Thanh tra Chính phủ: Chưa phát hiện thấy có sự ưu tiên nào để Công ty VN Pharma được trúng các gói thầu

(Dân trí) - Năm 2017, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) đã đặt ra vấn đề dư luận cũng nghi ngờ tại sao thuốc của VN Pharma đấu thầu đâu trúng đó. Vấn đề này, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết: Thanh tra Chính phủ chưa phát hiện thấy có sự ưu tiên nào để Công ty VN Pharma được trúng các gói thấu.

Chưa phát hiện thấy có sự ưu tiên nào cho Công ty VN Pharma

Kết luận 1574 của Thanh tra Chính phủ cho hay, hoạt động kinh doanh chính của Công ty VNPharma là bán ra thị trường tự do các mặt hàng thuốc (nhập khẩu, sản xuất trong nước), nhập nguyên liệu sản xuất thuốc bán cho các công ty dược phẩm để sản xuất thuốc và bán thuốc cho các cơ sở y tế công lập thông qua đấu thầu.

Theo số liệu báo cáo thì doanh thu của công ty VN Pharma từ năm 2011 đến năm 2014 là 2.117.636 triệu đồng. Trong đó: bán thuốc và nguyên liệu ra thị trường tự do là 1.609.383 triệu đồng, chiếm 76% doanh thu; bán thuốc thông qua trúng các gói thầu của 26 địa phương và 12 bệnh viện tuyến Trung ương là 508.253 triệu đồng, chiếm 24% tổng doanh thu.

Kết quả kiểm tra các gói thầu cho thấy, Công ty VN Pharma trúng thầu thuốc tại 06 địa phương (An Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh và Thành phố HCM) và 04 bệnh viện tuyến Trung ương (Bệnh viện chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ và Bệnh viện Trung ương Huế), với tổng giá trị trúng thầu là 699.270 triệu đồng, chiếm 93,1% giá trị trúng thầu của Công ty VN Pharma trên toàn quốc.

Số lượng các mặt hàng thuốc Công ty VN Pharma trúng thầu tại các địa phương và bệnh viện được kiểm tra chiếm tỷ lệ 20% đến 25% tổng số các mặt hàng thuốc Công ty tham dự thầu. Đơn giá các mặt hàng thuốc Công ty trúng thầu là đơn giá thấp nhất. Nhiều mặt hàng thuốc trúng thầu nhưng một số cơ sở y tế không mua hoặc mua không đủ số lượng như hợp động đã ký. Thanh tra Chính phủ chưa phát hiện thấy có sự ưu tiên nào để Công ty VN Pharma được trúng các gói thấu.

Kiến nghị xử lý 5 địa phương, 4 bệnh viện tuyến Trung ương

Kết luận cũng cho hay, qua kiểm tra công tác đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế trên, phát hiện một số dạng khuyết điểm, sai phạm.

Cụ thể, về xây dựng kế hoạch đấu thầu: số lượng và danh mục thuốc trong kế hoạch đấu thầu một số đơn vị xây dựng thiếu căn cứ, không sát với tình hình thực tế sử dụng thuốc dẫn đến tổng giá trị gói thầu cao hơn so với tổng giá trị thuốc thực tế sử dụng 12 tháng liền kế từ 50% đến 1600%; đơn giá kế hoạch nhiều mặt hàng lấy chưa đầy đủ đơn giá trúng thầu 12 tháng gần nhất trên Website của Cục Quản lý dược để làm căn cứ xây dựng và thẩm định giá trị gói thầu dẫn đến cùng một thuốc tại cơ sở y tế này có giá trúng thầu cao, tại cơ sở y tế khác có giá trúng thầu thấp; Biên bản họp Hội đồng thuốc và điều trị thiếu chữ ký của các thành viên hội đồng.

Một số đơn vị chậm thẩm định và phê duyệt kết hoạch đấu thầu thuốc; thiếu kiểm tra, đôn đốc, giám sát các cơ sở y tế thực hiện công tác đấu thầu; phê duyệt kết hoạch đấu thầu nhưng không quy định hình thức hợp đồng.

Một số đơn vị lập hồ sơ mời thầu thiếu nội dung theo mẫu quy định; bản thỏa thuận liên danh trong hồ sơ dự thầu của một số nhà thầu không xác định rõ khối lượng công việc của từng thành viên liên danh; hồ sơ dự thầu của một số nhà thầu không có hợp đồng tương tự đạt 70% giá trị chào thầu, nhưng Tổ chuyên gia vẫn xét đủ điều kiện năng lực và kinh nghiệm nhà thầu; thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu vượt quá thời gian quy định,

Trước khi ký hợp đồng mua thuốc một số đơn vị không thương thảo hợp đồng; không yêu cầu nhà thầu cam kết biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng; mua thuốc theo hình thức mua sắm trực tiếp nhưng chưa thực hiện đúng quy trình; không quy trách nhiệm của nhà thầu phải cung cấp các tài liệu để kiểm soát chất lượng thuốc; ký hợp đồng mua thuốc nhưng một số mặt hàng không mua hoặc mua với tỷ lệ thấp do việc lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch đấu thầu thuốc chưa sát với nhu cầu thực tế sử dụng; không thanh lý hợp đồng theo quy định; không thống kê được những vi phạm của các nhà thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng để báo cáo theo quy định; không báo cáo được danh sách và lý do các nhà thầu vi phạm hợp đồng không cung cấp được thuốc cho các cơ sở y tế.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các địa phương An Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, TPHCM và các bệnh viện: Bệnh viện chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ và Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức kiểm điểm đối với những tồn tại, vi phạm trong công tác đấu thầu mua thuốc tại địa phương và bệnh viện tuyến Trung ương đã được thanh tra; Chỉ đạo kiểm điểm và có biện pháp xử lý phù hợp với tập thể, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, vi phạm tại địa phương, đơn vị mình.

Liên quan đến việc 02 thuốc của Công ty Helix trùng tên với 02 thuốc của Công ty Health 2000 nhưng vẫn được cấp số đăng ký, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết: Nội dung này liên quan đến sở hữu trí và chuyên môn ngành Dược vì vậy Thanh tra Chính phủ đã có văn bản đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xác nhận các thuốc có trùng tên hay không. Ngày 11/9/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có văn bản trả lời vấn đề này. 

Kết luận nhấn mạnh, căn cứ vào ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ thì các thuốc trên không trùng tên. 

Nguyễn Hùng