1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thí sinh ngất xỉu là do quá căng thẳng

(Dân trí) - Trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH và Đại học vừa qua, nhiều thí sinh bị ngất xỉu ngay khi bước vào phòng thi. Đánh giá tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, phần lớn là do các thí sinh quá căng thẳng.

Thí sinh ngất xỉu là do quá căng thẳng - 1

Một thí sinh ngất xỉu được đưa đi cấp cứu (Ảnh: Hà Vân)

Ngất như một sự giải thoát…

Theo BS Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khoẻ Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), có 2 nguyên nhân dẫn đến hiện tượng các em học sinh bị ngất trong dịp thi, đó là do quá căng thẳng tâm lý, stress và do chế độ ăn nghỉ trước đó không hợp lý.

“Hiện tượng ngất ở học sinh trong dịp thi rất hay xảy ra, vì các em quá căng thẳng và nhiều áp lực. Các em vốn đã chịu áp lực của bố mẹ, gia đình vì quá kỳ vọng vào con, trong khi năng lực lại có hạn. Nay bước vào phòng thi, gặp một đề thi quá khó so với khả năng mình làm được, những lo lắng bắt đầu ùa về. Bố mẹ sẽ đánh mắng vì làm bài kém? Bạn bè sẽ cười chê mình học dốt?... Những lo lắng này chính là sự tái hiện của stress cũ, như một “giọt nước tràn ly” khiến các em bị ngất. Với các em lúc này, ngất như một lối thoát. Mọi người sẽ hiểu vì một chút không may mắn, sức khoẻ yếu… nên em bị ngất và không thể làm bài, chứ không phải do mình kém, dốt…”, BS Tuấn nói.

BS Tuấn cho rằng, tỷ lệ học sinh bị ngất trong kỳ thi, nữ sẽ nhiều hơn nam. Vì ở lứa tuổi này, các em nữ già dặn hơn, biết lo nghĩ hơn các em nam, nên cũng dễ bị ảnh hưởng bởi sức ép, kỳ vọng của gia đình hơn.

Ngoài ra, ngất cũng có thể do chế độ ăn nghỉ trước giai đoạn thi không hợp lý. Việc thức đêm nhiều ngày, ăn uống thất thường, không đảm bảo dẫn đến cơ thể suy kiệt, cộng thêm sự căng thẳng khi vào phòng thi khiến các em học sinh dễ bị ngất.

Dễ bị tái phát nhiều lần

Theo BS Tuấn, những em học sinh đã từng bị ngất do quá căng thẳng khi bước vào kỳ thi rất có thể tiếp tục bị ngất trong những lần tiếp theo. “Hiện tượng bị ngất xỉu do những áp lực căng thẳng liên quan đến việc học, thi cử sẽ giúp các em tạm thời trốn tránh với thực tại, giải thoát khỏi khó khăn. Sau khi tỉnh dậy, lại tiếp tục bước vào việc học, lại tiếp tục là sự kỳ vọng của gia đình vượt quá khả năng thực của các em, các em rất dễ bị tiếp tục tái ngất trong những lần thi tiếp theo”, BS Tuấn nói.

Để giải quyết tình trạng này, quan trọng nhất là phải giúp các em thoát khỏi những áp lực, lo lắng. BS Tuấn cho rằng, bố mẹ các em học sinh, cũng như chính bản thân các em phải tự nhìn nhận xem khả năng của mình ở mức độ nào. Nếu quá kỳ vọng vào con, vào chính bản thân mình, rằng sẽ phải đi đỗ đại học, trong khi sức học lại chỉ ở mức vừa phải, vô tình đã gây sức ép về tâm lý cho chính mình.

“Cuộc thi nào cũng rất quan trọng với các em học sinh, đặc biệt là kỳ thi đại học. Hầu như gia đình nào cũng nghĩ, chỉ có vào đại học con mình mới thoát nghèo, mới có nghề nghiệp ổn định. Chính điều đó đã tạo sức ép tâm lý cho thí sinh. Hãy tạo cho mình một tâm lý thoải mái khi đi thi, coi đó là nơi để thử sức, đánh giá đúng năng lực học tập của mình, qua đó có một lựa chọn nghề đúng đắn”, BS Tuấn đưa ra lời khuyên.

Hay như việc cha mẹ ép con học, ép học ngày, học đêm khiến các em suy kiệt sức khoẻ. Đến đúng ngày quan trọng nhất là bước vào kỳ thi thì cơ thể các em đã quá suy kiệt, cộng với sức ép tâm lý dẫn đến bị ngất, dẫn đến các em phải bỏ cơ hội thử sức tại kỳ thi, phải chờ đợi đến cuộc thi năm sau.

“Cũng có em, trước ngày thi, thức trắng đêm để học mà không biết rằng, thực ra, việc đó rất ít giá trị. Trí não con người chỉ hoạt động hiệu quả liên tục trong vòng 45 phút đến 1 giờ và kéo dài tối đa 10 - 12 giờ/ngày. Đã học cả ngày, rồi thức suốt đêm, có thể nói, lúc đó các em học như vô thức. Rõ là mắt đang mở nhìn vào sách, nhưng đầu óc thì đã quá căng thẳng, nên những dòng chữ lúc này như vô hồn, nhìn đó mà không ghi nhớ được vào não. Nhiều em học nhiều quá, đến trong giấc ngủ cũng chợp chờn những dãy tính, con số… Chính vì sự căng thẳng này, các em rất dễ bị stress, càng gây giảm trí nhớ”, BS Tuấn nói.

BS Tuấn khuyên, trước ngày thi, sỹ tử đừng vùi đầu vào học mà hãy để đầu óc thư giãn. Các em đừng quá lo lắng không học một ngày, chữ nghĩa sẽ “bay” đi hết, vì những kiến thức đó, qua quá trình học tập lâu dài đã được ghi nhớ trong bộ não. Khi bắt gặp đề thi có liên quan, bộ não sẽ làm việc và các em sẽ nhớ lại những gì mình đã học rất kỹ, hiểu rất kỹ từ trước đó.

Với phụ huynh, không nên tạo sức ép đối với con cái để tránh gây tâm trạng lo lắng cho sĩ tử vì sự kỳ vọng của cha mẹ. Điều này ảnh hưởng rất xấu đến tâm trí, sự tập trung của sĩ tử khi bước vào kỳ thi.

Hồng Hải