Thảo dược giúp ăn ngon ngủ kỹ có thể hại trẻ

Nhiều phụ huynh nghĩ đơn giản rằng các thực phẩm chức năng kích thích ăn ngủ có nguồn gốc thảo dược cho con luôn an toàn, không có tác dụng phụ như thuốc Tây. Song, chính quan niệm này đã vô tình làm tổn hại tới sức khỏe lâu dài của các bé.

Ảnh mang tính minh họa

Ảnh mang tính minh họa

 

Tưởng là vô hại

 

Thấy trên tivi quảng cáo loại cốm thảo dược giúp bé ăn ngon, ngủ kỹ, chị Vũ Thiên Hương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bèn ra hiệu thuốc mua về cho con uống. Nấm, con gái chị, vừa đầy năm nhưng chỉ nặng 9kg, lại mắc chứng lười ăn, quấy đêm. Cả ngày bé chẳng chịu ăn gì ngoài bú mẹ, cố gắng lắm chị mới đút cho Nấm được vài thìa cháo.

 

Cũng khốn khổ vì con hay ốm, quấy khóc, lười ăn mà uống thuốc Tây mãi không đỡ, chị Đỗ Thúy Hằng (quận Tây Hồ, Hà Nội) đưa con đi cắt thuốc Nam. Thấy thầy lang cho túi bột thuốc màu trắng trắng, cam cam dặn bỏ vào thang thuốc khi đun, chị Hằng cũng “lăn tăn” lắm nhưng đánh liều cho con uống vì bé Nam dùng kháng sinh nhiều rồi mà vẫn không đỡ ho, lại còn phát sinh tiêu chảy kéo dài.

 

“Con dao 2 lưỡi”

 

Từ ngày chị Hương cho con dùng loại cốm thảo dược trên, bé Nấm ngủ nhiều và ít quấy đêm hơn hẳn, mặc dù tình trạng lười ăn vẫn chưa được cải thiện là mấy. Nhưng tình cờ người bạn gửi cho chị phần trả lời trên một trang báo điện tử về thuốc, khiến chị choáng váng. Một số mẹ khác cũng cho con dùng đúng loại cốm ăn ngon, ngủ kỹ như bé Nấm ngạc nhiên vì thấy con ngủ li bì không những vào ban đêm mà còn cả ban ngày. Một bà mẹ thấy không yên tâm nên có hỏi bác sĩ thì được trả lời rằng sản phẩm này không nên lạm dụng cho trẻ nhỏ. Dù là thảo dược nhưng bản chất của nó có chứa những hoạt chất an thần gây ngủ và tuyệt đối không dùng trong thời gian dài, vì nếu lạm dụng nó có thể làm trẻ thiếu oxy não, lâu dần dẫn tới phản ứng chậm chạp trước các hoạt động bên ngoài. Chị Hương vội bỏ ngay hộp cốm “thần dược” từng là cứu cánh cho những bữa ăn, giấc ngủ của con.

 

Còn vợ chồng chị Hằng sau khi tình cờ đọc được các thông tin trên mạng về tác hại khôn lường của loại thuốc cam khiến trẻ bị ngộ độc chì phải cấp cứu hàng loạt thì cũng hốt hoảng với gói thuốc đóng thủ công cam cam, trắng trắng do thầy lang kê.

 

Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thị Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai, khẳng định: “Việc bổ sung thảo dược và chất kích thích cho trẻ em ăn ngon, ngủ yên cần phải được kiểm nghiệm và có chứng nhận rõ ràng về liều dùng. Cơ thể trẻ khác người lớn. Một số thảo dược người lớn hấp thu tốt nhưng lại không có lợi cho trẻ em. Với những sản phẩm là thuốc kích thích trẻ ăn ngủ ngon, cần phải thực hiện theo đơn của bác sĩ. Tùy thể trạng từng trẻ, bác sĩ sẽ kê đơn phù hợp. Các mẹ không nên tùy tiện mua về cho con dùng”. Đồng thời, các phụ huynh nên lưu ý việc lạm dụng và tự ý dùng các loại thuốc kích thích rất nguy hiểm cho trẻ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Nếu dùng nhiều lần, kéo dài, trẻ sẽ bị mỏi mệt, não luôn trong trạng thái ức chế, không tốt cho phát triển trí tuệ.

 

Bác sĩ Liên cũng cho biết thêm: “Những trẻ phát triển bình thường, nếu ăn uống kém thì cha mẹ nên cho con dùng một số sản phẩm kích thích ăn uống như vitamine chất khoáng giúp trẻ ăn ngon hoặc men tiêu hóa. Trẻ nhỏ do hệ thần kinh chưa được hoàn thiện nên những năm đầu đời thường gặp những vấn đề như: Ngủ không sâu, hay giật mình, mồ hôi trộm... Đó là những rối loạn sinh lý bình thường của trẻ, tình trạng này sẽ dần được cải thiện khi trẻ lớn hơn, được tiếp xúc nhiều hơn với môi trường bên ngoài. Thông thường tất cả những chất bổ sung khi vào cơ thể đều phải chuyển hóa và đào thải qua gan và thận. Vì vậy nếu cơ thể trẻ không cần thiết phải sử dụng thì đừng nên vô tình làm tăng thêm gánh nặng cho các cơ quan trong cơ thể trẻ”.

 

Theo Thảo Nhiên

Phụ nữ Việt Nam