1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM:

Tham nhũng trong y tế, “kẻ ở tù người nhởn nhơ”

(Dân trí) - Nhiều tổ chức, cá nhân công tác trong lĩnh vực y tế thành phố đã bị phanh phui hành vi tham nhũng thu về ngân sách hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, kẻ “ăn ít” thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự phải lãnh án tù còn kẻ vơ vét nhiều lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Ngày 22/12/2015, Sở Y tế TPHCM đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng. Tại buổi tổng kết, ông Bùi Minh Trạng, Chánh thanh tra Sở Y tế, cho biết, thời gian qua các đơn vị thanh tra đã tổ chức thanh tra định kỳ và thanh tra đột xuất việc chống tham nhũng tại các cơ sở y tế và đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến hành vi tham nhũng.

Cụ thể năm 2013, Sở Y tế đã tiến hành thanh tra toàn diện tại bệnh viện Bình Dân, quá trình thanh tra đã thu nộp ngân sách nhà nước tổng số tiền gần 2,8 tỷ đồng. Trong đó, thất thu từ việc liên doanh liên kết của bệnh viện là hơn 253 triệu đồng; chi sai thu nhập từ hoạt động dịch vụ cho 5 cá nhân hơn 2,54 tỷ đồng.

Bệnh viện Bình Dân, TPHCM nơi đã xảy ra hàng loạt bê bối, tham nhũng
Bệnh viện Bình Dân, TPHCM nơi đã xảy ra hàng loạt bê bối, tham nhũng

Những người đã được nhận tiền chi sai gồm ông Đặng Đình Hoan, bác sĩ Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh nhận 41,4 triệu đồng; ông Nguyễn Chí Hùng lúc đương nhiệm là Giám đốc bệnh viện nhận 929,8 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó giám đốc bệnh viện nhận 592,7 triệu đồng; ông Vũ Lê Chuyên, Phó giám đốc bệnh viện nhận 328,7 triệu đồng; ông Hoàng Vĩnh Chúc, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp bệnh viện nhận 200 triệu đồng; bà Trần Thị Xuyến, Kế toán trưởng của bệnh viện nhận 449,6 triệu đồng.

Đây là vụ việc báo chí đã tốn nhiều giấy mực để vạch trần hành vi của nhóm lợi ích trong bệnh viện khi móc nối với các tổ chức bên ngoài đưa máy móc, trang thiết bị vào bệnh viện kinh doanh, móc túi người bệnh, chia nhau lợi nhuận. Tuy nhiên, sau thanh tra, dù các sai phạm đã được làm rõ nhưng hành vi phạm tội trên chỉ được xử lý theo hình thức, bệnh viện nộp ngân sách khoản thất thu từ việc liên doanh, liên kết và 5 cá nhân đã vơ vét số tiền hơn 2,54 tỷ đồng chỉ phải nộp lại số tiền chi sai từ hoạt động dịch vụ.

Trái ngược với cách xử lý trên là vụ việc xảy ra tại bệnh viện Nhi Đồng 1. Vào năm 2009, tổ kiểm tra của bệnh viện đã phát hiện dược sĩ Nguyễn Bảo Điền lấy một số thuốc lẻ tại khoa Dược với tổng giá trị là 24,4 triệu đồng. Sau khi làm rõ sai phạm của viên dược sĩ trên, bệnh viện đã báo cáo lên Sở Y tế. Dù ông Điền đã bồi hoàn lại số tiền chiếm đoạt cho bệnh viện nhưng vẫn phải nhận hình thức kỷ luật buộc thôi việc. Không dừng lại ở đó, hành vi tham nhũng của ông Điền đã bị chuyển sang cơ quan Cảnh sát điều tra. Ngày 25/9/2009, Tòa án Nhân dân quận 10, TPHCM đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt đối với ông Nguyễn Bảo Điền 2 năm 6 tháng tù giam.

Tiếp đó, cũng tại bệnh viện Nhi Đồng 1 vào năm 2013 đơn vị này phát hiện một vụ việc có dấu hiệu tham nhũng của hai cá nhân với số tiền thiệt hại ước tính khoảng 296 triệu đồng. Vụ việc đã được bệnh viện chuyển sang cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận 10, hiện đang trong quá trình điều tra, khởi tố vụ án. Ngoài ra, vào năm 2014, bệnh viện Nhân Dân 115 phát hiện ông Lê Mạnh Hùng, nguyên cán bộ của bệnh viện tham ô viện phí với số tiền 179,5 triệu đồng nhưng ông Hùng chỉ bị buộc thôi việc và bồi hoàn số tiền tham ô.

Sau những vụ việc điển hình trên, dư luận đặt câu hỏi, liệu cách xử lý của ngành y tế thành phố và các đơn vị liên quan đối với hành vi tham nhũng của các tổ chức, cá nhân sai phạm đã đảm bảo tính công bằng và sự nghiêm minh của pháp luật bởi kẻ “ăn ít” thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự lãnh án tù còn những kẻ vơ vét nhiều thì lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật? Công tác thành tra có minh bạch, rõ ràng hay không bởi trong suốt 10 năm triển khai phòng chống tham nhũng số người vi phạm bị xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Liên quan đến vấn đề trên, trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố, cho rằng: “Sở Y tế là cơ quan chuyên môn, có chức năng tham mưu giúp ủy ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong công tác phòng chống tham nhũng, tại Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc hiện nay, đội ngũ làm công tác này đều là kiêm nhiệm nên việc thanh tra, kiểm tra còn hạn chế.”

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm