Thị trường thực phẩm ngày tết: Hàng lậu, hàng bẩn tràn lan

Tết là “mùa vàng” của kinh doanh thực phẩm, kể cả thực phẩm bẩn. Bởi tâm lý đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người Việt: “Làm cả năm tiêu 3 ngày tết”. Tết cũng là thời điểm mà việc thanh kiểm tra của cơ quan chức năng cũng lơi lỏng hơn.

  

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội, sau đợt 1 kiểm tra thực phẩm phục vụ tết dương lịch và Nguyên đán 2014 trên địa bàn với 41 mẫu được lấy tại các chợ và cơ sở sản xuất, trong đó, có 12 mẫu ô mai, 5 mẫu giò chả, 24 mẫu rượu… đã có kết quả xét nghiệm.

 

Cụ thể như: 12/12 mẫu ô mai đều có hàm lượng chất tạo ngọt, chất bảo quản, tuy nhiên, vẫn nằm trong mức cho phép; 24/24 mẫu rượu chứa methanol nhưng cũng không vượt quá giới hạn cho phép. Riêng các sản phẩm giò chả thì có 2/5 mẫu có hàm lượng natri benzoat trên 1.000mg/kg thực phẩm, vượt quá mức cho phép của Bộ Y tế nhiều lần. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội cho biết, số giò chả trên được lấy mẫu tại cơ sở thực phẩm Minh Hương ở 39 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

 

Trước đó, tại Hà Nội, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện 50 tấn bánh kẹo, ô mai, hạnh nhân… không có nguồn gốc tại một kho hàng ở xã Ninh Hiệp, Gia Lâm. Tại thời điểm kiểm tra, chủ nhân lô hàng không có mặt nhưng theo nhân viên ở đây cho biết, đó là số hàng chuẩn bị “tung ra” phục vụ cho bà con nhân dịp tết Nguyên đán.

 

Cơ quan chức năng kiểm tra hàng phục vụ trong dịp tết

Cơ quan chức năng kiểm tra hàng phục vụ trong dịp tết

 

Đội Quản lý thị trường số 13, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế Thương mại, Phòng Quản lý Hành chính về Trật tự Xã hội, Công an Hà Nội, sau khi kiểm tra 2 xe tải mang biển kiểm soát 17C- 009.63 do Trần Quốc Tuấn điều khiển và xe 17C-031.02 do Vũ Trọng Bắc lái (cả hai đều ở Thái Bình) đã phát hiện gần 15 nghìn tấn bột ngọt, 4,5 tấn ô mai của Trung Quốc nhưng không có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Số hàng trên, theo lời khai của hai lái xe là của một chủ hàng ở Hà Nội mua về để tiêu thụ tại Hà Nội trong dịp tết.

  

Không chỉ bánh, mứt kẹo, ô mai… rượu cũng là mặt hàng được làm giả, sản xuất kém chất lượng, nhập lậu từ nước ngoài để bung ra “phục vụ” người dân.

 

Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2013, toàn quốc có 160 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 5.000 bệnh nhân, trong đó 4.700 người phải nhập viện và 28 trường hợp tử vong. Số vụ ngộ độc tập thể, từ 30 người trở lên có 37 vụ với tổng số gần 4.000 bệnh nhân, trong đó hầu hết đều phải nhập viện.

Đội Quản lý thị trường số 17, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với C49, Công an Hà Nội đã kiểm tra, tạm giữ gần 800 thùng rượu, tương đương khoảng 1.000 chai các loại như Vodka, vang nho, Champange dung tích 700ml của Công ty TNHH Rượu và nước giải khát Việt Pháp, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội do ông Hoàng Minh Nhân làm giám đốc.

 

Ông Nhân không xuất trình được giấy phép sản xuất rượu, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vậy mà công ty ông lại sản xuất rượu để bán?! Ước tính lô hàng bị tạm giữ có giá trị lên đến gần 300 triệu đồng.

 

Cùng với việc thanh kiểm tra tại các chợ, cơ sở sản xuất… trong những ngày qua, các cơ quan chức năng cũng “xuất quân” đến các siêu thị để kiểm tra hàng hóa phục vụ tết. Đây là 1 trong 6 đoàn thanh tra liên ngành theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về “Triển khai đợt thanh, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trong dịp tết dương lịch và tết Nguyên đán Giáp Ngọ”.

 

Kết thúc đợt kiểm tra tại các siêu thị Big C, Citimart, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - TS Nguyễn Khắc Hiền cho biết, vẫn còn nhiều sai phạm diễn ra ở các siêu thị, mặc dù đây là địa chỉ được coi là đáng tin cậy nhất hiện nay. Như Big C Trần Duy Hưng, đã phát hiện 11 loại rau củ quả không có nhãn mác, không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

 

Ông Hiền cho biết đang kiểm tra xem liệu đây có phải là hàng bẩn, hàng “vô danh” tuồn vào siêu thị hay không. Siêu thị Citimart ở đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội thì bán bia cận “đát”, một số mặt hàng không có nguồn gốc xuất xứ…

 

Không chỉ ở Hà Nội mà các tỉnh thành khác như TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đắk Lắk… cũng phát hiện nhiều thực phẩm bẩn, hàng không rõ nguồn gốc, hàng lậu… được bày bán trên thị trường. Ông Nguyễn Minh Chung, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ninh cho báo giới biết: Chỉ tính riêng tháng 12 và những ngày đầu năm 2014, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục vụ buôn lậu, vi phạm về an toàn thực phẩm. Điển hình là vụ Công an huyện Hải Hà bắt giữ Quách Hồng Sinh, ở Nam Sách, Hải Dương, vận chuyển hơn 4 tấn cá quả, cá trắm, ba ba… của Trung Quốc về tiêu thụ.

 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác an toàn thực phẩm năm 2013 và nhiệm vụ năm 2014: “Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm có vai trò hết sức quan trọng, liên quan không chỉ việc sản xuất, lưu thông mà còn cả vấn đề giống nòi”.

 

Nhìn chung công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, thực sự chưa hiệu quả trong suốt thời gian qua. Như công tác thanh kiểm tra chẳng hạn, nếu thời điểm nào trong năm cũng được kiểm tra gắt gao, kỹ lưỡng như dịp cuối năm thì thực phẩm bẩn ít có “đất sống”. Nhưng kết quả công tác kiểm tra không thể đạt như mong muốn do còn thiếu hành lang pháp lý, thông tư hướng dẫn thi hành luật, sự bất cập chồng chéo giữa các cơ quan chức năng… không được xây dựng chặt chẽ.

 

Hay như bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội ví dụ, khi bắt được gà lậu, không xử lý được vì muốn chứng minh đó là gà lậu thì phải qua kiểm nghiệm tới tận 7 ngày mới có kết quả. Vậy, trong thời gian đó, ai trông gà? Ai nuôi gà? Nếu mất gà hoặc để gà chết thì ai đền trong trường hợp sau kiểm nghiệm đó không phải là gà lậu”.

 

Trước sự việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Chỉ sau 4 tiếng là có kết quả kiểm nghiệm có phải gà nhập lậu sao lại phải đến 7 ngày mới đến tay lực lượng chức năng? Trách nhiệm trong phối hợp rõ ràng có vấn đề”. Bởi vậy, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành cần xây dựng, hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật An toàn vệ sinh thực phẩm và các văn bản liên quan.

 

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với nhau và giải quyết những vấn đề tồn đọng, phải tập trung thanh kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh thực phẩm, tập trung vào các khâu, mặt hàng, vùng trọng điểm với tinh thần, các vi phạm phải được xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật.

 

Chất natri benzoat phát hiện trong giò chả là một chất bảo quản được phép sử dụng, ký hiệu E211. Tuy nhiên, hàm lượng chỉ ở mức tối đa 155ML. Hóa chất này cực kỳ độc hại nếu vượt quá mức cho phép. Theo Tổ chức Y tế thế giới, khi thí nghiệm trên chó, nếu dùng quá liều 1g/kg, nó có biểu hiện co giật. Còn chuột thì bị rối loạn tổng hợp protein.

 

Trong trường hợp natri benzoat vào cơ thể người quá mức cho phép, nhất là ở trẻ em, sẽ thiếu chất thơm trong máu dẫn đến bệnh ung thư. Ngoài ra còn bị thần kinh, rối loạn tổng hợp protein, ngộ độc…

 

Theo Nguyễn Anh

Petrotimes

Dòng sự kiện: Sức khỏe ngày Tết