo phát đồ thuốc của các nước có nền y học phát triển như Mĩ, Nhật, Úc, Đức… Việt Nam cũng chưa tự sản xuất thuốc điều trị ung thư cho nên những loại thuốc có trong phát đồ phải nhập từ nước ngoài dẫn đến tình trạng bị động nguồn thuốc như hiện nay.

 

Như Thư