“Thánh cô” chữa bách bệnh bằng nước lã: Phải xử lý nghiêm
Thời gian gần đây, người dân từ nhiều nơi đổ xô về am thờ của bà Lê Thị Thu Hường ở số nhà 73, thôn Tân Hòa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) xin “nước thánh” chữa bệnh.
Thời gian gần đây, người dân từ nhiều nơi đổ xô về am thờ của bà Lê Thị Thu Hường ở số nhà 73, thôn Tân Hòa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) xin “nước thánh” chữa bệnh. Người đến chữa bệnh phần lớn ở các huyện, thị trong tỉnh, thậm chí có cả những người ở tỉnh, thành lân cận cũng về xin “thánh cô” trị bệnh. Nước của “thánh cô” được đồn thổi có khả năng trị bách bệnh, kể cả thoái hóa cột sống, vô sinh, đến ung thư…
Nước lã được hô biến thành “nước thánh”
Chiều một ngày cuối tháng Giêng năm Đinh Dậu, trong vai người đi cầu may, chúng tôi đến am thờ của bà Hường. Cách ngã ba Sóc Nê khoảng 200m, dưới tán vườn điều già nhà bà Hường là căn nhà lợp tôn, khung sắt và che chắn bằng tôn. Bên trong có 4 bàn thờ phật, một bàn thờ cha mẹ, còn bên ngoài xây thêm 2 miếu thờ thánh. Chủ nhà cho biết, hằng ngày đều có người lui tới, nhưng đông nhất là vào các ngày “vía bà” mồng 8, 18 và 28 âm lịch hằng tháng.
Sau một hồi trò chuyện, tôi ngỏ ý xin “thánh cô” chữa bệnh thì được hướng dẫn phải ra ngoài mua một chai nước (nước lọc đóng chai) mang vào đặt lên bàn thờ phật, rồi thắp nhang, khấn vái và cầu nguyện những điều mình mong muốn. Lễ xong mang nước về uống, nếu được thánh thần chứng giám sẽ khỏi bệnh, còn không thì coi như thiếu may mắn.
Thấy lạ vì “thánh cô” không thực hiện việc chữa bệnh như mọi người mô tả trước đó nên tôi ngầm để ý và phát hiện xung quanh nhà của “thánh cô” đều có các “vệ tinh” theo dõi và họ đã phát hiện ra “những vị khách có biểu hiện khả nghi”.
Theo lời kể của một người bệnh ở xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh), người đến chữa bệnh thường tập trung đông từ lúc 10-12 giờ trưa. Chữa cho ai, bà Hường kêu đối tượng vào, thắp nhang niệm chú rồi cầm chai nước đã được người bệnh mua đặt trên bàn thờ phật trước đó. Kế đến bà Hường lên đồng, hỏi bệnh, người bệnh nói bệnh gì, đau ở khu vực nào thì sờ nắn, xoa bóp vùng cơ thể liên quan của người bệnh và nói một thứ ngôn ngữ mọi người không hiểu.
Sau khi làm lễ, “thánh cô” phán bệnh, cho biết nguyên nhân bị bệnh rồi yêu cầu người bệnh dùng nước đã được “thần thánh” ban phước đem về uống. Uống hết nước, nếu chưa bớt, tiếp tục đến xin “thánh cô” chữa trị. “Cô” không yêu cầu phải đặt lễ bao nhiêu mà tùy tâm người bệnh. Phần lớn bệnh nhân đều từ xa đến, người này nói cho người khác, không biết có khỏi bệnh không nhưng thấy hay và để an tâm tư tưởng nên rủ nhau đến.
Bà V.N.H, một người dân ở xã Tiến Thành cho biết: “Vào những ngày “vía bà”, có từ 50-60 người đến chữa bệnh và cầu may, ngày thường cũng có nhưng ít hơn. Đã có nhiều người đến chữa bệnh, được bà Hường cho nước uống, bệnh tình không thuyên giảm mà còn nặng thêm.
Sống ở đây lâu năm, chúng tôi hiểu rất rõ về bà Hường. Vì vậy, am thờ của bà Hường chỉ thu hút người từ nơi khác đến cầu may và chữa bệnh, còn người dân ở đây rất bức xúc về việc làm của bà Hường và đã nhiều lần báo với chính quyền.
Chúng tôi cho rằng, đây là hành vi mê tín dị đoan, lôi kéo người từ nơi khác về tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Từ đầu năm đến nay, trên đoạn đường từ ngã ba Sóc Nê vào Trường cấp 2-3 Tân Tiến đã xảy ra 3 vụ cướp giật và đã có một trường hợp bị mất xe máy.
Bà con mong muốn chính quyền có biện pháp cứng rắn không để tình trạng này tiếp diễn. Nếu là thầy thuốc phải có chứng chỉ hành nghề, còn không phải thì không để tụ điểm như thế này phát sinh”.
Cần xử lý nghiêm hành vi coi thường pháp luật
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Trần Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước cho biết: “Nhận thấy đây là am thờ trái phép, có biểu hiện mê tín dị đoan, Đảng ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể xã đã đến nhà và trực tiếp mời ra trụ sở UBND xã làm công tác tư tưởng, vận động gia đình và mọi người chấp hành pháp luật 4 lần, nhưng bà Hường luôn tỏ thái độ không chống đối cũng không đồng tình”.
Ông Thành cho biết thêm, chúng tôi đã yêu cầu bà Hường chấm dứt việc lên đồng, chữa bệnh trái phép. Nếu thờ cúng tại gia phải xin phép chính quyền theo đúng quy định pháp luật, đồng thời đề nghị gia đình tuyên truyền, vận động người dân không đến thắp nhang cúng bái. Cũng theo ông Thành, mặc dù đã được phân tích, giảng giải thấu tình đạt lý nhưng bà Hường vẫn không hợp tác mà thách đố.
“Sau lần tuyên truyền, vận động này nếu bà Hường tiếp tục tái phạm, UBND xã sẽ xử phạt vi phạm hành chính. Nếu tái phạm sau xử phạt, chính quyền sẽ đề nghị cơ quan chức năng xử lý hình sự theo quy định của pháp luật”, ông Trần Văn Thành quả quyết.
Ngày 15/2/2017, UBND xã Tân Tiến đã có buổi làm việc với hộ bà Hường, trong đó có đại diện các phòng, ban chức năng của huyện Bù Đốp... Tuy nhiên, bà Hường vẫn không hợp tác mà tự ý bỏ về khi cuộc họp chưa kết thúc.
Tại cuộc họp, đại diện Ban Dân vận Huyện ủy Bù Đốp, tỉnh Bình Phước cho rằng: Hành vi làm phép chữa bệnh của bà Hường đã tạo niềm tin ảo trong nhân dân. Việc làm am thờ tự của bà Hường là trái quy định, cần thu gọn lại và chỉ thờ cúng trong phạm vi gia đình.
Đại diện Phòng Nội vụ huyện Bù Đốp cũng khẳng định: Tất cả các tổ chức tôn giáo muốn hoạt động phải có giấy phép. Việc gia đình bà Hường thờ mẫu là tự do tín ngưỡng của mọi người, pháp luật không cấm, nhưng lôi kéo nhiều người đến tụ tập là trái quy định của pháp luật.
Theo Hoài An
Sức khỏe & Đời sống