TPHCM:
Thêm 2 điểm điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Methadone
(Dân trí) - Sau một năm thực hiện chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại 3 quận đạt 81% (608 bệnh nhân). Từ kết quả đáng khích lệ này, thành phố quyết định mở thêm 2 điểm điều trị mới.
Một điểm phát thuốc Methadone
Theo nhận định của BS Lê Trường Giang, Phó giám đốc SYT TPHCM, 3 điểm điều trị thử nghiệm đầu tiên có đủ nhân sự để cung cấp dịch vụ cho 250 bệnh nhân. Ngoài ra các điểm điều trị này còn lồng ghép với các hoạt động tư vấn, chăm sóc hỗ trợ cho người tái hòa nhập cộng đồng cũng như can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, dịch vụ tại nhà, tham vấn xét nghiệm tự nguyện và các dịch vụ chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS miễn phí.
Theo phân tích, đa số bệnh nhân tham gia điều trị đã tuân thủ việc điều trị như giữ đúng lịch uống thuốc; không dùng chung bơm kim tiêm… Điều này góp phần kéo giảm số người bị lây nhiễm HIV và tỉ lệ mẫu dương tính với ma túy giảm chỉ còn 1.149 / 3.904 mẫu xét nghiệm nước tiểu.
Đặc biệt, có trên 50% các bệnh nhân ở cả 2 giai đoạn dò liều (thời gian đầu) cùng giai đoạn duy trì đã tăng cân rất khả quan (trên dưới 5 kilo). Tiêu biểu là trường hợp bệnh nhân N.T.T (Q.4), sau 12 tháng điều trị bằng thuốc Methadone đã tăng 12kg và hơn 10 tháng nay không hề dùng đến ma túy.
Người nhiễm HIV vẫn tăng
Từ năm 2001 đến 2008, số người nhiễm HIV mới tại thành phố mỗi năm mỗi tăng. Trung bình mỗi năm tăng khoảng 200 người, cá biệt năm 2004 số người nhiễm HIV mới tăng vọt lên 487, nâng tỷ lệ nhiễm HIV trên 100.000 dân năm 2008 lên 541 người.
Từ 2004-2008, thành phố đã phát hiện được 37.414 người nhiễm HIV, trong đó có 14.649 người đã chuyển qua giai đoạn AIDS và đã có 7.312 ca tử vong. Riêng năm 2008, là năm đầu tiên có cả 3 con số về người nhiễm HIV mới, bệnh nhân AIDS và số trường hợp tử vong đều giảm.
Theo nhận định của UBPC AIDS thì tình hình dịch bệnh HIV vẫn đang trong giai đoạn dịch tập trung với tỷ lệ nhiễm HIV cao ở các nhóm người chích ma túy và phụ nữ mãi dâm. Đáng chú ý là số người tái nghiện cũng tăng lại từ năm 2007, sau chương trình tái hòa nhập cộng đồng.
Ngọc Thanh