Thiết bị y tế mua "trăm ngàn tỷ" nhưng quản lý còn hàng loạt hạn chế

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế, mỗi năm nước ta mua sắm thiết bị y tế lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, nhưng việc kiểm soát chất lượng trang thiết bị lại chưa được thể chế hóa ở cấp độ luật.

Phát biểu tại Triển lãm Y tế Quốc tế Việt Nam 2024 (diễn ra các ngày 11-14/9 tại TPHCM), Phó giáo sư Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, định hướng chiến lược phát triển ngành y tế của Việt Nam hiện nay nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến.

Thiết bị y tế mua trăm ngàn tỷ nhưng quản lý còn hàng loạt hạn chế - 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại Triển lãm (Ảnh: TD).

Chính phủ đã đề ra nhiều chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phát triển công nghệ sinh học trong ngành y tế, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước cần tận dụng cơ hội này để giao thương, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ sinh học, và công nghệ kỹ thuật số vào thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Triển lãm thu hút sự tham gia của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Đức, Ba Lan, Iran, Ấn Độ, Trung Quốc... với hơn 800 gian hàng giới thiệu các sản phẩm chẩn đoán, điều trị công nghệ cao, thiết bị y tế (TBYT) thông minh, sản phẩm thân thiện với môi trường y tế.

Do đó, sự kiện sẽ mở ra nhiều cơ hội giao lưu, hợp tác, và học hỏi cho các nhà sản xuất, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, góp phần phát triển ngành y tế Việt Nam theo hướng tiên tiến, hiện đại và khoa học.

Thiết bị y tế mua trăm ngàn tỷ nhưng quản lý còn hàng loạt hạn chế - 2

Thứ trưởng Bộ Y tế tham quan, tìm hiểu các sản phẩm do những đơn vị y tế nước ngoài mang đến Triển lãm (Ảnh: Hoàng Lê).

Trong khuôn khổ Triển lãm, nhiều hội nghị, hội thảo chuyên ngành cũng diễn ra, mang đến những thông tin quan trọng về nghiên cứu phát triển thuốc, đăng ký lưu hành thuốc, cũng như các giải pháp đẩy mạnh cung ứng TBYT trong các cơ sở y tế.

Thạc sĩ Trịnh Đức Nam, phụ trách Phòng quản lý chất lượng và sử dụng TBYT, Cục Cơ sở hạ tầng và TBYT (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay Việt Nam có hơn 1.000 đơn vị sản xuất TBYT, hơn 2.500 đơn vị nhập khẩu TBYT và hơn 10.000 sản phẩm TBYT được cấp số lưu hành, giấy phép nhập khẩu.

Mỗi năm, giá trị mua sắm các TBYT tại nước ta lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Theo ông Nam, có 4 vấn đề chính liên quan đến đổi mới quản lý nhà nước về TBYT, đó là công khai - minh bạch - bình đẳng - cùng có lợi, trên nguyên tắc lấy người bệnh làm trung tâm.

Hiện nay, việc tổ chức quản lý nhà nước về TBYT vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế. Thứ nhất, các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất TBYT trong nước chưa được thể chế hóa.

Thiết bị y tế mua trăm ngàn tỷ nhưng quản lý còn hàng loạt hạn chế - 3

Đại diện một đơn vị nước ngoài tìm hiểu thiết bị y tế do công ty Việt Nam sản xuất (Ảnh: Hoàng Lê).

Thứ hai, về kiểm soát chất lượng TBYT, Việt Nam chưa thể chế hóa cấp độ luật; bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quốc tế chưa đầy đủ; việc hậu kiểm chưa được duy trì thường xuyên.

Thứ ba, về đăng ký lưu hành, nhập khẩu TBYT, tiến độ cấp phép còn chậm và vẫn còn tâm lý e ngại. Thứ tư, về mua bán TBYT, việc đầu tư, mua sắm còn theo hướng lựa chọn về giá, cũng như chưa có giải pháp đồng bộ để lựa chọn theo giá trị, yêu cầu chuyên môn đặc thù.

Thứ năm, về quản lý sử dụng TTBYT, nước ta chưa xây dựng được bộ danh pháp về TBYT, chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về TBYT và chưa thực hiện được quản lý đồng bộ TBYT theo vòng đời sản phẩm.

Thạc sĩ Trịnh Đức Nam nhận định, có một số giải pháp để đẩy mạnh quản lý, cung ứng TBYT. Đó là đánh giá kết quả thực hiện và tác động quản lý nhà nước về TBYT; hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về TBYT; kiện toàn tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý; nâng cao vai trò của các cơ quan chuyên môn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm