TPHCM:

Thiếu nước sạch, nạn nhân ổ bệnh tiêu chảy cấp gia tăng

(Dân trí) - Ổ bệnh tiêu chảy cấp trên địa bàn huyện Bình Chánh tiếp tục gây họa cho hai nạn nhân khác. Nguồn nước sạch vẫn chưa vươn tới, tình trạng người dân dùng nước ao tù, ô nhiễm cho sinh hoạt vẫn diễn ra, nguy cơ dịch bệnh lây lan đang hiện hữu.

Như thông tin Dân trí đã đưa, trong khoảng thời gian từ ngày 8 -22/7 tại tổ 8, ấp 1, xã Lê Minh Xuân thuộc huyện Bình Chánh xuất hiện ổ bệnh tiêu chảy cấp khiến một bệnh nhi 10 tháng tuổi tử vong và 6 người khác phải nhập viện điều trị.
 
Sau khi được báo cáo về chùm ca bệnh trên, Sở Y tế đã vào cuộc với nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch như cải thiện môi trường, truyền thông nâng cao ý thức, kêu gọi địa phương cung cấp nước sạch cho người dân.

Người dân đang phải tiếp tục sử dụng nước ao, nước sông cho sinh hoạt 
Người dân đang phải tiếp tục sử dụng nước ao, nước sông cho sinh hoạt 

Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng người dân sử dụng nguồn nước ao tù cho sinh hoạt vẫn đang diễn ra. Ngày 24/7, tại hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hải, (sống cạnh gia đình vừa có cháu bé xấu số tử vong vì tiêu chảy cấp) bà vẫn sử dụng sàn gỗ làm ghé ra ao cá để ngồi rửa bát đũa.
 
“Chúng tôi phải mua nước sinh hoạt với mức giá 35.000 đồng một khối, kinh tế gia đình eo hẹp, nếu làm gì cũng dùng nước sạch thì mỗi tháng phải trả hàng trăm nghìn tiền nước. Biết rằng, sử dụng nước ao là mất vệ sinh nhưng đành phải chấp nhận”.

Theo thống kê của chính quyền địa phương, hiện có 24 hộ dân đang sinh sống trong khu vực thuộc đất dự án của nông trường Lê Minh Xuân. Người dân tại đây không được cấp số nhà, đất thuộc dự án nên nguồn nước sạch của thủy cục không vươn tới. Chỉ một vài hộ may mắn sống gần khu dân cư xin đấu nối được với nguồn nước sạch từ hộ gia đình khác, phần lớn các hộ dân còn lại phải chịu cảnh mua nước với giá “cắt cổ” 35.000 đồng/khối do một cơ sở khoan giếng rồi bơm nước lên bán lại.

Ông Nguyễn Văn Tạo, tổ trưởng tổ 8 cho biết: “Nước quá đắt nên nhiều hộ gia đình không dám dùng cho mọi sinh hoạt. Nước sạch mua về chủ yếu chỉ phục vụ cho việc nấu ăn, từ rửa rau, làm thức ăn như thịt cá hoặc tắm giặt đều dùng nước ao. Nhưng ao ở khu vực này toàn ao tù, nước đọng, có phân gia cầm, phân heo từ trên bờ xả xuống, thậm chí là nhà vệ sinh ngay trên mặt ao... để nuôi cá”.

Việc tuyên truyền ý thức phòng bệnh chưa thấm vào dân
Việc tuyên truyền ý thức phòng bệnh chưa "thấm" vào dân

Tại huyện Bình Chánh, không chỉ xã Lê Minh Xuân mà hàng loạt xã khác tình trạng tương tự cũng đang xảy ra. Trưởng phòng Y tế huyện Bình Chánh, ông Nguyễn Thanh Sơn cho hay, chiều 24/7 UBND huyện tổ chức họp nhằm chỉ đạo các hoạt động liên quan đến bệnh tiêu chảy cấp tại xã Phong Phú, Bình Hưng và một số xã khác có môi trường sống hiện là nguy cơ cao với sự bùng phát bệnh này. Trên 16 xã/thị trấn thuộc huyện Bình Chánh đang tồn tại nhiều dự án “treo” người dân phải sống trong môi trường rất mất vệ sinh và thiếu nguồn nước sạch.

Sở Y tế đã đề nghị huyện Bình Chánh cải thiện môi trường vệ sinh, hỗ trợ nước sạch phục vụ cho sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, công tác trên khó có thể diễn ra trong “một sớm một chiều”. Nhiều năm qua, người dân sống trong khu vực đất thuộc nông trường Lê Minh Xuân đã “khao khát” được cung cấp nước nguồn nước từ thủy cục. Nhưng, khu vực này là đất dự án theo kế hoạch sẽ khởi công vào năm 2015 nên thủy cục không chấp nhận cung cấp nước sinh hoạt.

Trong lúc chính quyền địa phương đang “loay hoay” tìm phương án hỗ trợ thì nạn nhân của ổ bệnh tiêu chảy cấp tiếp tục gia tăng. BS Lại Phước Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Bình Chánh cho biết, từ ngày 22 đến ngày 24/7 tại ổ bệnh tiêu chảy cấp phát hiện thêm hai người mới mắc. Nạn nhân là T.M.L. (SN: 1985) và T.N.Q. (SN: 2011).

Gia đình bé N.Q. cho biết, sáng 23/7 cháu đi cầu phân lỏng, có màu vàng nên chuyển tới trạm Y tế xã kiểm tra. Bác sĩ xác định cháu đã nhiễm vi khuẩn tiêu chảy cấp nên yêu cầu nằm lại để theo dõi điều trị. Riêng trường hợp bệnh nhân M.L. dù đã mắc bệnh nhưng không chịu đi điều trị nên trạm y tế xã phải cử người xuống tận nhà để khám và phát thuốc. Số ca bệnh tiếp tục gia tăng, nhưng nỗ lực tuyên truyền phòng chống dịch bệnh của địa phương chưa kịp “thấm” vào cộng đồng, nguy cơ bùng phát tiêu chảy cấp trên diện rộng đang ở mức báo động.

Vân Sơn