Thiếu nhẫn nhịn, ngàn lần hối tiếc!

Chỉ riêng Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, mỗi tháng đã tiếp nhận 50-60 trường hợp đứt nát gân, cơ ở cánh tay. Thời gian gần đây, những trường hợp tổn thương như đứt gân, cơ, động mạch cánh tay của giới mày râu xuất hiện ngày càng nhiều. Điều đáng nói là khởi đầu của các tai nạn này thường chỉ là những lời qua tiếng lại nhỏ nhặt trong sinh hoạt gia đình.

Ngày nào cũng có nạn nhân

Ca mới nhất vừa được Bệnh viện (BV) Chấn thương Chỉnh hình TP HCM tiếp nhận cứu chữa giữa đêm khuya là anh H.H.T (36 tuổi; ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM). Anh T. bị chấn thương cánh tay khá nặng, đứt gân, cơ và cả động mạch... với một lý do hết sức đơn giản: về nhà hơi khuya.

Hôm đó, anh T. có đi uống bia với bạn rồi về nhà trễ hơn bình thường chút ít. Khi về, vợ anh không ngừng cằn nhằn, dù anh cố giải thích là chỉ ham vui với các bạn nhưng bà xã vẫn không nghe. Sau đó, giữa vợ chồng họ xảy ra cãi vã, càng lúc càng to tiếng. Sẵn có hơi men và trong giây phút nóng giận, anh T. vung tay đấm thẳng vào cái tủ kiếng trước mặt khiến cánh tay lọt thỏm vào trong. Thay vì từ từ rút tay ra khỏi mặt kiếng vỡ bén nhọn nham nhở, anh T. lại rút tay nhanh một cách bất cẩn nên cánh tay bị những miếng kiếng xé toạc da cơ, đứt luôn cả động mạch, máu tuôn xối xả...

Một trường hợp bị kiếng cắt tay được các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) phẫu thuật
Một trường hợp bị kiếng cắt tay được các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) phẫu thuật

Vừa say xỉn vừa mất nhiều máu, khi được chuyển đến BV cấp cứu giữa đêm khuya thì anh T. không còn kiểm soát nổi bản thân. Các bác sĩ lập tức cấp cứu bằng cách cầm máu, làm sạch vết thương, nối lại động mạch. Ngoài ra, còn phải làm cho người đàn ông này tỉnh lại mới thực hiện phẫu thuật nối gân cơ, dây thần kinh bị đứt và gắp những mảnh kiếng li ti trong cánh tay. Phải sau gần 4 giờ phẫu thuật dưới kính hiển vi, cánh tay rách nát của người đàn ông này mới được cứu. Đây không phải là trường hợp tổn thương cánh tay nặng duy nhất được cứu chữa kịp thời. Các BV chuyên về cơ xương khớp, chuyên khoa chấn thương chỉnh hình trên địa bàn TP HCM như Chợ Rẫy, Nhân dân 115, ITO, STO... cũng thường tiếp nhận cấp cứu những ca tai nạn kiểu như thế này. Chỉ riêng BV Chấn thương Chỉnh hình, theo bác sĩ Phan Dzư Lê Thắng ở Khoa Vi phẫu tạo hình, người đã phẫu thuật cho anh T. nói trên, hầu như ngày nào tại đây cũng tiếp nhận các ca tai nạn chi trên mà nạn nhân hầu hết là nam giới. Điều đáng báo động là con số nhập viện thời gian gần đây không ngừng tăng, có tháng từ 50-60 ca. Trong khi đó, TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, cho hay trong số hàng chục ca tổn thương cánh tay, bàn tay mà BV tiếp nhận, số ca do tai nạn từ sự bất đồng trong gia đình chiếm 20%.

Tổn thương phức tạp

Theo các chuyên gia, những tai nạn tổn thương cánh tay của đàn ông xảy ra trong gia đình ngày càng nhiều. Điều đáng nói là gốc rễ của những bi kịch này chỉ là bất đồng nhỏ nhặt trong quan hệ gia đình. Từ sự thiếu chia sẻ, nhẫn nhịn, ứng xử không phù hợp, mất bình tĩnh của những người thân trong nhà (thường là phụ nữ) cộng thêm phút thiếu kiềm chế, nhất là khi người đàn ông không thể kiểm soát bản thân (khi có uống bia rượu) đã dẫn đến những bi kịch khôn lường.

Bác sĩ Thắng cho biết chấn thương ở cánh tay do bị kiếng cắt là dạng tổn thương rất nghiêm trọng và phức tạp do đứt khá nhiều bộ phận bên trong như gân, cơ, dây thần kinh, động mạch, tĩnh mạch. Nếu chuyển đến BV muộn sẽ gây bất lợi cho việc cứu chữa nạn nhân. Tuy có thể được chữa trị song các nạn nhân phải chịu hậu quả nặng nề về thể chất, mất nhiều thời gian tập vật lý trị liệu để phục hồi vận động. Theo TS-BS Nguyễn Đình Phú, tùy mức độ tổn thương cánh tay mà cách xử trí cũng như thời gian phục hồi khác nhau. Không phải ai sau phẫu thuật cũng ổn mà còn phải trải qua giai đoạn tập vật lý trị liệu mới mong phục hồi. Đối với những tổn thương nhẹ thì ít mất thời gian phẫu thuật nối lại. Còn với những tổn thương nặng như bị đứt nhiều gân, cơ, động mạch, tĩnh mạch, hệ thống cơ gấp, cơ duỗi... thì thời gian để xử trí phải mất từ 4-6 giờ dưới kính hiển vi.

Giới chuyên môn cảnh báo tổn thương cánh tay là dạng tổn thương rất nặng nề, cả về thể chất và tinh thần. Chỉ vì những khoảnh khắc bốc đồng mà phải chịu tổn thương, nguy cơ thành phế nhân, sự nghiệp sụp đổ, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội là điều đáng tiếc. “Vì vậy, những người thân trong gia đình cần ứng xử với nhau sao cho hòa thuận và có văn hóa. Câu nói “một sự nhịn, chín sự lành” của ông bà ta ngày xưa xem ra thật chí lý, nhất là trong bối cảnh tình trạng bạo lực gia đình và ngoài xã hội có chiều hướng gia tăng” - một chuyên gia nhấn mạnh.

Cánh tay tổn thương: Chỉ phục hồi 70%-80%

Bác sĩ Nguyễn Đình Phú cho biết khi đã nối lại thì chức năng cánh tay bị tổn thương chỉ đạt 70%-80% chứ không thể phục hồi như xưa. Việc tập luyện để phục hồi cũng tốn nhiều thời gian, công sức. Nếu bị nhẹ, phải tập luyện trung bình từ 3-6 tháng sau phẫu thuật; trường hợp nặng phải kéo dài cả năm, thậm chí lâu hơn. Có trường hợp do tổn thương quá nặng phải phẫu thuật lần hai mới nối xong hệ thống vốn phức tạp trong cánh tay.

Theo Nguyễn Thạnh

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm