1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thiêu hủy sữa nhiễm melamine là hạ sách

(Dân trí) - Đây là quan điểm được nhiều nhà khoa học đồng tình trong buổi Hội thảo khoa học về Xử lý thực phẩm có melamine đang bị thu giữ, sao cho đảm bảo giá thành rẻ, có lợi nhất và không xâm hại đến môi trường do Hội Y tế Công cộng (HYTCC) TPHCM tổ chức.

Có nhiều đề nghị tận dụng số sữa bột nhiễm melamine cho các mục đích khác, có thể đem lại lợi ích. Vì theo các nhà khoa học bản thân melamine không gây độc ở liều thấp (hầu hết các sản phẩm đều nhiễm melamine ở liều thấp), do khả năng thải của thận, chỉ gây độc chủ yếu khi hình thành muối melamine cyanurate. 50% melamine được bài tiết qua nước tiểu sau 6 giờ. Melamine cũng không lan truyền thông qua “chuỗi thức ăn” trong hệ thống sinh thái.

 

Một số nghiên cứu của cơ quan FDA (Hoa Kỳ) năm 2007 cho biết: Không thấy có ảnh hưởng cho con người khi ăn thịt gia súc, gia cầm, trứng, cá có sử dụng melamine. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng việc đem đốt là hạ sách.

 

Với số lượng hơn 380 tấn sữa bột nguyên liệu nhập từ Trung Quốc đã được xác định là nhiễm melamine, GS Phạm Đình Hổ, chuyên gia Hóa cho biết: “Melamine không nên dùng trong thực phẩm. Tuy nhiên nên tái sử dụng số sữa bột trên qua 3 hình thức gồm: trộn thêm melamine vào số sữa bột nhiễm trên rồi đem dùng làm thuốc diệt chuột, đây là phương cách lấy độc trị độc.

 

Thứ hai, dùng phương cách tách bơ, tách kem ra khỏi bột sữa sau đó cung cấp cho các cơ sở sản xuất ra keo công nghiệp, phương cách này đưa melamine trở lại đúng tính năng tuy nhiên hơi hao tốn.

 

Ngoài ra, có thể dùng bào tử mốc để trộn với bột sữa, rồi giao cho các cơ sở sản xuất sản phẩm vi sinh là cách tái sử dụng thứ 3.

 

GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó chủ tịch HYTCC, phó chủ tịch Hội Liên hiệp các HKHKT cũng cảnh báo melamine rất bền về mặt hóa học và bền nhiệt. Do đó, để melamine bị phân hủy ở môi trường axit melamine cần nhiệt độ cao từ 245 - 275oC, còn trong môi trường bazơ kiềm là phải từ 120 - 200oC.

 

TS Trương Thanh Cảnh, trường ĐH KHTN TPHCM đề xuất một số hướng tận dụng nguồn thực phẩm có chứa melamine cho các mục đích không phải cho con người như làm thức ăn cho cá cho gia súc cũng như với động vật nhai lại trâu, bò (vì loại động vật này sẽ chuyển hóa được melamine thành urea, sau đó urea được tổng hợp thành protein).

 

Hay tận dụng số hàng này như một nguồn dinh dưỡng cho động vật vì các thực phẩm này có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho động vật. Nhưng đây chỉ là cách tận dụng số sữa bột đã nhập, không khuyến khích nhập mới để dùng theo cách này.

 

Với phương thức tiêu hủy được Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Sở Y tế TPHCM phê duyệt, 18 tấn sữa Yili nhiễm Melamine đã được cho vào bồn lớn trộn với mùn cưa, sau đó cho vào lò đốt và sau đó chất muội than sẽ được nén thành khối mang đi chôn.

 

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Công ty Môi trường Việt Úc, khẳng định phương thức tiêu hủy 18 tấn sữa YiLi là an toàn và bảo đảm môi trường. Ông Quang cũng cho biết có thể áp dụng hình thức tiêu hủy khác bằng phương pháp sinh học.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang nhấn mạnh: “Ssữa thành phẩm nhiễm melamine đều phải hủy. Sắp tới 66,5 tấn sữa thành phẩm nhập từ Trung Quốc của Hanoimilk sẽ bị tiêu hủy, riêng 18 tấn sữa Yili đã được hủy hôm qua. Đến giờ phút này Bộ Y tế sẽ không ban hành giới hạn an toàn của melamine trong sữa cũng như thực phẩm”.

 

Được biết, Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN cũng đã đưa ra công bố chung là không chấp nhận melamine trong bất kỳ thực phẩm nào. Đây cũng là quan điểm thống nhất của 8 Bộ ngành của Việt Nam về cách xử lý đối với các sản phẩm đang được niêm phong là tất cả sản phẩm sữa nhiễm melamine sẽ bị tiêu hủy.

 

Tuy nhiên, những nguồn sữa, nguyên liệu và sản phẩm sữa nhiễm melamine nhập chính ngạch từ Trung Quốc sẽ được tái xuất và doanh nghiệp được chủ động liên hệ, thương thảo trực tiếp với các đối tác Trung Quốc.

 

Đối với các sản phẩm sữa đã kiểm nghiệm không có melamine nhưng chưa công bố tiêu chuẩn sản phẩm sẽ được tiến hành thực hiện việc công bố tiêu chuẩn đồng thời sẽ bị xử lý vi phạm hành chính rồi mới cho lưu thông.

 

Ngọc Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm