Bệnh viện Lao Đà Nẵng:
Thiếu bác sĩ nhưng còn phải… chờ?
(Dân trí) – Là đơn vị điều trị và triển khai chương trình xoá bệnh lao trong cộng đồng cho các tỉnh thuộc khu vực miền Trung nhưng bệnh viện Lao Đà Nẵng hiện chỉ có 3 bác sĩ và để “giảm tải”, Ban Giám đốc bệnh viện phải trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân.
Lực bất tòng tâm
Theo thống kê của ngành y tế, mỗi năm Đà Nẵng có khoảng 1.500 người mắc bệnh lao, khoảng 20% trong số đó cần được điều trị tại bệnh viện.
Bác sĩ Lê Văn Đức – Giám đốc Bệnh viện Lao Đà Nẵng cho biết: “Mỗi bệnh nhân lao có quá trình điều trị trung bình khoảng 8 tháng, trong đó bao gồm 2 tháng tấn công và 6 tháng duy trì. Để hạn chế tối đa tình trạng lây lan trong cộng đồng, trong 2 tháng tấn công, bệnh nhân phải được điều trị nội trú tại bệnh viện. Muốn làm được điều này, số giường bệnh phải tăng gấp 2 – 3 lần hiện nay (100 – 150 giường)”.
Mong muốn là như thế nhưng trên thực tế, biên chế hiện nay của bệnh viện Lao Đà Nẵng vẫn dựa trên định mức 0,86 người/giường bệnh. Với tổng số 51 cán bộ, nhân viên vừa biên chế vừa hợp đồng thêm, thì “chỉ đủ để duy trì hoạt động ở mức tối thiểu".
Đi vào hoạt động từ tháng 6/2006 với quy mô hoạt động giai đoạn 1 là 50 giường bệnh, giai đoạn 2 sẽ là 100 giường.
Cho đến thời điểm này, bệnh viện Lao Đà Nẵng là đơn vị duy nhất của cả miền Trung có hệ thống chẩn đoán vi trùng lao bằng gien và nuôi cấy được vi trùng lao để cho kết quả nhanh trong vòng 10 ngày thay vì 1 tháng như trước đây. |
Hiện tại, ngoài Ban Giám đốc, cả bệnh viện chỉ có… 3 bác sĩ điều trị chuyển sang từ khoa Lao của bệnh viện Đà Nẵng. Thậm chí, con số này chắc chắc sẽ còn giảm khi hiện nay đã có một bác sĩ nộp đơn xin thôi việc.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Huy, phụ trách điều trị, cho biết: “Vì chỉ có 3 bác sĩ nên mật độ ca trực của chúng tôi rất dày. Đi đôi với đó là cường độ làm việc hết sức căng thẳng. Chỉ tính riêng 10 ngày trực/tháng thì tổng số thời gian làm việc của mỗi cán bộ, nhân viên, bác sĩ ở đây đã lên đến 240 giờ, gấp đôi số thời gian quy định của ngành Y tế trong lĩnh vực điều trị lao”.
Cũng theo ông Huy, từ khi “ra riêng” cho đến nay, để giảm tải cho bác sĩ điều trị, Ban Giám đốc bệnh viện Lao cũng phải trực tiếp đi thăm khám bệnh nhân.
Còn phải chờ?
Về hướng giải quyết bài toán nguồn nhân lực cho bệnh viện Lao Đà Nẵng, ông Đức đề nghị: “Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng và Sở Y tế thành phố nên có chính sách điều phối các bác sĩ vừa tốt nghiệp muốn xin việc tại địa phương. Nếu không nhanh chóng có sự điều phối hợp lý thì các bệnh viện chuyên khoa có thu nhập thấp như lao, tâm thần, kể cả Trung tâm Y tế dự phòng sẽ không có ai tự nguyện về “đầu quân”. Đến khi đó, tình trạng thiếu hụt bác sĩ điều trị sẽ là điều khó tránh khỏi”.
Trong khi đó, với cái nhìn của một người làm công tác quản lý chung trong lĩnh vực Y tế của thành phố Đà Nẵng, bà Đoàn Võ Kim Ánh – Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng lại cho rằng: “Nếu không có chính sách khuyến khích về tài chính và chế độ đãi ngộ thì nguồn nhân lực tại các bệnh viện chuyên khoa sẽ tiếp tục khủng hoảng. Chúng tôi đã đề nghị thành phố khuyến khích thu hút nguồn nhân lực cho bệnh viện bằng cách cho phép nhận các sinh viên tốt nghiệp loại trung bình về các bệnh viện này. Rồi cần có các chế độ ưu đãi như tăng tiền phụ cấp về đi lại, độc hại... Có như thế, các bệnh viện chuyên khoa mới có đủ nhân lực. Vấn đề này đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, chỉ còn chờ quyết định từ phía UBND!”.
Hai cách nhìn nhận với hai hướng giải quyết khác nhau, nhưng tựu chung, việc thiếu hụt nguồn nhân lực tại Bệnh viện Lao Đà Nẵng nói riêng, tại một số trung tâm y tế là một thực tế khiến những người có trách nhiệm phải đau đầu. Tuy nhiên, người đang đau đầu hơn hết lúc này vẫn là người bệnh.
Hảo Tâm