Thao tác sai kỹ thuật, một sản phụ tử vong

Sáng ngày 6/5, chị Nguyễn Thị Thúy Trang (29 tuổi, ngụ tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) tử vong sau khi sinh con tại Bệnh viện đa khoa cao su Đồng Nai đã được gia đình đưa đi chôn cất.

Theo anh Chiến, sáng 2/5, chị Trang có dấu hiệu sinh nên anh đưa vợ đến Bệnh viện đa khoa cao su Đồng Nai (tại TX.Long Khánh) để sinh. Bác sĩ thông báo ca sinh nở sẽ diễn ra bình thường nên anh khá yên tâm.

 

Nhưng đến trưa cùng ngày, chị Trang chuyển dạ nhanh vào lúc 13h, chị đã sinh cháu trai nặng 3,8kg. Chừng 30 phút sau, khi đang ở bên ngoài phòng sinh, anh Chiến nghe tiếng vợ kêu to nên chạy vào thì thấy trên đùi vợ vừa có bánh nhau, vừa có một bộ phận tử cung, máu ra rất nhiều. Lúc này, có bác sĩ và một số hộ lý đang cố gắng đưa phần tử cung bị lộn ra ngoài trở lại bụng vợ anh.

 

Anh đề nghị bác sĩ trực cấp cứu chuyển vợ anh lên tuyến trên nhưng bác sĩ này cho biết bệnh viện có thể xử lý được. Vị bác sĩ này cũng nhờ anh Chiến chạy đến Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh (cách đó vài cây số) để mua 2 đơn vị máu. Khi anh Chiến về thì vợ anh đã trở nặng và được chuyển sang Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh.

  

Bác sĩ Lương Thị Bình, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh cho biết: “Khi tiếp nhận, sản phụ đã bị mất máu quá nhiều, đồng tử giãn, mạch không đo được. Chúng tôi đã hội chẩn khẩn cấp và quyết định cắt tử cung để cầm máu nên vừa truyền máu, hồi sức tích cực, vừa phẫu thuật cắt bán phần tử cung. Máu đã được cầm nhưng thấy bệnh nhân có dấu hiệu ngưng tim, ngưng thở nên chúng tôi chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện đa khoa Đồng Nai”.

 

Theo bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bệnh nhân vào viện gần như đã ngưng tim, ngưng thở và chết não, nhưng bệnh viện vẫn tích cực hồi sức. Đến ngày 3/5, thì chị Trang tử vong.

 

“Dù chưa có kết luận chính thức của hội đồng chuyên môn về nguyên nhân cái chết của sản phụ này, nhưng về chuyên môn, tôi cho rằng trong quá trình bóc nhau thai cho sản phụ, nhân viên y tế của Bệnh viện đa khoa cao su Đồng Nai đã thao tác sai kỹ thuật, dẫn đến việc tử cung bị lôi ra ngoài.

 

Tai biến sản khoa này vẫn có thể xảy ra, nhưng nếu có chuyên môn tốt, trang thiết bị và nguồn máu đầy đủ vẫn có thể xử lý được mà không gây tử vong cho sản phụ”, bác sĩ Vũ cho biết thêm.

 

Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa cao su Đồng Nai Nguyễn Thị Huệ cho biết: “Sau khi xảy ra cái chết của sản phụ Trang, chúng tôi kiểm tra lại toàn bộ bệnh án và thấy bệnh nhân tử vong do mất máu nhiều. Nguyên nhân mất máu là do bị lộn lòng tử cung, huyết áp tụt, dẫn đến bị choáng. Dự kiến tuần này chúng tôi tiến hành thành lập hội đồng chuyên môn để kiểm điểm rút kinh nghiệm”.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai chiều 6/5, bác sĩ Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Dù Bệnh viện đa khoa cao su Đồng Nai không thuộc quyền quản lý của Sở, nhưng Sở vẫn quản lý về chuyên môn. Vì thế, khi được báo tin, chúng tôi đã yêu cầu Ban giám đốc bệnh viện báo cáo lại toàn bộ sự việc. Đầu tuần, Sở sẽ làm việc với bệnh viện, đồng thời thành lập hội đồng chuyên môn để xác định nguyên nhân gây ra cái chết đối với sản phụ Trang”.
 

Trước đó, ngày 19/4, tại Bệnh viện đa khoa cao su Đồng Nai, sản phụ Mai Thị Lành, 39 tuổi, cũng ở xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) đã tử vong cả mẹ và con khi đến đây sinh. “Vụ việc này cũng khiến gia đình rất bức xúc”- chị Mai Thị Yến, chị gái của sản phụ Lành cho biết.

 

Theo Phương Liễu

Đồng Nai Online