Thay khớp gối toàn phần: Cần phải “chọn mặt gửi vàng”
(Dân trí) - Một bệnh nhân 85 tuổi, bị thoái hóa khớp giai đoạn nặng vừa được mổ thay khớp gối toàn phần thành công vào ngày 4/5 vừa qua bởi GS Miguel E. Cabanela, Viện sĩ Viện Hàn Lâm Phẫu thuật viên Chỉnh hình Mỹ, cùng các bác sĩ BV Đa khoa Quốc tế Vinmec, Hà Nội.
GS Cabanela
Đây cũng là ca mổ thị phạm trong chương trình hợp tác giữa hội Chấn thương Chỉnh hình (CTCH) Việt Nam với Viện Hàn lâm Phẫu thuật viên chỉnh hình Mỹ đã triển khai được 4 năm liên tiếp. Hiện tại, bệnh nhân đã tập đi lại với sự trợ giúp từ bác sĩ phục hồi chức năng của bệnh viện Vinmec mà không hề cảm thấy đau đớn gì.
Đánh giá về ca mổ này, GS Cabanela cho rằng: “Đây là một ca mổ bình thường và chưa phải là bệnh nhân lớn tuổi nhất tôi từng mổ.” (PV: GS từng mổ cho những bệnh nhân hơn 100 tuổi). Tuy nhiên, với các bác sĩ Việt Nam trong lĩnh vực này, đây lại là một ca mổ không đơn giản. Quan điểm xem ra có phần ngược nhau này thực ra không hề mâu thuẫn bởi một bên là chuyên gia đầu ngành của Hoa Kỳ, người đã có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thay khớp gối và đã có rất nhiều những bài học, sự trả giá…; còn tại Việt Nam, đây vẫn là một lĩnh vực mới và đang hướng tới mục tiêu “đi tắt đón đầu” các kỹ thuật mũi nhọn của ngành CTCH.
Thay khớp gối toàn phần được chỉ định trên những bệnh nhân thoái hóa khớp gối, điều trị nội khoa lâu năm không có kết quả, làm bệnh nhân đau đớn dài ngày và đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng sống. Đây là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật thay khớp của bộ môn chấn thương chỉnh hình, đòi hỏi phẫu thuật viên được đào tạo bài bản và có nhiều kinh nghiệm. |
Sau hơn 3 năm thực hiện đào tạo, chuyển giao với các khóa học kéo dài 10 ngày mỗi đợt, GS Cabanela tỏ ra rất lạc quan: “Hiện chúng tôi chưa có báo cáo tổng kết về kết quả các khoá đào tạo tại Việt Nam nhưng thông qua kết quả của các ca phẫu thuật mà các học viên đã thực hiện và gửi cho chúng tôi để đánh giá thì rất nhiều người trong số họ đã đạt trình độ tốt và hoàn toàn có thể mổ độc lập…”. Cụ thể, ở trường hợp của cô Phạm Thị Lan (Hà Nội), người đã trải qua 9 năm mất sức lao động, không thể tự đi đứng vì bệnh khớp gối và đã được thay khớp gối toàn phần cả 2 chân năm 2010 tại Saint Paul, GS Cabanela đã không thể nhận ra là bên nào mình mổ, bên nào là TS Nguyễn Đắc Nghĩa thực hiện.
Mặc dù là một kỹ thuật mới nhưng trước nhu cầu thay khớp ngày càng cao và có xu hướng hạ thấp mức tuổi chỉ định mổ thay khớp (dưới 60 tuổi), tình trạng “trăm hoa đua nở” đang có xu hướng diễn ra tại nhiều viện trong khi trình độ và điều kiện thực tế chưa đảm bảo.
Do đó, theo TS Nguyễn Đắc Nghĩa, khi có bệnh lý về khớp, điều trị các loại thuốc đông tây y không đỡ, cần phải phẫu thuật thì người bệnh nên tìm đến các chuyên gia đã được đào tạo nghiêm túc, ví dụ như Chương trình đào tạo hợp tác giữa Hội CTCH Việt Nam và Viện Hàn lâm Phẫu thuật viên Chỉnh hình Mỹ, nơi mà học viên sẽ phải học lý thuyết, mổ trên mô hình, quan sát và phụ mổ các ca phẫu thuật do chuyên gia giỏi đảm nhiệm - sau đó thực hiện mổ thật dưới sự giám sát của chuyên gia cho đến khi đạt yêu cầu và được cấp chứng chỉ công nhận mới đủ khả năng làm phẫu thuật thay khớp…
Ngoài ra, sự thành công của ca mổ cũng phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác như tiêu chuẩn vô trùng của phòng mổ, trang thiết bị hiện đại… Đặc biệt việc luyện tập ngay sau mổ tại trung tâm Phục hồi chức năng với các bài tập được hướng dẫn theo đúng quy trình có thể đảm bảo phục hồi chức năng khớp gối đến mức tối đa nhất trong thời gian ngắn.
Trần Phương