Thay đổi lối sống và chế độ ăn như thế nào để ngừa ung thư?

Minh Nhật

(Dân trí) - 1/3 số bệnh ung thư có thể phòng ngừa, 1/3 có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán sớm và cùng với điều trị chăm sóc hỗ trợ sẽ làm tăng chất lượng sống cho 1/3 số bệnh nhân ung thư còn lại.

Hơn 100.000 người Việt chết vì ung thư mỗi năm

Ung thư là một nhóm các bệnh liên quan đến việc tăng sinh tế bào một cách mất kiểm soát và những tế bào đó có khả năng xâm lấn những mô khác bằng cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hoặc di chuyển đến những phần khác trong cơ thể.

Thay đổi lối sống và chế độ ăn như thế nào để ngừa ung thư? - 1

Bệnh ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng ngày một gia tăng. Theo Viện nghiên cứu phòng chống ung thư, tại Việt Nam, ung thư mắc mới tăng từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 ca vào 2020.

Mỗi năm ở Việt Nam cũng có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tương ứng 315 người/ngày. WHO xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư (50 nước cao nhất thuộc top 1).

Ở nam giới, ung thư phổi chiếm tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu, kế đó là dạ dày, gan, đại trực tràng. Ở nữ giới lần lượt là ung thư vú, dạ dày, phổi. Phần lớn ung thư đều có thể chữa khỏi khi phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Tuy nhiên, thực tế, hầu hết người bị bệnh ung thư ở Việt Nam đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém.

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) cho rằng, hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 15 loại ung thư; 20% các ca ung thư liên quan đến bệnh truyền nhiễm; ăn uống không lành mạnh gây ra 1/3 gánh nặng ung thư; đáng sợ hơn nữa là các yếu tố nguy cơ ung thư do thói quen sinh hoạt thiếu khoa học của con người bắt tay nhau để hủy hoại cơ thể.

40% ung thư có thể phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh

40% ung thư ở mọi giới, mọi lứa tuổi có thể phòng ngừa nếu mọi người theo lối sống lành mạnh.

Theo đó, để phòng bệnh, các chuyên gia y tế trong và ngoài nước khuyến cáo cộng đồng cần chủ động bảo vệ bản thân bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Cụ thể, trong ăn uống cần ưu tiên cho dinh dưỡng thực vật gồm các loại rau, trái tươi, hạt, củ, đậu nguyên hạt.

Thay đổi lối sống và chế độ ăn như thế nào để ngừa ung thư? - 2

Thực vật nên chiếm ít nhất một nửa trong khẩu phần bữa ăn bởi thực vật chứa ít chất béo,nhiều chất xơ và nhiều chất kháng ung thư. Phần còn lại dành cho cá, thịt, trứng và thức ăn từ sữa, tuy nhiên nên dùng ít thịt bởi nó chứa nhiều chất béo gây ung thư.

Việc uống đủ nước mỗi ngày sẽ giúp kích hoạt miễn dịch, đưa chất dinh dưỡng khắp cơ thể, rửa sạch chất độc nhưng cần tránh các loại giải khát có đường.

Rau trái có màu đậm, sáng, tỏi, gừng, bột cà ri là nhóm thức ăn có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ, từ đó giúp phòng tránh ung thư hiệu quả.

Nên lựa chọn cá, thịt gà nhiều hơn các loại thịt đỏ như bò, heo, cừu. Dùng dầu thực vật, giảm ăn các món chế biến sẵn như xúc xích, thịt hun khói, đồ muối xổi.

Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia; chú ý ngủ sớm, ngủ đủ giấc; tăng cường vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ giúp hạn chế nguy cơ mắc ung thư cho cơ thể.