Thau rửa bể ngầm, làm sao cho an toàn?
(Dân trí) - Những bể ngầm chứa nước là nơi luôn tiềm tàng rủi ro với sức khỏe. Trên thực tế, đã từng có không ít trường hợp tử vong thương tâm do thiếu hiểu biết về an toàn lao động, khi làm việc ở những môi trường này.
Như Dân Trí đã đưa tin vào tối ngày 22/10, khi đang thau rửa lại bể nước ngầm của gia đình, anh N.V.A (ngụ tại Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã bất ngờ bị ngất đi và sau đó tử vong.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, những bể ngầm chứa nước, cũng như giếng nước là một môi trường luôn tiềm tàng rủi ro với sức khỏe. Trên thực tế, đã từng có không ít trường hợp tử vong thương tâm do thiếu hiểu biết về an toàn lao động, khi làm việc ở những môi trường này.
Những mối nguy hiểm ẩn mình bên dưới bể nước, giếng nước
Theo Tiến sĩ Phạm Thị Kim Giang, giảng viên ngành sư phạm Hóa, trường đại học Giáo dục, ở những bể ngầm đậy kín lâu ngày, cũng như giếng nước luôn tồn tại một lượng thán khí nhất định, phát sinh từ các hợp chất tồn tại trong nước, từ các hoạt động của vi sinh sinh vật, từ lớp bùn đọng bên dưới lớp đáy… Những khí này có thể bao gồm: CH4, SO2, CO2, H2S, CO và thi thoảng có C2H2, NH3 (thường phát sinh từ lớp bùn).
Tiến sĩ Phạm Thị Kim Giang, giảng viên ngành sư phạm Hóa, trường đại học Giáo dục
Tùy vào và tỷ lệ của các chất này mà không khí bên trong bể nước ngầm hoặc sâu bên dưới giếng nước có thể có mùi khó chịu (nhiều H2S, SO2,NH3) hoặc đôi khi chỉ là mùi nhẹ và thậm chí là còn khó phát hiện được.
“Hầu hết các trường hợp tử vong khi đang làm việc dưới giếng nước hoặc bể ngầm chứa nước đều do bị ngạt khí, bởi sự hiện diện ở nồng độ cao các thán khí kể trên đã chiếm hết Oxy cần thiết cho việc hô hấp” – Tiến sĩ Kim Giang nhấn mạnh
Trước khi thau rửa bể ngầm chứa nước người dân cần lưu ý điều gì?
Theo tiến sĩ Kim Giang, những thán khí bên trong bể ngầm chứa nước có thể dễ dàng loại bỏ bằng cách mở rộng nắp bể, tạo khoảng hở cho khí này tự bay ra. “Trước khi xuống bể nước ngầm thau rửa, người dân nên mở rộng nắp bể nước và chờ ít nhất 30 phút” – Tiến sĩ Kim Giang khuyến cáo.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng có những lưu ý sau để đảm bảo an toàn khi thau rửa bể ngầm:
- Khi làm việc trong các môi trường tiềm tàng khí độc như bể chứa nước hay giếng, không nên làm một mình, ít nhất cần có người đứng bên ngoài giám sát phòng trường hợp xấu xảy ra.
- Nên trang bị khẩu trang có lớp lọc than hoạt tính khi xuống bể nước thau rửa, trong trường hợp làm việc dưới giếng sâu, tốt nhất cần trang bị mặt nạ chuyên dụng.
- Trong quá trình làm việc nếu ngửi thấy mùi khó chịu hoặc cảm thấy khó thở, tức ngực, mệt mỏi hay bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, thì cần phải báo cho người làm cùng, người giám sát, đồng thời thoát ra bên ngoài ngay.
Sau vụ nguồn nước do Công ty Nước sạch sông Đà cung cấp bị ô nhiễm, nhiều người dân đang rục rịch thau rửa lại bể ngầm chứa nước của gia đình để đón "nước sạch". Để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, mỗi người cần nắm vững cho mình những kiến thức cơ bản về rủi ro cũng như cách phòng ngừa, xử lý, trước khi bắt đầu làm việc ở môi trường nguy hiểm này.
Minh Nhật