Thanh Hóa: Số trẻ phản ứng sau tiêm vắc xin có dấu hiệu tăng đột biến
(Dân trí) - Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2012, Thanh Hóa đã xảy ra 83 trường hợp phản ứng sau tiêm vắc xin, riêng huyện Hoằng Hóa chiếm hơn một nửa số trường hợp trên. Trong khi trước đó, năm 2011, cả tỉnh là 38 trường hợp phản ứng sau tiêm.
Theo thông tin từ Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa cho biết từ tháng 1 đến hết tháng 9/2012, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 83 trường hợp phản ứng với vắc xin Quinvaxem “5 trong 1”.
Điều đáng nói là so với năm 2011, số trường hợp phản ứng sau tiêm vắc xin năm 2012 tăng hơn gấp đôi khiến dư luận vô cùng hoang mang. Những trẻ bị phản ứng sau tiêm vắc xin thường có các triệu chứng sốt, sưng tấy vị trí tiêm, quấy khóc, tim đập nhanh, huyết áp tụt. Những biểu hiện trên được liệt vào dạng phản ứng nhẹ sau khi tiêm.
Năm 2011, cả tỉnh Thanh Hoá có 38 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm vắc xin “5 trong 1”, rải rác đều ở các huyện. Tuy nhiên, bước sang năm 2012, mới chỉ tính 9 tháng đầu năm, với số lượng 134.630 liều vắc xin mà Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa đã cấp thì số trẻ phản ứng sau tiêm vắc xin đã lên đến 83 trường hợp.
Tại huyện Hoằng Hóa, năm 2011, số trường hợp bị phản ứng chỉ có 10 trẻ, nhưng cho đến thời điểm này của năm 2012, với số lượng 10.000 liều đã được dùng hết thì đã có tới 43 trẻ bị phản ứng sau tiêm vắc xin, những trẻ này hầu hết ở tất cả các xã trong huyện. Trong số 43 trường hợp trên đều được xác nhận là tai biến đơn thuần, sau vài ba ngày thì trẻ trở lại bình thường.
Tình trẻ bị phản ứng sau khi tiêm vắc xin tại Hoằng Hoá chiếm số lượng nhiều nhất so với toàn tỉnh, theo bà Lê Thị Minh, Phó khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm y tế dự phòng huyện Hoằng Hóa cho biết: “Số trường hợp phản ứng sau tiêm vắc xin xảy ra trên địa bàn huyện Hoằng Hóa nhiều có thể là do Trung tâm y tế của huyện làm sát sao, chặt chẽ, báo cáo con số thật về số ca phản ứng nhẹ, còn những huyện khác do phản ứng nhẹ quá nên họ không đưa lên, không báo cáo hoặc không làm chặt chẽ như ở Hoằng Hóa”.
“Việc phản ứng sau tiêm không liên quan gì đến quy trình, cũng như quá trình tiêm vắc xin. Tất cả 43 trạm y tế trên địa bàn huyện, mỗi xã đều có ít nhất 2 cán bộ đã có chứng chỉ tiêm vắc xin. Hiện số thuốc cấp về cho Hoằng Hóa luôn thiếu vì thế không có chuyện vắc xin được lưu lại tại trạm y tế nên vắc xin luôn được đảm bảo trước khi tiêm cho trẻ. Đối với những trẻ có bệnh về cấp tính chúng tôi sẽ cho lùi lại ở tháng sau và tiêm cho đến khi đủ liều, riêng đối với bệnh mãn tính chúng tôi phải cân nhắc xem trường hợp đó có nên tiêm hay không”, bà Minh cho biết thêm.
Còn Ông Vũ Duy Hưng, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hoằng Hóa khẳng định: “Trên thực tế việc bảo quản vắc xin được đảm bảo từ khâu tổ chức, dây truyền lạnh và được giám sát thường xuyên. Các cán bộ tại các trung tâm y tế của xã cũng được đào tạo, tập huấn đầy đủ và được trung tâm y tế huyện cấp chứng chỉ về việc tiêm vắc xin. Mặc dù với con số trường hợp bị phản ứng sau tiêm vắc xin “5 trong 1” nhưng chỉ dừng lại ở phản ứng nhẹ, đa phần tai biến đơn thuần. Từ khi triển khai năm 2010 đến nay, trên địa bàn chưa có trường hợp nào nặng đến mức phải đưa đi cấp cứu”.
Việc nguyên nhân khiến số trẻ phản ứng sau tiêm vắc xin tăng đột biến chưa được cơ quan chức năng xác định. Tuy nhiên nếu một số huyện trong tỉnh báo cáo con số chưa chính xác so với huyện Hoằng Hóa thì có chăng số trẻ phản ứng sau tiêm vắc xin có thể không chỉ dừng lại ở 83 trường hợp?
Nguyễn Thùy - Duy Tuyên