Thấp thỏm an ninh bệnh viện
(Dân trí) - Mặc dù đây là vụ bắt cóc trẻ sơ sinh thứ 2 xảy ra trong vòng 3 năm qua nhưng tình hình an ninh tại nhiều bệnh viện sản vẫn chưa thực sự được chú trọng. Sản phụ đi sinh sẽ còn tiếp tục phải lo lắng về sự an toàn của những em bé họ vừa sinh ra.
Những vụ gây rối, hành hung bác sĩ không quá hiếm ở nơi vốn tưởng như thanh bình nhất, chỉ dành để “chữa bệnh, cứu người”. Tuy nhiên, bắt cóc, hay gây án tại bệnh viện thì mới chỉ lác đác xuất hiện trong 1 vài năm trở lại đây. Và mặc dù không nhiều nhưng đủ để gây rúng động dư luận và đặc biệt khiến các sản phụ lo lắng mỗi khi vào viện sinh nở.
Đó là trường hợp đội lốt nhân viên y tế bắt cóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện Phụ sản TƯ (Hà Nội) vào cuối năm 2011. Kẻ gian đã trộm áo nhân viên bệnh viện, trà trộn vào phòng bệnh, đón bé Phạm Xuân Trường với lời nói dối là đưa con đi xét nghiệm và bế thẳng bé về nhà mẹ đẻ ở Bắc Giang.
Và 1 vụ việc tương tự lại xảy ra ở đầu kia của đất nước sau hơn 3 năm (đầu năm 2014) khi bé trai con chị N.T.M.T (41 tuổi, ngụ phường Phú Mỹ, quận 7) vừa sinh chiều 8/1 thì đến sáng 9/1 đã bị bắt cóc bởi 1 phụ nữ tự xưng là người nhà thai phụ chờ đẻ. Người phụ nữ này đã ngủ cả đêm tại phòng bệnh, mua sữa tặng cho con chị T. và chị T. cũng như nhân viên y tế không mảy may nghi ngờ cho đến khi sự việc xảy ra.
Trước đó, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng khi ngày 2/1/2014, bệnh nhân Trần Thanh Dung bị chính em ruột dùng dao gọt hoa quả cắt chân ngay tại phòng bệnh BV Xanh-Pôn. Mặc dù có mặt tại hiện trường nhưng điều dưỡng, kíp trực đã bị đối tượng này dùng dao dọa dẫm. Hậu quả, bà Dung đã phải phẫu thuật cắt bỏ phần tổn thương do dao cứa gây ra.
“Mất bò mới lo làm chuồng!”
Sau vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện quận 7 TP Hồ Chí Minh được thông tin, tại Hà Nội, nhiều sản phụ nằm viện cũng rất lo lắng, nhất là giai đoạn sau sinh mẹ và gia đình chưa được tiếp cận bé.
Tại BV Phụ sản Hà Nội, chị Trần Thị Thủy chia sẻ, chị sinh con được 3 tiếng, sinh thường mẹ đã được ra ngoài phòng sau sinh mà vẫn chưa được tiếp cận con. Đến khi gia đình được vào thăm nom sản phụ, em bé vẫn chưa được ra ngoài khiến lòng ai cũng nóng như lửa đốt.
“Dù được phát số con – số mẹ, biết em bé nằm phòng sơ sinh theo dõi nhưng mình vẫn không khỏi lo lắng, liệu có bị nhầm con không? Còn việc bắt cóc thì mình không lo, vì để ra được cổng bệnh viện, phải có giấy xuất viện mới được ra viện”, chị Thủy tâm sự.
Sáng 10/1, tại BV Phụ sản TƯ, công tác giám sát, kiểm tra sản phụ ra viện cũng được thực hiện như bình thường. Bé Lê Hoàng Tuân (sinh sáng 9/1) được bệnh viện cho xuất viện ở khoa sau đẻ tầng 6 nhà G. Để bế được con ra khỏi cửa, bảo vệ đã kiểm tra giấy ra viện và quá trình kiểm tra này tiếp tục được lặp lại ở cổng chính của bệnh viện.
Theo TS.BS Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản TƯ, quy trình kiểm tra xuất viện được thực hiện rất nghiêm ngặt. Phải trải qua 2 cửa kiểm tra gia đình mới được bế em bé ra khỏi bệnh viện. Nếu ngồi trên ô tô đi ra cổng, từ xe giám đốc đến các xe taxi đều phải mở kính, được kiểm soát của nhân viên bảo vệ.
Bệnh viện cũng lắp 25 camera tại vị trí nhạy cảm, đặc biệt là khoa sơ sinh. Tuy nhiên, vì bệnh viện quá tải, nên việc kiểm soát an ninh rất khó khăn, nhất là vào giờ thăm nom bệnh nhân. Vì thế, bệnh viện cũng tăng cường tuyên truyền cho bệnh nhân, để người bệnh cảnh giác với người lạ, kể cả với người mặc áo nhân viên bệnh viện nhưng có những hành vi bất thường.
Bệnh viện cũng tăng cường kiểm soát an ninh bệnh viện bằng lực lượng bảo vệ, vệ sĩ chuyên nghiệp. Tăng cường an ninh, kiểm soát ở các cửa, khoa nhạy cảm. Những khoa có trẻ em đều tăng cường lực lượng bảo vệ. Trên thực tế, mỗi sản phụ sẽ chỉ được phát 1 thẻ người thân, theo đó dù là người thân chăm nom hay vào thăm đều phải có thẻ này mới vào các khoa sản.
Trong khi bệnh viện Phụ sản TƯ rút kinh nghiệm sâu sắc sau khi vụ bắt cóc xảy ra thì ở TPHCM, nguyên tắc này chỉ được tuân thủ tại các bệnh viện lớn (bệnh viện tuyến thành phố, Trung ương), trong khi đó các bệnh viện nhỏ (tuyến quận huyện), công tác này trước và sau khi xảy ra vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện quận 7 vẫn khá lỏng lẻo. Trừ bệnh viện Quận 7 tăng cường an ninh, kiểm tra, còn các bệnh viện khác như bệnh viện quận 4, bệnh viện quận 6, bệnh viện Thủ Đức, việc kiểm tra giấy xuất viện chưa chặt. Ai chủ động trình giấy tờ thì kiểm tra còn không thì ra vào thoải mái.
Điều này cho thấy nếu lãnh đạo các bệnh viện sản nói riêng và các bệnh viện khác nói chung không ý thức được trách nhiệm của mình trong đảm bảo an ninh, an toàn cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện mình thì những vụ bắt cóc tương tự với thủ đoạn mới sẽ lại có thể tiếp tục xảy ra.
Hồng Hải - Trần Phương