Thêm cơ hội dự phòng viêm phổi và bệnh do phế cầu khuẩn

Trường Thịnh

(Dân trí) - Nhiễm phế cầu khuẩn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới. Chỉ trong năm 2021, trên toàn thế giới có đến 97,9 triệu trường hợp mắc mới nhiễm khuẩn hô hấp dưới do phế cầu khuẩn gây ra.

Trong tháng 7, Hội Hô hấp Việt Nam đã phối hợp với MSD tổ chức hai buổi hội nghị khoa học "Dự phòng Bệnh do phế cầu khuẩn: Tầm quan trọng của bảo vệ đa túyp huyết thanh" tại TPHCM và Hà Nội nhằm cập nhật đến các cán bộ và chuyên gia y tế về thông tin gánh nặng bệnh tật và ra mắt vaccine phòng bệnh do phế cầu khuẩn (streptococcus pneumoniae) với chỉ định bảo vệ có tầm phủ rộng vừa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trong tháng 5.

Vaccine có thể giúp tạo miễn dịch chủ động phòng ngừa viêm phổi và nhiễm phế cầu khuẩn do các túyp huyết thanh phổ biến cho người có nguy cơ nhiễm bệnh từ 2 tuổi trở lên và không giới hạn độ tuổi.

Thêm cơ hội dự phòng viêm phổi và bệnh do phế cầu khuẩn - 1

Hội nghị khoa học "Dự phòng Bệnh do phế cầu khuẩn: Tầm quan trọng của bảo vệ đa túyp huyết thanh" cập nhật đến các cán bộ và chuyên gia y tế về thông tin gánh nặng bệnh tật và ra mắt vaccine phòng bệnh do phế cầu khuẩn với chỉ định bảo vệ có tầm phủ rộng.

Phế cầu khuẩn gây nên những bệnh lý nguy hiểm như viêm phổi, viêm màng não, và nhiễm trùng máu (hay nhiễm khuẩn huyết). PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh - Phó chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Trưởng khoa Hô hấp - Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội, chia sẻ, tại Việt Nam, phế cầu khuẩn là nguyên nhân hàng đầu gây nên viêm phổi nhập viện ở người lớn và gây ra viêm màng não ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Tỷ lệ tử vong do bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn đáng lo ngại, lên đến 10% - 25% cả khi đã sử dụng hợp lý kháng sinh. Theo WHO, các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và ước tính mỗi năm có khoảng một triệu trẻ em tử vong vì các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra.

PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc - Ban chấp hành Hội Hô hấp Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TPHCM, nhấn mạnh: "Tại Việt Nam, phế cầu khuẩn có thể kháng nhiều loại kháng sinh phổ biến, khả năng kháng lên đến 70-97% - điều này khiến cho quá trình điều trị cho bệnh nhân khó khăn và tốn kém.

Theo thống kê, chi phí điều trị trung bình cho mỗi bệnh nhân viêm phổi cộng đồng tại Việt Nam là 629 USD (tương đương 16 triệu đồng) và thời gian nằm viện trung bình là 10 ngày. Vì vậy, việc dự phòng kịp thời là quan trọng để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và tác hại của bệnh do phế cầu gây ra".

Đến nay, đã có khoảng 100 túyp huyết thanh được phát hiện, trong đó có 23 túyp gây nên 80-90% bệnh phế cầu xâm lấn (IPD) trên thế giới. Theo dữ liệu tại Hoa Kỳ giai đoạn 2010-2018, tỷ lệ mắc mới bệnh do phế cầu xâm lấn có xu hướng gia tăng ở những túyp huyết thanh phế cầu không có trong các vaccine cộng hợp, từ 61% lên 77%.

Thêm cơ hội dự phòng viêm phổi và bệnh do phế cầu khuẩn - 2

PGS.TS.BS. Cao Hữu Nghĩa - Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học Y sinh, Viện Pasteur TP.HCM chia sẻ tại hội nghị.

PGS.TS.BS. Cao Hữu Nghĩa - Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học Y sinh, Viện Pasteur TPHCM, bổ sung thêm: "Vaccine là chiến lược hàng đầu để phòng chống bệnh do phế cầu khuẩn gây ra. Vì phế cầu khuẩn có tính đa dạng về túyp huyết thanh, việc bảo vệ đa túyp huyết thanh ở tầm phủ rộng sẽ mở ra cơ hội mới cho người dân trong việc dự phòng các bệnh lý nguy hiểm".

Thế giới, trong đó có Việt Nam đang chịu tác động nặng nề của già hóa dân số bên cạnh các vấn đề khác. Vì vậy tiêm chủng người lớn, đặc biệt là người già cũng cần được ưu tiên. Việc cấp phép vaccine không giới hạn độ tuổi trần có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng chống bệnh do phế cầu khuẩn cho người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi", PGS.TS.BS. Phạm Quang Thái - Phó trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, giải thích thêm.

Thêm cơ hội dự phòng viêm phổi và bệnh do phế cầu khuẩn - 3

Bà Katharina Geppert, Tổng giám đốc MSD Việt Nam chia sẻ tại hội nghị.

MSD đã dành hơn 125 năm - gần bằng lịch sử hình thành công ty để liên tục nghiên cứu và phát triển các loại thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh do phế cầu khuẩn.

Bà Katharina Geppert - Tổng giám đốc MSD Việt Nam, chia sẻ: "Đến nay, đã có đến 4 loại vaccine phế cầu mà MSD phát triển được cấp phép bởi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) - bao gồm loại vaccine phế cầu đầu tiên được cấp phép tại Hoa Kỳ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ đã khuyến nghị sử dụng ba loại vaccine để chống bệnh do phế cầu khuẩn - hai trong số đó là những vaccine phế cầu mà MSD đã phát triển".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm