Thận trọng với thuốc chữa viêm mũi dị ứng

Khí hậu khó lường, tình trạng ô nhiễm tăng, mật độ dân cư đông đúc... đã làm gia tăng số người mắc viêm mũi xoang dị ứng, dị ứng họng, hen, dị ứng da... Trong đó, theo thống kê, số bệnh nhân viêm mũi dị ứng chiếm tới 40 - 45%.

Hiểu rõ…

 

Dị ứng là một bệnh toàn thân, có thể xuất hiện ở bất kỳ cơ quan nào của cơ thể như mắt, da... trong đó mũi và xoang mũi là một bệnh rất phổ biến.

 

Viêm mũi xoang dị ứng cũng là một biểu hiện cục bộ tại bộ phận mũi xoang khi tiếp xúc với các dị nguyên (yếu tố gây dị ứng) như bụi nhà, thực phẩm (trứng, sữa, các loại hải sản..), thuốc, phấn hoa, sự thay đổi các yếu tố của môi trường: độ ẩm, nhiệt độ... tinh thần căng thẳng, nội tiết tố, vi khuẩn, vi rút...

 

Dị ứng tùy thuộc từng cá thể, tuy nhiên bản chất của cơ địa đến nay vẫn chưa thật sáng tỏ, người ta nêu ra các biểu hiện không bình thường ở người có cơ địa dị ứng: tăng bạch cầu eosino trong máu và dịch tiết niêm mạc, khả năng gắn histamin của huyết thanh giảm. Gần đây (nghiên cứu của Ishizaka và Johanson) vai trò của IgE trong máu và dịch tiết (dịch tiết và chất lượng), nhất là vai trò của tế bào lympho trong cơ chế tăng và ức chế tạo IgE.

 

Một số tác giả nghiên cứu thấy rằng khi tiếp xúc với dị nguyên người ta có thể mẫn cảm dần dần, do đó chúng ta đều có thể bị dị ứng, trừ những người không có khả năng tạo kháng thể. Tình trạng mẫn cảm phụ thuộc vào liều lượng và thời gian tiếp xúc với dị nguyên.

 

Người dị ứng có thể sống một thời gian dài mà không có biểu hiện thành bệnh lý, trong khi đó các xét nghiệm chứng tỏ tình trạng dị ứng của cơ thể như nghiệm ứng da, hoặc nghiệm ứng đặc hiệu khác vẫn dương tính. Thế cân bằng này không ổn định và bệnh dị ứng sẽ xuất hiện khi có một số yếu tố thuận lợi: tiếp xúc ồ ạt với dị nguyên vượt quá ngưỡng, tinh thần căng thẳng, stress, nội tiết: phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt, tiền mãn kinh, thuốc tránh thai, trẻ em nam hen nhiều hơn nữ, bệnh dị ứng tăng hay giảm đi khi trưởng thành...

 

… để điều trị đúng

 

- Dự phòng bằng thay đổi môi trường sống, chuyển chỗ ở, chỗ làm việc nếu tìm được yếu tố dị nguyên nhưng phương pháp này thường rất khó thực hiện, chủ yếu giữ nhà cửa luôn thoáng mát, sạch sẽ, giặt giũ kỹ các ga trải giường, chăn, áo, gối, tránh sử dụng bếp than tổ ong bừa bãi, tránh nuôi súc vật trong nhà.

 

- Loại trừ các yếu tố thuận lợi như thay đổi khí hậu đột ngột khi ra khỏi chăn khi ngủ dậy, ra khỏi phòng đang ấm hoặc đang lạnh, tránh tiếp xúc với các chất kích thích (bụi khói, khói thuốc lá, chất sát trùng tại các hồ bơi...), tránh ăn những thức ăn kích thích như quá lạnh, quá cay, đồ hải sản...

 

- Nâng cao sức đề kháng tự nhiên, giảm sự nhạy cảm của cơ thể bằng các yếu tố vi khoáng chất, khí hậu liệu pháp, tắm suối nước nóng, châm cứu, tập thể dục thường xuyên....

 

- Điều trị triệu chứng bằng thuốc kháng histamin gồm cả kháng H1 và H2, thuốc chống cholinergic, coricoid toàn thân và tại chỗ, vitamin C... Cây hoa ngũ sắc (dân gian gọi là hoa cứt lợn) cũng có tác dụng khá tốt với viêm mũi dị ứng nhưng phải kết hợp các biện pháp khác và tìm nguyên nhân để phòng tránh.

 

- Điều trị đặc hiệu: bằng phương pháp giải mẫn cảm khi tìm được dị nguyên, ở Việt Nam thường gặp do bụi nhà. Giải mẫn cảm đặc hiệu tức là đưa dị nguyên vào cơ thể với liều nhỏ và tăng dần để tạo kháng thể bao vây thay đổi cách đáp ứng của cơ thể với yếu tố dị nguyên và vì thế làm mất triệu chứng dị ứng bằng cách tiêm trong da liều dị nguyên tăng dần, cách quãng (nồng độ từ 0,01% - 1%). Thời gian điều trị thường kéo dài từ 6 tháng đến 5 năm.

 

- Với những bệnh nhân xuất hiện thoái hóa niêm mạc hình thành políp, thoái hóa cuốn mũi, có một số yếu tố thuận lợi về cấu trúc giải phẫu như vẹo vách ngăn, gai vách ngăn... nên kết hợp điều trị phẫu thuật, nhưng nên nhớ rằng đây chỉ là một biện pháp điều trị phối hợp với điều trị nội khoa để nhanh chóng đem lại sự thông thoáng cho các lỗ dẫn lưu tự nhiên của hệ thống xoang, nếu chỉ mổ đơn thuần khả năng tái phát bệnh sau đó là hiển nhiên.

 

… để không dùng thuốc tùy tiện

 

Trong các thuốc chữa viêm mũi dị ứng, nhóm thuốc chống viêm được sử dụng nhiều nhất, đặc biệt là những bệnh lý viêm mũi dị ứng. Nhóm thuốc chống viêm corticoid cải thiện triệu chứng chảy mũi, hắt hơi, ngạt tắc mũi rất có hiệu quả nên hay được sử dụng rộng rãi.

 

Nhưng điều nguy hiểm là bệnh nhân lại thường tự mách nhau điều trị hoặc sau khi đi khám một lần thấy có hiệu quả họ lại tự tìm mua thuốc đó và sử dụng kéo dài, đến khi xảy ra các biến chứng của thuốc mới quay trở lại bệnh viện, dẫn đến xuất hiện thêm một loại bệnh lý mới gọi là viêm mũi xoang do thuốc.

 

Đây là một loại bệnh lý khi đã mắc phải rất khó chữa trị bằng nội khoa thông thường mà được khắc phục bằng phẫu thuật và để lại hậu quả không nhỏ. Mặc dù được điều trị tích cực nhưng hệ thống mũi xoang và lông chuyển niêm mạc không bao giờ có thể trở về trạng thái bình thường được.

 

Với các thuốc chống viêm có coricoid dạng nhỏ như polydexa, collydexa... người bệnh được thầy thuốc chỉ định cho dùng dưới 7 ngày. Tuy nhiên, hiện nay các thuốc chống viêm có corticoid dạng xịt được bào chế dưới dạng phun sương (Budenase) có thể được sử dụng với thời gian kéo dài nhưng phải có sự theo dõi chặt chẽ, và hiệu chỉnh liều sử dụng theo tiến triển hoặc suy thoái của bệnh từ các thầy thuốc chuyên khoa đến khi mũi xoang trở lại bình thường. Tránh tình trạng quen thuốc do điều trị dở dang và kết quả là không khỏi được bệnh.

 

Thuốc dạng này thường có chỉ định trên 6 tuổi, tuy nhiên một vài trường hợp đặc biệt có sự theo dõi biến chuyển của niêm mạc mũi thường xuyên có thể dùng được cho bệnh nhi trên 1 tuổi. Độ sinh khả dụng toàn thân của thuốc thường là 14 - 33%. Khi sử dụng thuốc, nồng độ thuốc đạt tối đa trong vòng 40 phút. Thuốc corticoid điều trị tại chỗ trong các bệnh viêm mũi dị ứng quanh năm và viêm mũi dị ứng theo mùa. Điều trị polyp mũi, dự phòng tái phát.

 

Thuốc corticoid tại chỗ tuy chỉ hấp thu vào máu khoảng 2% nhưng nếu không được dùng đúng cách cũng sẽ gây một số biến chứng do corticoid nói chung, nhất là trẻ em dưới 2 tuổi như không kích thích vỏ thượng thận tiết hormon, làm tuyến vỏ thượng thận bị teo, gây hội chứng biến dưỡng hậu quả từ việc tăng giữ muối, nước, gây hiện tượng béo giả, ứ đọng mỡ ở một số bộ phận như mặt, gây tăng đường huyết - nguy cơ của đái tháo đường. Bên cạnh đó làm tăng huyết áp, giảm kali máu kết hợp rối loạn cân bằng muối - nước gây nhiều bất lợi cho người bị bệnh tim mạch, người glôcôm... Rối loạn quá trình tái tạo xương, biến dưỡng cơ dẫn đến loãng xương và teo cơ. Giảm sức đề kháng chung của cơ thể nên rất dễ bị nhiễm trùng, nhiễm nấm, đặc biệt là ở hệ thống mũi xoang. Một số trường hợp xuất hiện rối loạn kinh nguyệt hoặc chảy máu mũi.

 

Bệnh mũi xoang gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày. Nếu cần phải sử dụng thuốc phải được đi khám và điều trị tại cơ sở chuyên khoa để an toàn và hiệu quả.

 

Theo ThS. Phạm Thị Bích Đào

Sức khỏe & Đời sống

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm