Thiếu bác sĩ - bài toán nan giải

Tình trạng thiếu bác sĩ, cán bộ kỹ thuật tuyến bệnh viện huyện đang diễn ra trầm trọng, kéo dài nhiều năm, dù các địa phương đã đưa ra không ít chính sách “lôi kéo, mời gọi”.

Thiếu bác sĩ - bài toán nan giải

 

Bệnh viện Đa khoa khu vực Cái Nước (Cà Mau) luôn có đông bệnh nhân nhưng ở đây thiếu bác sĩ trầm trọng, trung bình mỗi bác sĩ phải khám và điều trị 80-100 bệnh nhân/ngày - Ảnh: Đ.TRIỀU

 

Không có bác sĩ, dù bệnh viện được trang bị tốt vẫn phải bỏ hoang, đồng thời tạo ra áp lực lớn trong khám chữa bệnh. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng hàng đầu dẫn đến việc các bệnh viện tuyến huyện bị mất niềm tin, bệnh nhân đổ xô lên tuyến trên.

 

Làm hụt hơi

 

Sáng 6/11, tại khu vực khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có khoảng 100 bệnh nhân đang ngồi chờ đến lượt. Liên hệ nhân viên phòng hành chính, được biết toàn bộ ban lãnh đạo, từ giám đốc và hai phó giám đốc đều phải tham gia khám bệnh. Chừng 10 phút sau, bác sĩ - phó giám đốc Nguyễn Văn Hiền trở về phòng làm việc nhễ nhại mồ hôi, ống nghe cầm trên tay. Bác sĩ Hiền cười xòa: “Thiếu bác sĩ nên ban giám đốc phải thay phiên nhau trực khám bệnh, nhiều lúc muốn hụt hơi”.

 

Bệnh viện Đa khoa Cù Lao Dung trước đây là trạm y tế xã, sau được mở rộng, nâng cấp. Theo bác sĩ Nguyễn Phước Lộc - giám đốc bệnh viện - các năm qua bệnh viện được đầu tư nên trang thiết bị cơ bản đảm bảo phục vụ khám chữa bệnh cho người dân. Nhưng bác sĩ Lộc nói việc thiếu đội ngũ bác sĩ đang là bài toán nan giải. Bình quân mỗi năm bệnh viện khám và điều trị hơn 70.000 lượt bệnh nhân, bác sĩ chỉ có 11 người. Để khám và điều trị cho ngần ấy người bệnh, theo bác sĩ Lộc, cần phải có ít nhất 30 bác sĩ. Bằng mối quan hệ, ban giám đốc bệnh viện “lôi kéo” được nhiều bác sĩ mới ra trường về công tác. Nhưng bác sĩ trẻ nào “lì” lắm chỉ trụ được một, hai năm.

 

Một lãnh đạo Sở Y tế Sóc Trăng cho biết không riêng Bệnh viện Đa khoa Cù Lao Dung, nhiều bệnh viện tuyến huyện cũng thiếu bác sĩ. Ngành y tế đã không ít lần đề xuất Sở Nội vụ tuyển thêm bác sĩ nhưng không được. Để tự cứu, một số bệnh viện tuyến huyện phải xoay xở bằng cách sắp xếp công việc chuyên môn để nâng cao năng lực của y sĩ học nâng cao hoặc hợp đồng với những bác sĩ nghỉ hưu.

 

Chảy máu chất xám

 

Theo thống kê của Sở Y tế Cà Mau (số liệu cuối năm 2011), bệnh viện tuyến huyện chỉ có 65 bác sĩ. “Ngay như Bệnh viện Đa khoa khu vực Cái Nước, chỉ từ năm 2007 đến nay một thạc sĩ và ba bác sĩ chuyên khoa tự ý bỏ việc sau khi hoàn thành chương trình được đưa đi đào tạo”, bác sĩ Bùi Đức Văn nói.

 

Còn bác sĩ Trần Như Huấn nói Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) chỉ có 20 bác sĩ, trong khi nhu cầu cần khoảng 60 người. Ông nói: “Nhiều bác sĩ mới ra trường không muốn về làm tại bệnh viện tuyến huyện. Bệnh viện có vài bác sĩ giỏi thì họ lại tìm cách chuyển lên làm việc ở bệnh viện tỉnh hoặc tại các thành phố lớn. Điều đó khiến đội ngũ bác sĩ ở bệnh viện huyện thiếu cả lượng lẫn chất”.

 

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Hai cho biết hiện tượng “chảy máu bác sĩ” là vấn nạn đang xảy ra ở nhiều địa phương, trong đó có Quảng Nam. Ngay cả bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam hiện thiếu tới 100 bác sĩ, bốn năm trở lại đây có hơn 40 bác sĩ đã chính thức rời bệnh viện. “Dù tỉnh, ngành y tế đã có nhiều cơ chế khuyến khích nhưng phải thừa nhận sức hút về thu nhập và cuộc sống tốt hơn ở thành phố quá lớn. Mọi khó khăn ở tuyến huyện bây giờ đùn đẩy hết lên tuyến trên khiến tuyến trên thêm khó khăn vô cùng”, ông Hai nói.

 

Ở tỉnh Bắc Ninh, Bệnh viện Đa khoa huyện Lương Tài cũng trong tình trạng thiếu bác sĩ nghiêm trọng. Toàn bệnh viện có 110 cán bộ nhưng chỉ có 17 bác sĩ, trong khi đó tiêu chuẩn của một bệnh viện huyện quy mô như Lương Tài phải 22-25 bác sĩ.

 

Một cán bộ có trách nhiệm cho biết dù tỉnh Bắc Ninh đã có chính sách đãi ngộ đặc biệt nhằm thu hút nhân lực về các bệnh viện huyện, bác sĩ tốt nghiệp hệ chính quy về huyện là được thưởng luôn 15 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa đạt được kết quả. Thiếu bác sĩ nhưng nguy cơ chảy máu chất xám lại luôn đe dọa, hễ “đủ lông đủ cánh” là các bác sĩ tuyến huyện luôn tìm mọi cách chuyển lên làm việc ở tuyến trên.

 

Không thể triển khai kỹ thuật

 

Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn được xếp hạng là một trong những trung tâm y tế hiện đại hàng đầu thuộc khu vực miền núi ở Quảng Nam. Trụ sở cao bốn tầng với thang máy, phòng bệnh, giường bệnh đều thông thoáng, đủ khả năng đáp ứng cho hàng trăm bệnh nhân. Nhưng nhiều năm qua trung tâm y tế này chỉ vỏn vẹn sáu bác sĩ. Phó chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Phạm Phú Thủy cho rằng việc thiếu bác sĩ trầm trọng là bài toán nan giải nhất cho chính quyền địa phương.

 

Cũng theo ông Thủy: “Tiền không thiếu, trang thiết bị hiện đại đều có khả năng mua. Nhưng bác sĩ chẳng chịu về nơi xa xôi cách trở như thế này. Dẫu có trang thiết bị đầy đủ cũng không có người làm nên ở đây đã trống vắng càng trống vắng”.

 

Tại Hậu Giang, ông Phan Thanh Tùng - phó giám đốc Sở Y tế - cho biết ở tỉnh có một số bệnh viện tuyến huyện không thiếu trang thiết bị y tế mà thiếu bác sĩ trầm trọng. Chín năm qua, số bác sĩ về tỉnh không đáng kể, tuyến huyện càng ít hơn.

 

“Phần lớn bác sĩ phải kiêm nhiệm nhiều thứ, nhất là tuyến huyện, suốt ngày quần quật với công việc khám chữa bệnh, không có thời gian trau dồi chuyên môn hoặc đi học thêm. Điều này hạn chế rất nhiều đến việc triển khai các dịch vụ kỹ thuật” - ông Tùng băn khoăn.

 

Đi thăm một số bệnh viện huyện tại tỉnh Hòa Bình, ông Nghiêm Trần Dũng, phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cho biết: “Phạm vi kỹ thuật họ có thể làm được nhiều nhưng không có bệnh nhân. Cơ sở vật chất kỹ thuật của bệnh viện tốt rồi, vấn đề là kỹ thuật y khoa chưa triển khai” - ông Dũng bình luận.

 

Theo ông Dũng, thu nhập của cán bộ y tế tuyến huyện còn thấp quá, có nơi ba tháng mới được nhận một lần tiền lương tăng thêm, mà mỗi lần lại không đáng kể. Vòng luẩn quẩn lương thấp - khó giữ được cán bộ - thương hiệu bệnh viện kém - bệnh nhân ít dẫn đến lương thấp cứ kéo dài mãi, dù cơ sở vật chất của nhiều bệnh viện tuyến huyện đã được coi là tạm ổn. Muốn bệnh viện tuyến trên hết quá tải, vai trò của bệnh viện huyện phải nâng lên bằng nhiều biện pháp, trong đó quan trọng nhất đào tạo bài bản bác sĩ cho tuyến huyện.

 

Theo Tuổi trẻ